Nhân Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12)

"Bà ngoại Út"

Cập nhật, 05:15, Thứ Ba, 03/12/2019 (GMT+7)

Hơn 15 năm qua, Cơ sở Phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu (Phường 4- TP Vĩnh Long) là tâm huyết của Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Ngọc Điểu. Dù đã 80 tuổi, bà vẫn miệt mài đem đến niềm vui vận động cho trên 5.000 trẻ khuyết tật. Những vòng tay ôm siết cổ, cái hun “chóc chóc” khi sà vào lòng mà các bé dành cho “bà ngoại Út” là “thù lao” hạnh phúc bà nhận được mỗi ngày.

Cơ sở Phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu- nơi xoa dịu những khiếm khuyết.
Cơ sở Phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu- nơi xoa dịu những khiếm khuyết.

“Bà ngoại Út”

Cứ mỗi sáng, trong căn nhà tầm 80m2, những đứa trẻ không may bị khiếm khuyết được ba mẹ, ông bà đưa đến cơ sở của “ngoại” để tập phục hồi vận động. “Bà ngoại Út” bố trí nào là nệm, xe lắc, ghế đẩy, đĩa xoay, tay nắm… toàn những dụng cụ ngộ nghĩnh để các bé vừa vui chơi vừa tập luyện.

Các bé bi bô vòng tay, gật đầu thưa “bà ngoại”, có bé trườn, bò nhanh lại để sà vào lòng, ôm hun “ngoại”. Và, bà ngoại áo trắng, tóc bạc phơ cười phúc hậu, ôm các bé vào lòng.

Các bé bại não, khuyết tật, bị di chứng của chất độc da cam… được xoa dịu nỗi đau khiếm khuyết, từng bước phục hồi vận động trong vòng tay yêu thương của bà.

Trên chiếc nệm mỏng trải dưới sàn nhà của bà ngoại Út, bé Phan Thanh Phong (10 tuổi) cười tươi, chân co duỗi dứt khoát vì đã quá quen thuộc những bài tập của ngoại.

Tay bà ngoại Út xoa đều 2 bên thái dương, cổ, rồi tay chân. “Đó là phương pháp tự xoa bóp, day ấn huyệt trong dưỡng sinh, có tác dụng giảm gồng cơ, một trong những nguyên nhân làm tay chân các em co quắp, cứng ngắc.

Sau đó, tùy theo khả năng thích nghi của mình, mỗi cháu bé được hướng dẫn tập các động tác khó hơn như: ưỡn cổ, vặn cột sống và cổ ngược chiều, nằm sấp ưỡn lưng...”- bà ngoại giải thích.

Thi thoảng, bé Phong bị đau, gồng người lên, ánh mắt trợn lên nhìn ngoại cầu cứu. Ngoại vỗ vỗ lưng, lấy cây kẹo dỗ dành, miệng cười phúc hậu: “Ráng lên con, con đau con mới phản ứng mạnh, vậy tốt hơn bà tập cho con đó”.

Mẹ bé- chị Võ Thị Lẹ- nhìn con tập, mắt rưng rưng: “Chị hổng nghĩ con mình có thể phục hồi được như vậy. Ngoại Út miệt mài tập cho con chị gần chục năm nay rồi. Hồi đó tới, tay chân con mềm oặt vì bị bại não, không cử động được, ngoại tập nắn xoa riết bé đứng được, đi chập chững và quan trọng nhất là học được lớp 3 rồi đó”.

Bé Lê Hùng Bảo (25 tháng, quê Đồng Tháp) cố bò lại hun “bà cóc”, miệng bi bô ngọng nghịu “thưa bà… chóc!” Ngoại Út quay sang ôm hôn bé Bảo. Bà khoe: “Giỏi lắm nha, bé bị sốt bại liệt, mới tập hơn 4 tháng mà phục hồi ngoạn mục, giờ bò được, quỳ được là sẽ đứng đi được.

Nhờ tập mà giờ đôi chân đều khỏe, hết yếu xìu rồi, “bà chóc” sung sướng hết sức hà”- bà ngoại Út nhái giọng bé yêu. Rồi ngoại quay sang ba bé dặn dò: “Dù mừng nhưng cũng đừng cho bé đứng chịu lực nhiều, mình tập từng bước một, chậm
mà chắc”.

Phòng tập vật lý trị liệu ở Trạm Y tế xã Ngãi Tứ (Tam Bình).
Phòng tập vật lý trị liệu ở Trạm Y tế xã Ngãi Tứ (Tam Bình).

Sống với đam mê mang lại niềm vui, sức khỏe cho người khuyết tật, bác sĩ Ngọc Điểu còn tích cực vận động nhiều trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ các trạm y tế thành lập phòng vật lý trị liệu.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung- Trưởng Trạm y tế xã Ngãi Tứ (Tam Bình) cho biết: “Ngoài hỗ trợ phòng tập vật lý trị liệu, bác sĩ Ngọc Điểu còn ủng hộ tủ thuốc từ thiện cho dân nghèo, nhờ đó những người lỡ đường, người bị tai nạn giao thông có được tủ thuốc hỗ trợ”.

Đến nay, bà vận động trang bị được 15 phòng tập vật lý trị liệu cho các trạm y tế trong và ngoài tỉnh, giúp nhiều người bị di chứng sau tai biến, khuyết tật có điều kiện tập luyện, điều trị gần nhà.

Trạm Y tế xã Ngãi Tứ (Tam Bình) được bà vận động hỗ trợ đầu tư phòng tập, máy xoa bóp, chiếu đèn, máy kéo lưng,… có hơn 20 người thường xuyên đến tập luyện, chủ yếu người bị bệnh xương khớp và các trẻ bại não.

Cô Hồ Thị Phương (61 tuổi, ở xã Ngãi Tứ) cho biết: “Trước đây đau nhức không ngủ được “nay đi tập 1 tháng đã đỡ nhiều”.

Xoa dịu những nỗi đau

Gần 2 năm nay, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nghĩa rời quê Quảng Ngãi đến TP Vĩnh Long thuê nhà để tiện việc đến nhà ngoại Út tập cho con.

“Hồi mới tập, con tui nhỏ xíu chỉ nặng hơn chục ký. Tay chân thì co quắp, cứng ngắt. Tui được bà ngoại Út hướng dẫn cách tập, cách xoa bóp tay chân cho con nên tập riết giờ con có thể ngồi dựa trong lòng mình. Con còn nắm được tay mình nữa đó”- chị tâm sự.

Để ở lại Vĩnh Long lâu dài, chồng chị buôn bán dạo để lo cho cuộc sống cả nhà, bé nhỏ thì đi học mẫu giáo. Chị Nghĩa ở nhà nội trợ, đưa con đi tập và ở nhà tập thêm bài tập được ngoại Út dặn để con mau phục hồi.

Chị tâm sự: “Không chỉ tập không lấy tiền, ngoại còn cho ăn cơm từ thiện, cho sữa, có chương trình từ thiện nào ngoại cũng dành phần cho mẹ con tui hết”.

Tấm lòng, tình yêu thương con trẻ đã nhen nhóm trong lòng bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu ngay từ những năm tháng tham gia kháng chiến.

Thuở ấy, ở tuổi 15- 16, bà đã theo cách mạng. Sau ngày hòa bình, bà tham gia nhiều công tác như phụ trách Nhà trẻ Huỳnh Kim Phụng, rồi Giám đốc Bệnh viện Y học dân tộc TX Vĩnh Long,...

Sau khi tốt nghiệp ĐH chuyên ngành Đông y, bác sĩ Ngọc Điểu tham gia nhiều hoạt động y tế ở địa phương. Với những đóng góp to lớn cho ngành, bà vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý: Thầy thuốc ưu tú.

Các chương trình hỗ trợ bò giống, hỗ trợ xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật được bà vận động thực hiện cũng đã giúp đỡ hàng trăm người khuyết tật trong tỉnh có thêm phương tiện mưu sinh, ổn định cuộc sống.

Chị Huỳnh Thị Kim Trâm có con là Nguyễn Thị Gia Phúc (5 tuổi, bị bại não do nhiễm chất độc da cam) mừng vui vì được ngoại Út vận động tặng xe chuyên dụng cho con chị ngồi, nhờ vậy, công việc bán vé số của mẹ con chị đỡ vất vả hơn.

“Bà ngoại Út” luôn dành được tình yêu thương từ các cháu.
“Bà ngoại Út” luôn dành được tình yêu thương từ các cháu.

Bé Phúc chân tay co quắp, cổ vẹo ngược ra một bên vai. Mỗi lần muốn bé thẳng chân tay ra, chị Trâm phải chằng kéo cả người bé rồi mới dùng dây nẹp vô khung, bắt đầu tập cho bé.

Chị nói: “Nhờ ngoại Út với cô Hoa tập luyện cho mà con tui mới đỡ nhiều. Các cô tập con vất vả mà hổng lấy tiền, còn tặng xe cho con. Có nhà hảo tâm cho sữa, gạo gì các cô cũng dành phần. Ơn đức của các cô không biết làm sao trả hết”.

Còn anh Trần Văn Vũ (xã An Phước-Mang Thít) tâm sự: “Cô Út tập cơ giúp tui phục hồi vận động. Rồi cô còn vận động cho tui căn nhà, con bò, tặng xe lắc để bán vé số mỗi ngày. Cô như người mẹ thứ hai của tui. Cuộc sống ổn định, cả nhà tui mang ơn cô Út dữ lắm!”

Dù ở đâu và vị trí nào, bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhưng có lẽ, thành công lớn nhất trong cuộc đời người thầy thuốc ưu tú này chính là công việc mà bà gắn bó lâu nhất: phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

Miệt mài và cần mẫn, bà đã trao cho từng mảnh đời bất hạnh “chiếc cần câu” từ lòng nhân ái của tình người, để nhận lại niềm tin và niềm hy vọng rằng ngày mai của những số phận khiếm khuyết ấy sẽ tốt đẹp hơn.

Với việc làm tử tế, nhân văn và có sức lan tỏa trong cộng đồng, nhiều năm qua, bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu được tặng nhiều bằng khen từ địa phương đến Trung ương. Mới đây, bà cũng vừa được vinh danh tại Giải thưởng KOVA lần thứ 17 (năm 2019) ở hạng mục Sống đẹp. Tiền thưởng từ giải, bà dùng mua dàn máy vi tính, máy in để lưu trữ hồ sơ các bé và để kết nối với các tổ chức từ thiện luôn sẵn sàng hỗ trợ bà trong các chương trình thiện nguyện.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN