Rửa tay sạch sẽ- "liều vắc xin" phòng bệnh hiệu quả

Cập nhật, 17:30, Thứ Sáu, 11/10/2019 (GMT+7)

Rửa tay là một cách đơn giản và hiệu quả để phòng ngừa những căn bệnh truyền nhiễm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo rửa tay bằng xà phòng cũng là biện pháp đơn giản nhất, rẻ tiền nhất và hiệu quả nhất trong kiểm soát nhiễm khuẩn.

Tạo thói quen cho trẻ rửa tay đúng cách bằng xà phòng thường xuyên để phòng ngừa nhiễm khuẩn.
Tạo thói quen cho trẻ rửa tay đúng cách bằng xà phòng thường xuyên để phòng ngừa nhiễm khuẩn.

Nguy hại cho sức khỏe nếu không rửa tay

Đôi bàn tay là một trong những con đường phổ biến nhất để vi khuẩn lây lan từ người này sang người khác. Nhiều người không có thói quen rửa sạch tay nhiều lần trong ngày vì không biết rằng rửa tay có vai trò quan trọng với sức khỏe như thế nào.

Tại các điểm khu vui chơi cho trẻ em ở TP Vĩnh Long vào dịp cuối tuần có rất đông trẻ đến vui chơi. Nhìn các em chơi đùa, chạy giỡn cùng các bạn, tay cầm nắm đồ chơi, miệng cười toe toét, thi thoảng có bé đưa tay quẹt mồ hôi, lấy tay chùi mũi.

Có bé thì được phụ huynh tranh thủ đưa đồ ăn cho con và đút con ăn tại khu vui chơi. Chị Nguyễn Xuân Thảo (Phường 4- TP Vĩnh Long) xuýt xoa: “Thật ra nhà banh, các đồ chơi này có nhiều trẻ đến vui chơi, cầm nắm là nguồn lây bệnh, nếu các bé chơi xong không được rửa tay bằng xà phòng sẽ dễ bị nhiễm khuẩn. Con chơi xong, tôi dẫn con ra sau rửa tay kỹ, có xà bông sẽ rửa kỹ hơn, không có tôi rửa tay bằng nước rửa tay khô, về rửa lại xà bông liền”.

Bên cạnh việc chủ động vệ sinh môi trường, đảm bảo điều kiện vui chơi, sinh hoạt an toàn cho trẻ, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cũng chú trọng công tác giáo dục thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ, phối hợp với phụ huynh thực hiện tốt việc chủ động phòng bệnh ở trường và ở nhà.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Khu Công nghiệp Hòa Phú (xã Phú Quới- Long Hồ)- Võ Thị Bích Loan cho biết: Môi trường trường học là nơi mầm bệnh dễ lây lan, do đó để tránh trẻ mắc bệnh và hạn chế nguy cơ bùng phát thành dịch tại trường, các cô thường xuyên hướng dẫn để hình thành thói quen tự vệ sinh cá nhân, đặc biệt hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng đúng cách nhằm tránh xa những nguy cơ lây bệnh cho trẻ. Đồng thời, giáo viên chủ động liên hệ với phụ huynh để thống nhất phương pháp, nội dung chăm sóc sức khỏe cho các em.

Hàng ngày khi nhận trẻ, các cô quan sát tình hình sức khỏe. Nếu trẻ có biểu hiện bệnh, các cô phối hợp với nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, sau đó liên hệ với phụ huynh để đưa trẻ đến cơ sở y tế khám.

Trường hợp trẻ mắc các bệnh có khả năng lây lan, trường cho trẻ tạm nghỉ học để điều trị, tiến hành vệ sinh phòng học, các vật dụng, đồ chơi trong trường, đồng thời liên hệ ngành y tế để phun thuốc tiêu độc, khử trùng khi cần thiết, hạn chế nguy cơ lây lan cho các trẻ khác.

Áp dụng quy trình rửa tay sạch sẽ đúng cách do Bộ Y tế khuyến cáo gồm 6 bước. Bước 1: Làm ướt 2 lòng bàn tay bằng nước. Lấy xà phòng và chà 2 lòng bàn tay vào nhau. Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại. Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay. Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia. Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại. Bước 6: Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.

Rửa tay sạch- liều vắc xin phòng bệnh

Nhiều nghiên cứu chứng minh bàn tay không được vệ sinh sạch sẽ là nơi có thể chứa nhiều nhất các mầm bệnh gây tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp như viêm phổi. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, 88% các trường hợp tử vong do tiêu chảy ở trẻ em có liên quan đến tình trạng vệ sinh kém và thiếu nước sạch.

Trước tình hình bệnh truyền nhiễm và kháng thuốc kháng sinh gia tăng, việc phòng chống bệnh tật trở nên vô cùng quan trọng. Trong đó, thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước sạch là biện pháp phòng bệnh đơn giản nhưng vô cùng hữu hiệu.

Theo các chuyên gia y tế, để phòng chống các dịch bệnh đường tiêu hóa, các nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính nguy hiểm như: bệnh tả, SARS, Cúm A (H5N1, H1N1), bệnh giun sán,… đặc biệt bệnh tay chân miệng, các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra lời khuyên thiết thực là luôn giữ đôi bàn tay sạch sẽ, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đây là biện pháp phòng bệnh dễ làm nhất, rẻ tiền nhất, nhưng mang lại hiệu quả phòng bệnh rất cao.

Rửa tay với xà phòng đúng cách, đúng thời điểm trong ngày, đặc biệt là trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh có thể ngăn chặn sự lan truyền của nhiều mầm bệnh. Cách tốt nhất để tránh lây nhiễm bệnh vẫn là rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn, không đưa tay bẩn lên các cửa ngõ như: mắt, mũi, miệng. Người lớn không nên hôn hít vào mặt trẻ vì có thể lây bệnh cho trẻ.

Chỉ mất khoảng 30 giây cho các bước rửa tay nhưng lại đem lại rất nhiều lợi ích cho bản thân chúng ta và những người xung quanh. Do đó, mỗi người cần tự nâng cao ý thức thực hiện rửa tay đúng cách để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng.

5 thời điểm quan trọng cần thực hiện việc rửa tay bằng xà phòng:

- Sau khi sử dụng nhà vệ sinh.

- Sau khi sinh hoạt hoặc chơi đùa ngoài trời.

- Sau khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh như: thay quần áo, tã lót, chăm sóc vệ sinh…

- Sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi làm dính các chất dịch tiết trên đôi bàn tay.

- Trước khi vào bữa ăn, trước khi chế biến thức ăn cho gia đình.

Chú ý: Mỗi bước “chà” 5 lần. Thời gian rửa tay tối thiểu 30 giây

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN