Xuất khẩu lao động ở khu vực ĐBSCL

Thúc đẩy phát triển để xứng tiềm năng

Cập nhật, 05:28, Thứ Ba, 03/12/2019 (GMT+7)

Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (xuất khẩu lao động- XKLĐ) của các tỉnh- thành vùng ĐBSCL các năm qua có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, số người ở 13 địa phương trong vùng đi hợp tác lao động vẫn không đồng đều và trên tổng thể, con số XKLĐ của vùng vẫn còn hạn chế so với các vùng miền trên cả nước.

Thực tập sinh người Vĩnh Long trong một đợt phái cử sang Nhật Bản làm việc.
Thực tập sinh người Vĩnh Long trong một đợt phái cử sang Nhật Bản làm việc.

XKLĐ đã có nhiều khởi sắc

Đây là thông tin Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) đưa ra tại hội nghị thúc đẩy công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các tỉnh ĐBSCL, tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long ngày 29/11/2019.

Theo đó, năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Còn thống kê đến hết tháng 10/2019, con số này là 132.802 lao động (trong đó có 45.340 lao động nữ, chiếm 29,2%), vượt 10% so chỉ tiêu đặt ra trong năm nay là 120.000 lao động.

Tại Nhật Bản có 71.136 lao động làm việc, Đài Loan có 49.980 lao động làm việc... và vẫn là các thị trường XKLĐ chính của nước ta, trong đó có ĐBSCL.

Theo đánh giá, thị phần của lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan tăng đều đặn những năm qua, bình quân 0,7-1,3%. Hiện nay, đang có khoảng 220.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan và đứng thứ hai về số lượng lao động của các quốc gia phái cử làm việc ở đây.

Với Nhật Bản, vẫn là sự tăng trưởng mạnh với số lượng thực tập sinh phái cử sang đây làm việc, vượt 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài của cả nước năm nay. Hiện tổng số thực tập sinh Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản đã hơn 140.000 người.

Riêng ĐBSCL, giai đoạn 2016-2018 đã XKLĐ mỗi năm từ 7.000 đến gần 8.500 lao động. Còn trong 10 tháng qua, đã có gần 8.000 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài.

Kết quả XKLĐ của các tỉnh- thành trong vùng đạt thấp và không đồng đều. Đến nay, chỉ 3 tỉnh đưa được hơn 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm: Đồng Tháp (1.685 lao động), Bến Tre (1.531), Vĩnh Long (1.323); các địa phương còn lại dao động từ 200- 600 lao động.

Ông Tống Hải Nam- Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước- đánh giá: Công tác XKLĐ của ĐBSCL trong những năm gần đây đã có khởi sắc nhất định; tuy nhiên vẫn còn rất hạn chế so các vùng miền trên cả nước.

Có được kết quả đó, không thể phủ nhận vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp ở các tỉnh- thành trong lãnh đạo chỉ đạo, triển khai thực hiện.

Đồng thời là vai trò của các đơn vị XKLĐ ở TP Hồ Chí Minh với đại lý, văn phòng đặt tại các địa phương đã phối hợp tốt với chính quyền và ngành chức năng sở tại hỗ trợ tư vấn, đào tạo, thu hút người lao động đi hợp tác lao động ngoài nước.

Số liệu tổng hợp lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2016 đến hết tháng 10/2019

Stt

Năm

Số lượng

Giới tính

Nam

Nữ

1

2016

126.296

80.267

46.029

2

2017

134.751

81.411

53.340

3

2018

142.860

92.568

50.292

4

2019 (đến tháng 10)

132.802

87.462

45.340

 

Thúc đẩy XKLĐ tương xứng với tiềm năng

Theo ông Tống Hải Nam, mặc dù có điều kiện thuận lợi là nguồn cung lao động dồi dào nhưng số lượng người lao động ở ĐBSCL đi làm việc ở nước ngoài còn rất thấp.

Nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan như: nhận thức về vai trò của XKLĐ ở một số địa phương chưa thật sự đầy đủ; chất lượng lao động (chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp), tinh thần thái độ của một bộ phận lao động chưa cao; người lao động nhiều nơi còn ngại thay đổi, “không muốn xa gia đình để đi làm việc ở nước ngoài”...

Ông Nguyễn Lương Trào- Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam- đồng tình các rào cản này đã dẫn tới tốc độ phát triển XKLĐ bình quân của vùng chưa cao. Điều đó đặt ra yêu cầu cần phải có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để có các giải pháp thúc đẩy XKLĐ xứng với tiềm năng đã nói.

Bà Phạm Thị Hồng Vân- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhân lực quốc tế (SOVILACO) thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chỉ ra: Chuyên môn, kỹ năng và tinh thần làm việc của lao động trong vùng là vấn đề được quan tâm đối với đơn vị tuyển dụng XKLĐ hiện nay. Vì vậy, tùy từng loại hình lao động mà đơn vị có chiến lược hỗ trợ đào tạo, tư vấn, tuyển dụng phù hợp.

Bà Lê Thị Hương- Trưởng Phòng Nhân sự chi nhánh Công ty Hoàng Long (TP Hồ Chí Minh) thì đưa ra giải pháp: XKLĐ là một nhiệm vụ mà các địa phương đưa ra hàng năm; từ đó giao chỉ tiêu này từ tỉnh đến huyện, xã để chính quyền, đoàn thể các cấp và người dân vào cuộc thì sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo ông Trần Văn Khái- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Long, công tác XKLĐ đã được tỉnh chỉ đạo sâu sát và ngành phối hợp chặt chẽ với các công ty XKLĐ để tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Nói về hiệu quả công tác này, ông diễn tả: “Khi nào mà bà con mình đi đám giỗ, đám cưới, đám hỏi ở nông thôn mà bàn sôi nổi về XKLĐ liên quan việc cất nhà mới, thoát nghèo, nâng cao đời sống... thì coi như công tác XKLĐ đã lan tỏa trong nhận thức cộng đồng”.

Còn ở khía cạnh vĩ mô, công tác XKLĐ nếu làm tốt, đạt hiệu quả sẽ giải quyết được các mục tiêu: nâng cao thu nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; là cầu nối hữu nghị (với các nước có người lao động đi làm việc) và tạo phong trào khởi nghiệp hiệu quả.

Tổng số lao động đi XKLĐ của 13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL trong cùng thời gian trên

Năm

2016

2017

2018

Đến 19/10/2019

Tổng số lao động

6.883

7.313

8.496

7.953

Bài, ảnh: MINH THÁI