Lo ngại bùng phát dịch bệnh trong dịp Tết

Cập nhật, 10:58, Thứ Hai, 28/01/2019 (GMT+7)

Dịch sởi gia tăng, nhiều dịch bệnh vẫn đang lưu hành dễ diễn biến phức tạp và lây lan trong dịp Tết.

Dịch sởi rất dễ bùng phát theo chu kỳ, bệnh gia tăng ở cả người lớn. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN
Dịch sởi rất dễ bùng phát theo chu kỳ, bệnh gia tăng ở cả người lớn. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Nhiều bệnh có nguy cơ lây lan thành dịch

Đầu năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán sắp tới vẫn đang là giai đoạn chu kỳ bùng phát dịch sởi (theo chu kỳ 4- 5 năm), hiện tại các địa phương đã ghi nhận sự gia tăng bất thường của bệnh sởi.

Theo Trung tâm dự phòng bệnh tật Hà Nội, chỉ trong vòng 1 tuần qua, Hà Nội đã ghi nhận thêm 23 ca mắc sởi, tăng 9 trường hợp so với các tuần trước đó.

So với tổng số 32 trường hợp mắc sởi từ đầu năm đến nay, đây là sự gia tăng đột biến, rất dễ bùng phát thành dịch nếu không kịp thời ngăn chặn, mà dịch sởi nguy hiểm năm 2014 là một bài học lớn.

Đặc biệt, gần đây bệnh sởi không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà đã gia tăng ở người lớn. Đơn cử những tuần đầu năm 2019, tại Bệnh viện Bạch Mai đã liên tục ghi nhận các ca mắc sởi là người lớn biến chứng nặng; từ cuối năm 2018 đến nay đã ghi nhận tới hơn 50 ca, nhiều trường hợp là phụ nữ mang thai.

Theo PGS. TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, nguy hiểm ở chỗ, đối với người lớn mắc sởi thường không nghĩ tới bệnh sởi, thậm chí nhiều trường hợp được chuyển đến từ khoa dị ứng thuốc do bị chẩn đoán ban đầu sai như sốt do virus hay rubella… điều này dễ khiến bệnh nhân không biết để cách ly, làm bệnh lây lan ra cộng đồng.

Không chỉ tại Hà Nội, tại TP. Hồ Chí Minh, bệnh sởi cũng đã có những diễn biến bất thường, chỉ trong tuần đầu tiên của năm 2019, thành phố ghi nhận 60 ca mắc sởi, số ca mắc được ghi nhận tại 24/24 quận, huyện của Thành phố và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết: Từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, bệnh sởi đang có diễn biến bất thường, có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương …. 

Năm 2018, cả nước có gần 2.000 ca dương tính bệnh sởi (tăng 13 lần so năm 2017). Ðáng lo ngại, hơn 50% số ca mắc sởi là do chưa tiêm vắcxin sởi, số còn lại do không tiêm đủ mũi, tiêm không đúng lịch. Hiện vẫn đang là chu kỳ dịch của bệnh sởi nên khả năng bùng phát dịch là rất cao.

Không chỉ bệnh sởi, hiện nay đang trong mùa Xuân, khí hậu lạnh, độ ẩm cao là điều kiện rất thuận lợi cho các vi rút gây bệnh truyền nhiễm vẫn đang lưu hành lây lan, bùng phát mạnh.

Nhiều bệnh truyền nhiễm vẫn đang xuất hiện rải rác tại các địa phương như tại Hà Nội đã ghi nhận 71 ca xuất huyết, 40 ca mắc tay chân miệng, 8 ca mắc ho gà... trong vòng mấy tuần đầu năm 2019.

Cùng với sự gia tăng giao lưu, du lịch trong dịp Tết và mùa lễ hội, các bệnh truyền nhiễm sẽ rất khó kiểm soát nếu không tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất

Các chuyên gia cảnh báo: Hiện nay tỷ lệ tiêm vắc xin vẫn còn thấp là nguyên nhân nhiều bệnh truyền nhiễm như sởi tăng cao gần đây.

Đặc biệt, nhiều gia đình chủ quan, lo ngại về các phản ứng sau tiêm chủng nên không cho con em đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, do đó các bệnh dịch có sẽ có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới, nhất là bệnh sởi đang trong thời điểm "báo động".

Theo PGS. TS Đỗ Duy Cường, tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh cho người dân và cộng đồng, vì vậy các bậc phụ huynh nên cho con đi tiêm phòng và tiêm nhắc lại các mũi phòng bệnh theo đúng lịch.

Đặc biệt, trước khi kết hôn, sinh con, phụ nữ nên đi tiêm các bệnh như: Sởi, rubela, cúm… để bảo vệ cho chính mình và đứa trẻ.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, để phòng chống bệnh sởi, từ cuối năm 2018 đến nay Bộ Y tế đã tổ chức 2 chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella tại 88 huyện của 19 tỉnh có nguy cơ cao và tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi cho khoảng 4,2 triệu trẻ tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố; đồng thời, đẩy mạnh tiêm vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ hằng tháng.

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo ngành y tế các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe người dân trong dịp Tết và mùa lễ hội năm 2019 như: Tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu và cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ, trường hợp bệnh xâm nhập, các ổ dịch cũ, các trường hợp về từ vùng có dịch... tổ chức cách ly, quản lý kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.

Đồng thời các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong...

Để phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội 2019, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch đối với các bệnh đã có vắc xin như: Sởi, rubella, ho gà, thủy đậu...

Bên cạnh đó, người dân cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; tránh tiếp xúc với những người nghi mắc các bệnh như: Sởi, cúm, thủy đậu, ho gà…

Hạn chế đến những nơi tụ tập đông người khi không cần thiết. Những người mắc bệnh cần chủ động cách ly, điều trị để đảm bảo tránh lây lan cho cộng đồng, khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, không ăn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc...

Theo Tạ Nguyên/Báo Tin tức