Tạo môi trường trường học văn minh, thân thiện

Cập nhật, 06:12, Thứ Năm, 10/09/2020 (GMT+7)

Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh- sinh viên (HS- SV) là 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục. Làm tốt công tác này sẽ góp phần tạo một môi trường trường học văn minh, thân thiện, tạo nên hình ảnh, bài học về nhân cách cho học sinh.

Nhiều em học sinh, sinh viên có lối sống đẹp, ý thức hành động vì cộng đồng. Trong ảnh: Học sinh, sinh viên tình nguyện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Nhiều em học sinh, sinh viên có lối sống đẹp, ý thức hành động vì cộng đồng. Trong ảnh: Học sinh, sinh viên tình nguyện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS- SV. Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS- SV đã đạt được những kết quả tích cực, phần lớn HS- SV có đạo đức tốt, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô, người lớn tuổi; có tinh thần đoàn kết, tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng.

Đa phần các em có ý thức chấp hành pháp luật tốt, lối sống đẹp, lành mạnh; có lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; tham gia các hoạt động vì cộng đồng…

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận HS- SV chưa có ý thức học tập tốt, có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra.

Có một số nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS- SV vẫn chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình xã hội còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ.

Trong đó, vẫn còn một số thầy, cô giáo chưa thực sự là tấm gương về đạo đức, lối sống, thiếu đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục. Đồng thời, cũng do mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống của HS- SV…

Theo thầy Phạm Văn Hồng- nguyên Phó Giám đốc Sở GD- ĐT thì một bộ phận HS- SV, thanh thiếu niên hiện nay có xu hướng “bắt chước” các hành vi tiêu cực trên mạng xã hội, phim ảnh,… Đó cũng là sự phản ánh về tính cách cũng như tính “thể hiện bản thân” của các em. Tình trạng này dễ dẫn đến hành vi tiêu cực, bạo lực học đường trong trường học.

Trong khi đó, theo thầy Nguyễn Thế Vinh- Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên TP Vĩnh Long, vẫn có một số phụ huynh “giao khoán” cho nhà trường, giáo viên giáo dục con em mình.

“Giáo dục đạo đức, lối sống cần có sự phối hợp chặt chẽ từ phía nhà trường, gia đình và xã hội. Trong đó, yếu tố gia đình rất quan trọng vì các em được sinh ra lớn lên và dành rất nhiều thời gian bên gia đình, cha mẹ mình”- thầy Nguyễn Thế Vinh chia sẻ.

Tạo môi trường trường học thân thiện

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS trong ngành giáo dục sẽ góp phần tạo môi trường trường học văn minh, thân thiện, góp phần tạo nên hình ảnh, bài học về nhân cách cho học sinh.

Theo bà Trương Thanh Nhuận- Giám đốc Sở GD- ĐT, đây là 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm mà ngành GD- ĐT sẽ thực hiện trong năm học 2020- 2021.

Đó là việc phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc, tập trung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, đảm bảo an toàn trường học, công tác giáo dục thể chất cho HS- SV.

“Một nội dung quan trọng trong nhiệm vụ này là thực hiện hiệu quả công tác giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho HS- SV, thông qua các hoạt động giáo dục và trải nghiệm”- bà Trương Thanh Nhuận cho biết.

Hiện Phòng Chính trị, tư tưởng của Sở GD- ĐT có chức năng tham mưu Giám đốc Sở GD- ĐT thực hiện quản lý nhà nước về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; giáo dục thể chất ngoại khóa; y tế trường học; vệ sinh môi trường; các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; công tác quản lý HS- SV và công tác Đoàn, Đội, Hội trong trường học;…

Theo ông Lâm Đặng Hồng Sơn- Trưởng Phòng Chính trị, tư tưởng- thì phòng sẽ góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, các quyết định và pháp luật về ngành, triển khai có hiệu quả về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đồng thời, góp phần tạo sự ổn định về tình hình tư tưởng của đội ngũ trong ngành, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt mang tính tích cực trong ngành, từ đó lan tỏa điều hay, hạn chế tiêu cực… 

Ông chia sẻ: “Ngành giáo dục thành lập các nhóm trên mạng xã hội như Zalo, Viber, Facebook với các thành viên các nhóm như: lãnh đạo các phòng GD- ĐT, nhóm hiệu trưởng các trường THPT, tiểu học, cán bộ Đoàn trường học, giáo viên Tổng phụ trách Đội…

Thông qua các nhóm này, lãnh đạo sở và lãnh đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở nắm bắt thông tin, dư luận xã hội và định hướng tuyên truyền rất kịp thời và hiệu quả”.

Để tạo môi trường trường học văn minh, thân thiện hơn trong năm học 2020- 2021, theo bà Trương Thanh Nhuận, ngành giáo dục sẽ thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội cho HS phổ thông. Cũng như thực hiện rà soát, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho HS vào các môn học chính khóa.

“Đặc biệt là triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS- SV.

Trong đó, quan tâm đến việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học và thực hiện hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS- SV. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trường học và các giải pháp phòng chống bạo lực học đường…”- bà Trương Thanh Nhuận chia sẻ.

Bài, ảnh: CÔNG NGÔN