Sức mạnh lan tỏa từ dân vận

05:10, 15/10/2020

Kể từ khi ra đời, Đảng ta, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã luôn quan tâm đến công tác vận động quần chúng, chăm lo tập hợp lực lượng cách mạng. Nhờ đó đã huy động được mọi tiềm năng, sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, chung sức chung lòng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Kể từ khi ra đời, Đảng ta, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã luôn quan tâm đến công tác vận động quần chúng, chăm lo tập hợp lực lượng cách mạng. Nhờ đó đã huy động được mọi tiềm năng, sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, chung sức chung lòng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Những năm qua, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” của hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Long không ngừng được phát triển, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước, đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, nhiều tập thể và cá nhân đã góp phần cùng Đảng và Nhà nước tham gia xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Kỳ 1: Tấm lòng ấm áp của cô giáo vùng xa

Cô giáo trẻ Nguyễn Ngọc Thùy (trái) nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu.
Cô giáo trẻ Nguyễn Ngọc Thùy (trái) nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu.

Không chỉ tập trung hoàn thành tốt chuyên môn giảng dạy của mình, những năm qua, cô giáo Nguyễn Ngọc Thùy ở Trường Tiểu học Hòa Bình D (xã Hòa Bình- Trà Ôn) đã song hành “dân vận khéo” trong sự nghiệp giáo dục của mình, tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, vận động xã hội hóa giúp phụ huynh, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp bước đến trường. Cô giáo vùng xa không ngừng truyền đi thông điệp, năng lượng tích cực hướng tới cộng đồng.

Chung tay nâng bước học sinh đến trường

Đến gặp cô Nguyễn Ngọc Thùy tại Trường Tiểu học Hòa Bình D vào ngày đầu tháng 10 mưa rả rích, chúng tôi cảm nhận sự năng nổ, nhiệt tình, tâm huyết với nghề bừng lên trên gương mặt của cô giáo trẻ.

Chia sẻ về việc thực hiện gắn liền mô hình “Dân vận khéo” với công tác chuyên môn, cô Thùy cười nói: “Là một giáo viên đứng lớp, bản thân nhận thấy còn nhiều em học sinh chưa đủ dụng cụ học tập, trang phục chưa được sạch đẹp như bao bạn khác nên tôi đã đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình học sinh.

Thấy được những hoàn cảnh khó khăn đáng thương của các em, tôi suy nghĩ cách giúp gia đình các em đỡ chi phí trong học tập, an tâm hơn trong cuộc sống”.

Hiện thực hóa mong muốn “chung tay nâng bước cho các em đến trường”, cô Thùy đã mạnh dạn tham mưu với Chi bộ và Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể để giúp đỡ các em trong học tập. Nhận được sự ủng hộ, cô Thùy tích cực bắt tay vào các hoạt động từ thiện với tấm lòng ấm áp dành cho học sinh của mình.

Cô giáo trẻ chủ động tìm kiếm, vận động bạn bè, quý nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài tỉnh, hễ thấy ai có khả năng và tấm lòng hảo tâm là cô lập tức tới vận động đóng góp hỗ trợ tập, sách, học bổng, quà cho các em học sinh nghèo.

Cũng nhờ sự kiên trì, nhiệt huyết và cái “duyên” ăn nói mà qua mấy năm nay cô Thùy đã vận động được kinh phí trên 200 triệu đồng để tiếp bước các em đến trường.

Qua thời gian thực hiện mô hình vận động học bổng, tập sách, cô Thùy vẫn trăn trở việc chưa giải quyết hết được những khó khăn của các phụ huynh học sinh hay những hộ nghèo khác trên địa bàn xã, dẫn đến việc các em học sinh không có điều kiện tiếp tục vững bước đến trường.

“Vì khi đi thực tế, nhiều em học sinh rất khó khăn về nhà ở, mái nhà không đủ che nắng che mưa cho các em học tập. Mà ông bà ta thường nói an cư mới lạc nghiệp, nên tôi đã bắt đầu xin được vận động hỗ trợ xây nhà cho các em.

Bởi chỉ khi có được một ngôi nhà ổn định thì họ mới có thể an tâm lao động sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình, tiếp tục cho con đến trường.”- cô Thùy cho biết.

Nói là làm, âm thầm đi vận động gom góp để xây mái ấm cho học sinh, qua 5 năm, cô Thùy đã vận động nhà hảo tâm đóng góp xây mới và sửa chữa 5 căn nhà với tổng giá trị trên 250 triệu đồng, tuy không quá lớn nhưng đó là cả tấm lòng của cô giáo vùng xa.

Trong căn nhà mới, chị Trần Thị Thúy Hằng (ấp Ngãi Hòa) vui mừng: “Nhà hộ nghèo, chồng đi làm thuê còn tôi bị bệnh ở nhà nội trợ nên việc nuôi 2 con đang học tại trường cũng chật vật.

Được cô Thùy vận động nhà hảo tâm xây dựng cho căn nhà trị giá 75 triệu đồng để yên tâm mần ăn, tôi mừng rớt nước mắt. Tôi hứa sẽ cố gắng hết sức mình để các con vững bước đến trường”.

Tạo việc làm ổn định cho phụ huynh

Không dừng lại ở đó, từ việc vận động học bổng, hỗ trợ quà, nhà cho học sinh…, cô Thùy vẫn nhận thấy dù hỗ trợ được cho các em phần nào nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.

Khó khăn của gia đình các em vẫn còn, cô Thùy mạnh dạn “đổi mới” mô hình, nảy ra ý tưởng vận động thành lập tổ may gia công, vận động phụ huynh tham gia tổ may gia công để có công việc kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, giúp các em học sinh có điều kiện đến trường.

“Không đơn giản là chỉ tạo ra thu nhập cho phụ huynh khó khăn, điều mà tôi hướng đến là sự phát triển tâm lý của học sinh, chứ không đơn thuần là lợi ích kinh tế.

Tôi muốn đứa trẻ có được tiếng nói, nụ cười cùng mẹ hàng ngày, được mẹ chăm sóc, được chia sẻ vui buồn cùng mẹ sau mỗi buổi tan trường; để các em có một tuổi thơ đầy đủ như bao đứa trẻ khác cả về vật chất lẫn tinh thần. Đây chính là nguyên nhân tiên quyết để tôi lựa chọn mô hình mới này”- cô Thùy “hiến kế”.

Được sự cho phép của nhà trường, cô Thùy bắt tay vào vận động xã hội hóa bằng cách sử dụng công nghệ thông tin, đưa kế hoạch thực hiện lên Facebook, Zalo; nêu mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để mua máy may, sửa chữa cơ sở vật chất (tận dụng lại các phòng của trường cũ) thành lập nhà may, giúp đỡ cho người nghèo.

Tổ may gia công của cô giáo trẻ đã giải quyết được việc làm cho nhiều phụ huynh có thêm thu nhập.
Tổ may gia công của cô giáo trẻ đã giải quyết được việc làm cho nhiều phụ huynh có thêm thu nhập.

Từ năm 2017 đến nay, cô Thùy vận động được trên 80 triệu đồng, đầu tư cho nhà may được 13 máy vắt sổ và máy may, trang thiết bị phục vụ may và camera đảm bảo an ninh cho hoạt động của nhà may. Đồng thời, cô cũng phối hợp với địa phương tìm được đối tác giao, nhận hàng để nhà may đi vào hoạt động ổn định.

Theo thầy Trần Văn Bé Năm- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình D, cô Nguyễn Ngọc Thùy là giáo viên trẻ nhiệt tình, yêu nghề mến trẻ, hết lòng vì học sinh, không chỉ hoàn thành tốt công tác chuyên môn, là một giáo viên giỏi, mà cô còn tích cực trong mô hình Dân vận khéo của mình đạt nhiều kết quả phấn khởi; là tấm gương điển hình trong công tác dân vận khéo tại đơn vị.

Mặt khác, cô Thùy tham mưu cho nhà trường chọn đối tượng tham gia tổ may là những phụ huynh học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có con em đang theo học tại trường.

Chị Phan Thị Hồng Thẩm (ấp Ngãi Hòa) là thành viên tham gia tổ may từ ngày đầu thành lập, “sau khi đưa con tới trường, trong khi chờ đợi rước con, tôi cùng các chị em ở lại may mà không phải tốn thời gian đi về.

Hơn nữa, tham gia tổ may không cần nguồn vốn nhưng vẫn có thể có việc làm và có đồng ra đồng vô để nuôi 2 con đang học lớp 3 của trường”.

Bên cạnh đó, nhằm giúp các thành viên trong tổ may thành thạo nghề, cô Thùy phối hợp với thợ may lành nghề đến dạy may cho tổ viên và liên kết được nơi cung cấp hàng gia công cho tổ may.

Như vậy, tổ viên an tâm tham gia may mà không cần lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Qua gần 3 năm đi vào hoạt động, tổ may đã đạt được nhiều kết quả tích cực, là cứu cánh ổn định cho nhiều hộ phụ huynh nghèo.

Tổ viên Nguyễn Thị Kim Phượng nhiệt tình nói: “Hồi trước tôi ở nhà nuôi con, còn chồng thì nuôi vịt chạy đồng. Cũng nhờ cô Thùy vận động tham gia tổ may mà nay gia đình tôi đã đỡ nhiều. Nhớ hồi tháng đầu tiên học nghề may, tôi làm chưa được một trăm ngàn nhưng giờ mỗi tháng tôi làm được gần 4 triệu đồng. Ai nghe cũng mừng”.

Những năm qua, cô Nguyễn Ngọc Thùy đã vận động xây được nhiều căn nhà tình nghĩa cho phụ huynh, học sinh khó khăn về nhà ở.
Những năm qua, cô Nguyễn Ngọc Thùy đã vận động xây được nhiều căn nhà tình nghĩa cho phụ huynh, học sinh khó khăn về nhà ở.

Từ ngày đầu, nhiều phụ huynh, giáo viên và người dân chưa thật sự tin tưởng vào mô hình, nhưng thông qua hiệu quả thiết thực mỗi ngày, đến nay đã có nhiều phụ huynh tham gia, tích cực ủng hộ cho tổ may. Hiện tại, tổ may có 13 máy với 9 tổ viên thường xuyên, thu nhập bình quân ngày càng tăng.

Đối với cô Thùy: “Tổ may là niềm vui của những thành viên trong tổ, của những người có thu nhập thấp. Niềm vui đó không thể đong đếm bằng vật chất, mà là tiếp thêm cho nhiều người động lực, niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai tốt đẹp hơn của con em mình”.

Đồng thời, “niềm vui của tôi là vì mình góp một phần nhỏ vào phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng chất nông thôn mới ở địa phương, không phụ lòng của nhà trường và các nhà tài trợ đã ủng hộ mình nhiệt tình.”- cô Thùy chia sẻ.

Với những hiệu quả thiết thực từ mô hình “Dân vận khéo” và luôn là tấm gương sáng của sự nghiệp giáo dục, cô Thùy đã được các ban, ngành, đơn vị tặng nhiều bằng khen, giấy khen; nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và cấp tỉnh; đạt danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu” cấp tỉnh; và mới đây được tuyên dương, khen thưởng cá nhân điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2015- 2020 cấp tỉnh.

Kỳ 2: Vận động nông dân cùng nhau làm giàu

Bài, ảnh: HẢI YẾN- TUYẾT NGA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh