Kỳ 2: Mỗi ngày xả 2.500 tấn rác thải nhựa

07:10, 11/10/2019

Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về xả rác thải nhựa ra biển với không dưới 700.000 tấn/năm. Hình ảnh chim hải âu chết với đầy rác thải nhựa trong bụng hay một con cá ngựa xuất hiện dưới lòng đại dương với 1 cái tăm bông… khiến chúng ta không khỏi giật mình vì tác động của rác thải nhựa với cuộc sống hiện đại.

>> Kỳ 1: Tiện vài phút hại... trăm năm!

Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về xả rác thải nhựa ra biển với không dưới 700.000 tấn/năm. Hình ảnh chim hải âu chết với đầy rác thải nhựa trong bụng hay một con cá ngựa xuất hiện dưới lòng đại dương với 1 cái tăm bông… khiến chúng ta không khỏi giật mình vì tác động của rác thải nhựa với cuộc sống hiện đại. Những “sát thủ” vi nhựa thầm lặng không chỉ “tấn công” môi trường mà còn ảnh hưởng sức khỏe, cuộc sống con người.

 

Rác thải nhựa đầy sông.
Rác thải nhựa đầy sông.

“Sát thủ” vi nhựa

Mỗi một sản phẩm từ nhựa cần hàng trăm năm để có thể phân hủy hoàn toàn. Trong khi chờ đồ nhựa phân hủy, chúng ta và con cháu đã sống cùng rác nhựa, ăn phải chất độc hại từ nhựa.

Theo Tạp chí Environmental Science and Technology, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Canada cho thấy một người đàn ông trưởng thành có thể “ăn” tới 52.000 hạt vi nhựa/năm. Không khí ô nhiễm, hàng ngày chúng ta hít thở khoảng 320 hạt vi nhựa.

Hạt vi nhựa có tác hại như thế nào?

TS. Nguyễn Xuân Hoàng- Phó trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, ĐH Cần Thơ- cho biết: “Một số loại nhựa độc tính cao có thể phá hủy nội tiết tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhiều nghiên cứu việc phân hủy nhựa (hoặc dùng nhựa, nhựa tái chế,...) sẽ sinh ra nhiều hạt vi nhựa (microbeads) có thể đi vào cơ thể qua thức ăn, hít thở. Các ảnh hưởng của plastics lên con người có thể kể đến như giảm thị lực, nhức đầu, choáng, hô hấp,...

Nếu nhựa đem đốt: sẽ là nguyên nhân sinh dioxins và furrans (chất sinh ung thư). Nếu quy trình đốt không tốt sẽ phát thải ra môi trường các thành phần độc hại như dioxins và furrans (đặc biệt là không khí và tro xỉ), nhiều kim loại nặng, sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.

Hiểu về tác hại của nhựa đối với hiện tại và tương lai nhưng nhiều người vẫn thờ ơ. Ly nhựa, hộp cơm nhựa, dây ny lông đều là phế phẩm được tái chế lại với công nghệ thô sơ, rẻ tiền và vô cùng độc hại. Người ta vẫn thoải mái sử dụng trong thực phẩm, vô tư ăn loại bánh được gói bằng dây ny lông nhuộm phẩm màu công nghiệp xanh đỏ và luộc trong nước sôi nhiều giờ cùng với các loại bánh truyền thống.

Theo TS. Nguyễn Xuân Hoàng: Nhựa không là nguồn thức ăn nhưng được các sinh vật “nhầm” là thức ăn, khi đó chúng không tiêu hóa được sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa và gây chết một số loài động vật khi ăn phải nhựa (cá, voi, chim). Trong môi trường, plastics hoạt động như vật chất từ, có khả năng hút bám đối với các hóa chất độc hại khác và phóng thích trong môi trường hoặc qua con đường tiêu hóa,...

Trong khi đó, xu hướng sử dụng nhựa đang ngày càng bị lạm dụng, không chỉ được dùng để “ship” sản phẩm ăn nhanh mà nhiều nơi bán thức ăn, nước uống cũng dùng sản phẩm nhựa để “khỏi rửa”. Một lần ăn hải sản ở Phường 2 (TP Vĩnh Long), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì quán này sử dụng 100% nhựa một lần. Chủ quán cười: “Tốn tiền một chút nhưng khỏi mướn người rửa chén”.

Những người bán và ăn hàng rong ven biển thường “quên” dọn dẹp những vỏ chai nhựa, hộp xốp, ly chén nhựa vì lý do “xa thùng rác”.

Từ đây, những con sóng và cả bãi biển đều nhuộm một màu trắng đầy ám ảnh của rác thải nhựa. Những bãi biển ngập tràn rác thải nhựa không phải chỉ ở một hai nơi cá biệt mà trải dài khắp các vùng biển. Bạn có bực mình khi đang tắm trong dòng nước trong xanh nhưng sóng đánh vào bờ không phải là rong biển mà là túi ny lông?

Bãi rác vẫn hoàn bãi rác

Nhiều cơ quan, tổ chức đã lên tiếng về rác thải nhựa, nhưng đa số vẫn chưa thật sự ý thức sâu sắc về tác hại của nó cũng như vai trò của mỗi cá nhân. Người ta vẫn sử dụng nước uống đóng chai trong các buổi tuyên truyền về rác thải nhựa, vẫn vô tư thả hoa nhựa xuống biển để mong an lành.

Nhóm bạn trẻ THPT Chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ) tham gia phân loại rác.
Nhóm bạn trẻ THPT Chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ) tham gia phân loại rác.

Trên cầu đi bộ trước Khu công nghiệp Hòa Phú có nhiều rác thải nhựa, không khó khi bắt gặp một cái túi ny lông bay giữa trời hay nhiều túi nằm la liệt bên lề đường.

Mới mấy tháng trước, nhóm đoàn viên Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long và Trung tâm Nhật Ngữ Kezien tới đây nhặt rác với mong muốn không chỉ làm sạch khuôn viên quanh khu công nghiệp, mà còn nâng ý thức của bà con tiểu thương, công nhân và học sinh, sinh viên ở khu vực này về việc bảo vệ môi trường.

“Thử thách dọn rác” là một trong những trào lưu bảo vệ môi trường nhận được sự tham gia của đông đảo người dân từ già tới trẻ. Người tham gia sẽ chụp lại tấm hình “núi rác” ban đầu và thành quả lúc sau rồi đăng lên trang mạng xã hội để “khoe”. Hành động này kết hợp với việc vừa đi du lịch vừa dọn rác đã trở thành hành động đẹp của rất nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, tác động của việc làm này còn chưa lớn nên bãi rác dọn đi vẫn hoàn… bãi rác.

Đừng khỏa lấp sự lo lắng của mình bằng cách cho rằng chỉ cần bỏ rác đúng quy định là đủ hoặc tin rằng nhựa có thể tái chế. Theo số liệu, hàng năm chỉ có 9% nhựa trên toàn thế giới được tái chế với chi phí vô cùng đắt đỏ, khoảng 4.000 USD/tấn trong khi thành phẩm lại chẳng đáng giá. Do vậy, các nước giàu luôn tìm cách đổ trộm nhựa sang các nước nghèo hơn.

Việc dùng lá chuối để gói thực phẩm thay vì dùng bao ny lông đang là chiến dịch nhận được lời khen của Chính phủ và sự ủng hộ lớn của người dân. Tuy nhiên, việc làm này chưa được duy trì, túi ny lông, ống hút nhựa vẫn có mặt khắp nơi.

Thẳng thắn nhìn nhận, việc chống rác thải nhựa còn nhiều hạn chế, trong đó cả doanh nghiệp, người dân vẫn còn thói quen sử dụng túi ny lông. Việc phân loại rác thải nhựa, tỷ lệ thu gom, tái chế thấp, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, giá thành sản phẩm thay thế còn cao cũng là những rào cản.

Phong trào “Uống xanh” là tên gọi của trào lưu sử dụng ly thủy tinh, ống hút làm từ cỏ, tre, nứa thay vì ly nhựa, ống hút nhựa cũng được các bạn trẻ ủng hộ nhiệt tình. Một số quán cà phê ở TP Vĩnh Long đã thay thế ly nhựa khi phục vụ khách bằng ly thủy tinh như Central Coffee, Nâu Coffee n’ tea,… Ngay trên trang mạng xã hội, Nâu Coffee n’ tea đã viết và nhận được nhiều phản hồi tích cực: “Rất vui vì nhiều bạn có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, và bọn mình sẽ luôn lắng nghe góp ý của các bạn. Bạn nào ghé Nâu gần đây sẽ thấy hiện giờ Nâu đã chuyển sang dùng ly thủy tinh toàn bộ nè. Trừ khi đem đi mới dùng đến ly nhựa thôi. Nâu sẽ tìm thêm muỗng và ống hút dùng vật liệu khác thay thế nhựa hiện tại luôn”.

 

>> Kỳ 3: Giải bài toán rác thải nhựa- thay đổi từ ý thức

Bài, ảnh: CAO THÚY QUYÊN

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh