Đi bước nữa

Cập nhật, 08:45, Thứ Năm, 15/06/2017 (GMT+7)

Hôn nhân đổ vỡ nhưng thời gian đã làm lành vết thương và họ muốn bước thêm bước nữa. Họ cần một bờ vai để nương tựa, cần một mái ấm trọn vẹn để trở về sau một ngày làm việc vất vả. Nhưng, họ cũng vấp phải nhiều khó khăn- nhất là những đứa trẻ.

Không muốn mẹ lấy chồng

Chị H.T (37 tuổi) đã ly dị chồng sau 3 năm kết hôn và được nuôi dưỡng cô con gái bé nhỏ của mình. Suốt những tháng năm một mình nuôi con, chị dành hết tình yêu thương cho con gái.

Mẹ con quấn quýt cùng chia sẻ buồn vui. Chị còn trẻ, còn rất đẹp và theo tháng ngày vẻ đẹp “gái một con” càng mặn mà. Với tính cách cứng cỏi, tự tin nhưng không thiếu sự dịu dàng, duyên dáng, chị được nhiều chàng theo đuổi.

Họ nhỏ tuổi hơn chị cũng có, lớn tuổi hơn chị cũng có, có người đã ly hôn và có cả những chàng trai chưa vợ theo đuổi chị. Nhưng chị đều từ chối, không thiết tha nghĩ đến tình cảm cho riêng mình, vì chị muốn bù đắp sự thiếu thốn tình cảm cho con, dành trọn sự quan tâm yêu thương cho cô con gái bé bỏng.

Đến giờ, khi con gái đã 10 tuổi, đã hiểu chuyện và biết quan tâm đến mẹ thì chị mới cho phép nghĩ đến bản thân mình. Chị mở lòng với một người đàn ông cũng đã một lần đổ vỡ nhưng chưa có con riêng.

Người này theo đuổi chị miệt mài suốt bao năm qua, lặng thầm bên chị, chia sẻ mỗi khi chị gặp khó khăn trong cuộc sống, mỗi khi chị quá mệt mỏi vì cô đơn, vì gánh nặng gia đình. Thế là chị chấp nhận anh, họ đến với nhau công khai và nhận được sự ủng hộ từ 2 bên gia đình.

Thế nhưng, chị lại vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ cô con gái nhỏ của mình. Cô bé phản ứng rất dữ dội khi nghe bà ngoại nói về chuyện mẹ chuẩn bị kết hôn.

Bé khóc òa lên nức nở và luôn miệng nói rằng “con không muốn mẹ lấy chồng” rồi chạy thẳng về phòng đóng cửa lại không thèm nói chuyện với ai, suốt buổi chiều không chịu ra ngoài ăn cơm.

Chị H.T thật sự hụt hẫng, xót lòng cho con gái và hoang mang khi nghĩ đến chuyện của chị. Nếu con gái thật sự không chấp nhận người dượng này thì sao? Chị sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào cho hòa thuận?

Chị sẽ chọn lựa như thế nào? Dù được mọi người khuyên can rằng hãy khoan nhắc đến chuyện này, đừng làm cô bé kích động không hay, để thời gian từ từ khuyên nhủ, nói chuyện với con gái để bé hiểu được nỗi lòng của mẹ.

Tuy nhiên, trong thâm tâm chị luôn ưu tiên cho con mình. Nếu không thể giải quyết được, chị tất nhiên sẽ từ bỏ hạnh phúc cho riêng mình mà thôi.

Để vẹn đôi đường

Trường hợp như chị H.T cũng rất nhiều và cũng có nhiều trường hợp đã dứt lòng chạy theo tình yêu mới mà bỏ rơi con cái. Vậy, để vẹn cả đôi đường thì người trong cuộc phải có sự chuẩn bị về nhiều khía cạnh, phải có thời gian để thiết lập mối quan hệ thật tốt đẹp.

Không ai dám khẳng định trước tương lai của những người tái hôn nhưng nỗ lực của người trong cuộc sẽ quyết định hạnh phúc của chính mình.

Chuyện đi bước nữa của người không vướng bận con cái luôn dễ dàng hơn so với những người đã có con. Chuyện con chung, con riêng khiến họ nản lòng trước cuộc hôn nhân mới. Những đứa trẻ sẽ phải mất một thời gian để có thể hòa nhập hoặc gọi một người chẳng chung huyết thống, cũng không sinh thành là mẹ, là cha.

Vì thế nên chuẩn bị trước tâm lý cho con. Trẻ em rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương dẫn đến có những phản ứng tâm lý và hành động nổi loạn khi bỗng dưng bị san sẻ tình cảm với người khác.

Để giúp con vượt qua cú sốc tinh thần, trước hết hãy cho con làm quen với người mình định tái giá một cách tự nhiên để trẻ dần dần cảm nhận được mọi thứ, đặc biệt “người mới” nên thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia một cách chân thành, bình dị để cảm hóa dần trái tim con trẻ.

Điều cần quan tâm và cảm thông nữa là dù được chuẩn bị trước về tâm lý, trẻ vẫn không thoát khỏi những ám ảnh bị bỏ rơi, mặc cảm với mối quan hệ kiểu dì ghẻ, cha dượng. Phải thật tâm lý, khéo léo và cần có thời gian để dung hòa tình cảm 2 bên.

Vợ mất từ khi 2 con còn nhỏ, anh B.B (45 tuổi) “ở vậy” nuôi con. Cho đến giờ, cả 2 con đều khôn lớn, đứa lớn đã đi làm, đứa nhỏ đi học xa. Và lúc này anh mới thấm thía nỗi cô đơn, những lúc không khỏe lủi thủi trong căn nhà vắng lặng.

Anh cần một người chia sẻ buồn vui, chăm sóc lẫn nhau lúc về già. Qua mai mối, anh tìm hiểu một người phụ nữ cũng xấp xỉ tuổi anh nhưng chưa kết hôn lần nào.

Khi đã hợp tánh ý nhau, anh bắt đầu chia sẻ suy nghĩ và tâm tư của mình cho các con hiểu và giới thiệu chị làm quen với con. Họ đã trải qua một khoảng thời gian gần một năm để hiểu và tạo tình cảm với nhau. Và họ kết hôn, cả 2 con đều gọi chị là mẹ. Họ sống rất hòa thuận, các con cũng yên tâm hơn khi cha có người chăm sóc.

“Phải có thời gian tạo tình cảm với các con, người phụ nữ mình chọn phải thật chân tình, biết yêu thương con chồng. Dù gì thì 2 bên phải thật lòng thì mới sống chung được”- anh B.B chia sẻ.

 Khi quyết định đi bước nữa trong hôn nhân, người trong cuộc cần có cái nhìn tích cực. Không nên hằn học, ám ảnh quá khứ của bên kia. Hãy để con cái làm quen với “nửa kia” như một người bạn của mình, tránh những cú sốc tâm lý cho trẻ. Hạnh phúc có thể muộn màng nhưng sẽ đến với những ai biết nắm bắt, trân trọng và học cách giữ gìn.

 

 

 

HẢI YẾN