Thêm tin yêu bước vào năm học mới

Cập nhật, 06:12, Thứ Tư, 09/09/2020 (GMT+7)

 

Những suất học bổng nghĩa tình giúp các em vững tin bước vào năm học mới.
Những suất học bổng nghĩa tình giúp các em vững tin bước vào năm học mới.

Hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt: mồ côi, khuyết tật, con người khiếm thị, hoàn cảnh khó khăn là việc làm thường xuyên của nhiều tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Trong năm học mới 2020- 2021 này, các cấp hội đặc thù tỉnh Vĩnh Long đã cố gắng vận động góp phần hỗ trợ nhiều hơn cho các em. Những phần quà không chỉ có ý nghĩa về vật chất mà đó còn là cả sự tin yêu dành cho thế hệ tương lai.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin- Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội tỉnh vừa trao 180 suất học bổng cho học sinh- sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt trong toàn tỉnh.

Trong đó, có 67 học sinh tiểu học, 57 học sinh THCS, 40 học sinh THPT và 16 sinh viên CĐ, ĐH. Học bổng dành cho học sinh tiểu học là 500.000 đ/suất; học sinh THCS 800.000 đ/suất; học sinh THPT là 1.000.000 đ/suất và sinh viên các trường ĐH, CĐ là 1.500.000 đ/suất.

Đối tượng được nhận học bổng là học sinh- sinh viên khuyết tật, mồ côi, con người khiếm thị, con người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh Vĩnh Long.

Chương trình này đã được hội thực hiện trong 3 năm nay, những học sinh- sinh viên nhận được học bổng nếu giữ được thành tích học tập tốt sẽ tiếp tục được nhận học bổng này.

Học sinh Trần Thị Thu Trâm (xã Lộc Hòa- Long Hồ) chuẩn bị vào lớp 12 và vẫn chưa có tiền đóng học phí. Nhận suất học bổng 1 triệu đồng này, Trâm đã ngủ ngon hơn từ khi nhận giấy mời.

Trâm cho biết: “Cha em bỏ đi từ khi em còn rất nhỏ, em sống cùng bà ngoại, mẹ và em gái. Lương công nhân của mẹ không đủ để nuôi gia đình 4 người nên em rất lo lắng. Có học bổng này em đã đủ đóng học phí rồi”.

Ngồi chờ nhận quà cho cháu ngoại là Lê Minh Phong (Khóm 2, Phường 3- TP Vĩnh Long), cô Huỳnh Thị Ngọc Huệ cho biết: “Bé Phong năm nay 7 tuổi, do bé sanh non hồi mới 6 tháng nên không thấy đường (mù). Thấy con vậy, ba bé bỏ đi luôn tới giờ”.

Hiện nay, bé Phong được mẹ cho đi học ở Trường Dạy trẻ khuyết tật tại Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Cô Huệ nói thêm: “Con gái tôi lên Sài Gòn bán vé số kiếm tiền nuôi con, số tiền này đỡ cho con tui nhiều lắm”.

Đinh Thị Diễm Thi có ba là người khiếm thị, mẹ ở nhà buôn bán nhỏ nên thu nhập bấp bênh. Hôm nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, Diễm Thi vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì đậu ĐH nhưng lại lo nhiều vì tiền đâu đóng học phí.

Thi nói: “1,5 triệu tiền học bổng tuy không nhiều nhưng với gia đình em thì rất cần, đặc biệt là trong lúc này”.

Hiểu được nỗi lo chung của những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, các cấp hội đặc thù trong tỉnh Vĩnh Long luôn cố gắng để các em tự tin hơn, học tốt hơn.

Bà Nguyễn Ngọc Truyền- Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin- Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết: “Tình hình dịch COVID-19 năm nay làm nhiều gia đình bị ảnh hưởng. Do đó, chúng tôi đã mở rộng nhiều suất học bổng hơn giúp các em tự tin hơn để tiếp tục đến trường”.

Trong năm học mới này, để hỗ trợ cho các em, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long đã trao 330 học bổng trị giá 240 triệu đồng và 3.500 quyển tập cho học sinh ở huyện Long Hồ, Tam Bình, Vũng Liêm.

Em Võ Phùng Phương Tình (xã Thanh Đức- Long Hồ) cho biết: “Học bổng này giúp ích cho gia đình con. Năm học tới con sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng các cô chú đã hỗ trợ cho con”.

Đối với em Nguyễn Thị Thanh Trúc (xã Song Phú-Tam Bình) sống cùng cha và bà nội, “có được học bổng em rất vui, bà nội sẽ mua sách vở và quần áo mới cho con”.

Giám đốc Sở GD- ĐT Trương Thanh Nhuận cho rằng: “Ngành GD-ĐT nhận được rất nhiều sự quan tâm chia sẻ của các cấp hội đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đây là nguồn động viên các em và ngành giáo dục bước vào năm học mới”.

Từ đầu năm đến nay, Hội Chữ thập đỏ và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin- Người khuyết tật và Bảo trợ xã hội các cấp trong tỉnh đã trao hơn 35.000 quyển tập, cặp, sách, hơn 1.600 suất học bổng trị giá hơn 5 tỷ đồng cho 5.600 học sinh nghèo khuyết tật, bị di chứng da cam, mồ côi trong tỉnh.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN