Khó đạt mục tiêu khi bệnh viện vệ tinh thiếu trang thiết bị

Cập nhật, 06:25, Chủ Nhật, 01/12/2019 (GMT+7)

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long triển khai hiệu quả đề án BV vệ tinh của 4 BV Trung ương và tuyến cuối ở TP Hồ Chí Minh gồm: BV Thống Nhất, BV Chợ Rẫy, BV Từ Dũ, BV Nhi Đồng 1 với nhiều y- bác sĩ được đào tạo và các kỹ thuật y tế cao được chuyển giao.

Qua đó, hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại BV giúp người dân được khám chữa bệnh chất lượng cao và giảm việc chuyển viện lên tuyến trên. Song, sẽ khó đạt mục tiêu này khi BV vệ tinh thiếu trang thiết bị.

Nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại BVĐK giúp người dân được khám chữa bệnh chất lượng cao và giảm việc chuyển viện lên tuyến trên.
Nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại BVĐK giúp người dân được khám chữa bệnh chất lượng cao và giảm việc chuyển viện lên tuyến trên.

Những trường hợp nhồi máu cơ tim cấp hay nhồi máu não mà BVĐK Vĩnh Long có thể thực hiện tốt việc điều trị bằng phương pháp đặt stent. Thế nhưng do thiếu trang thiết bị, đặc biệt là phòng chụp DSA nên những bệnh nhân bị bệnh đến bệnh viện buộc lòng phải chuyển lên tuyến trên điều trị.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Kim Phương- Trưởng Khoa Nội Tim mạch, đề án bệnh viện vệ tinh năm 2018 mà đến cuối quý III/2019 vẫn chưa có trang thiết bị siêu âm tim qua thực quản, siêu âm tim gắng sức, đặt máy tạo nhịp tạm thời hoặc vĩnh viễn cho bệnh nhân.

“Do vậy, BV phải chuyển bệnh nhân mạch vành, mạch não đi tuyến trên để can thiệp. Nếu có phòng chụp DSA thì mình sẽ can thiệp được tại chỗ, giảm biến chứng cho bệnh nhân”- BS Kim Phương cho biết.

Không chỉ ở Khoa Nội Tim mạch mà các khoa: Ngoại, Sản và Nhi cũng chưa thể triển khai hết kỹ thuật đã được chuyển giao.

Nhiều bác sĩ, điều dưỡng được đưa lên tuyến trên đào tạo và bác sĩ các BV hạt nhân cũng xuống cầm tay chỉ việc nhưng các gói kỹ thuật như vi phẫu, nội soi khớp, tư vấn tiền sản, nội soi cổ tử cung vẫn chưa thể thực hiện tại BV do thiếu trang thiết bị.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Trầm Quốc Tuấn thì: “Đứt dây chằng chéo khớp gối cần nội soi thì hiện thời không có dụng cụ, không có máy móc, trang thiết bị. Các trường hợp bệnh nhân bị tai nạn đứt gân bàn tay, bàn chân hay gặp thường xuyên, chúng tôi buộc lòng phải chuyển lên BV tuyến trên vì không máy để nối vi phẫu.”

Theo TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, qua 3 năm triển khai đề án, BV phân công 40 lượt y- bác sĩ lên tuyến trên tham gia tập huấn, tiếp nhận đào tạo 15 gói dịch vụ kỹ thuật cao của 4 BV là BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất, BV Từ Dũ và BV Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh)...

Qua đó, BVĐK tỉnh triển khai thành công một số kỹ thuật mới tiếp nhận như: nội soi đường tiêu hóa với gây mê; gây mê hồi sức trong phẫu thuật và phẫu thuật nội soi; hồi sức cấp cứu nội khoa và hồi sức cấp cứu sơ sinh.

Năm 2019, số bệnh nhân điều trị tại BV liên quan đến các gói kỹ thuật được chuyển giao theo đề án phải chuyển lên tuyến trên bắt đầu giảm, trừ những trường hợp theo yêu cầu gia đình hoặc một số lĩnh vực chuyên sâu BV chưa thực hiện được như ung bướu, tim mạch can thiệp…

Năm 2020, đề án BV vệ tinh sẽ kết thúc sau 3 năm triển khai tại BVĐK Vĩnh Long. Đến thời điểm hiện nay, việc chuyển giao và thực hiện thành thạo các gói kỹ thuật trong đề án chỉ đạt khoảng 1/3 kế hoạch. Vấn đề BV trăn trở nhất là mục tiêu đề án khó đạt khi thiết bị chưa được đầu tư.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc BVĐK Vĩnh Long- cho biết: “Nhân lực được đi học mà về không có trang thiết bị thì việc cầm tay chỉ việc của tuyến trên về triển khai kỹ thuật tại BV cũng gặp khó.

Ví dụ như ekip bác sĩ đang học can thiệp mạch não, mạch tim ở BV Thống Nhất, nhưng hiện tại BVĐK tỉnh chưa có máy DSA nên khi các BS này đi học về cũng không thể triển khai thực hiện được.

Đối với bệnh nhân bị đột quỵ thì thiếu máy mình không can thiệp được buộc lòng phải chuyển viện, có khi mất “thời gian vàng” để điều trị bệnh”.

Trong năm 2020, BVĐK tỉnh tiếp tục cử cán bộ tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các BV hạt nhân theo đề án với các kỹ thuật như: vi phẫu, nội soi khớp, bơm tinh trùng vào lòng tử cung, siêu âm tim qua thực quản, điện tim gắng sức… để có thể điều trị trực tiếp cho bệnh nhân, hạn chế chuyển bệnh lên tuyến trên.

Song, mục tiêu Đề án BV vệ tinh là đảm bảo 100% các kỹ thuật chuyển giao được triển khai thực hiện thường quy và duy trì bền vững; giảm tối thiểu 15% tỷ lệ chuyển tuyến từ BV vệ tinh lên BV tuyến Trung ương đối với các bệnh lý liên quan đến các kỹ thuật đã được chuyển giao, chỉ có thể đạt khi trang thiết bị cho BV được đầu tư kịp thời.

Theo kế hoạch chuyển giao kỹ thuật theo Đề án BV vệ tinh BV Chợ Rẫy, năm 2019, BV Chợ Rẫy sẽ hỗ trợ đào tạo cho BVĐK Vĩnh Long 4 bác sĩ và chuyển giao kỹ thuật 12 đợt về chuyên khoa chấn thương chỉnh hình. Song, đến tháng 10/2019, BV Chợ Rẫy mới đào tạo được 1 bác sĩ và thực hiện chuyển giao kỹ thuật được 9 đợt.

Theo thông báo của BCĐ Đề án BV vệ tinh BV Chợ Rẫy, kết quả thực hiện đề án năm 2019 chưa theo đúng tiến độ, nhiều khả năng không kịp thực hiện một số gói kỹ thuật; đồng thời đề nghị khẩn trương gửi cán bộ đào tạo chuyên khoa chấn thương chỉnh hình trong những tháng còn lại.

Bài, ảnh: XUÂN QUYÊN