Nức lòng với mắm bò hóc...

11:04, 06/04/2021

Mắm bò hóc, có nơi gọi là bồ hóc chính là món mắm Prahok nổi tiếng của người dân Campuchia. Có thể nói, món mắm này đã tạo nên nét riêng biệt và độc đáo cho nền ẩm thực của đất nước chùa tháp. Ở Việt Nam, món mắm được chế biến thành nhiều món ăn độc đáo!

(VLO) Mắm bò hóc, có nơi gọi là bồ hóc chính là món mắm Prahok nổi tiếng của người dân Campuchia. Có thể nói, món mắm này đã tạo nên nét riêng biệt và độc đáo cho nền ẩm thực của đất nước chùa tháp. Ở Việt Nam, món mắm được chế biến thành nhiều món ăn độc đáo!

Hương vị mắm hòa quyện với vị chan chát của “mào dừa” dễ gây nghiện.
Hương vị mắm hòa quyện với vị chan chát của “mào dừa” dễ gây nghiện.

Người dân Khmer ở một số tỉnh miền Tây như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu hay Vĩnh Long… thường thết đãi mắm bò hóc với khách quý mỗi khi đến nhà. Sự biến tấu của món mắm bò hóc khi nguyên liệu được chọn ủ từ các loại cá nước mặn đến nước ngọt.

Món mắm bò hóc chúng tôi được thưởng thức khi đến Sóc Trăng của một ông bạn “thết đãi” được làm từ cá trê vàng bắt ở đồng ruộng Thạnh Trị và con cá trèn bầu ở vùng nước cửa Trần Đề. Nói thật, “dỡ hũ mắm mà nghe dậy mùi mắm thơm nồng, mùi thơm khó có thể cưỡng lại”.

Chủ nhà cho biết, ở đây, mắm bò hóc được dùng chế biến các món như: bún nước lèo, bún mắm, bún num bò chóc, bún mắm bò hóc… Tuy nhiên, để thưởng thức “đủ chất” mắm bò hóc thì chỉ cần… ăn sống.

Mắm bò hóc khi ăn sống là món ăn thuần túy giữ trọn hương vị và thường dùng kèm với các loại rau vườn hay “đặc sản” mà chỉ có người dân quê bám ruộng, bám vườn mới nghĩ ra chính là trái mít non, hay miếng “mào dừa” non.

Hôm đó, chúng tôi được đãi dĩa mắm bò hóc sống ăn kèm với mấy trái mít non và “mào dừa”. Có thể nói, hương vị mắm thơm, mặn, nồng kèm với một chút chan chát của mít non, “mào dừa” thì còn gì bằng, vị lạ chưa từng có.

Giữa đêm khuya, món này càng khiến cho ly rượu thêm nồng, nói chuyện càng say và thêm thâm tình chủ- khách.

Nếu lần đầu ngửi mắm bò hóc, có thể nhiều người có cảm giác nồng và khó chịu. Nhưng, khi đã dùng thử lần thứ nhất thì nhất định phải có lần thứ 2, có khi lại gây nghiện.

Khi làm mắm bò hóc, sau khi chọn nguyên liệu, làm sạch và chuẩn bị ủ. Khi ủ mắm, người dân Khmer cho thêm một số loại gia vị… gia truyền (có khi còn cho thêm 1 chút cơm nguội vào ủ chung). Công đoạn ướp ủ rất quan trọng.

Con cá sau khi làm sạch cần phơi qua 1 nắng cho cá có mùi “hơi ươn”, rỏ hết nước mới có thể ủ. Thường người dân ủ khoảng 4- 6 tháng là có thể ăn được.

Mắm bò hóc có hương vị độc đáo, lạ lắm nhưng lại rất bổ dưỡng với thành phần chính là protein. Xưa, mắm bò hóc chính là nguồn cung cấp đạm trong các bữa ăn gia đình của người Khmer.

Kết thúc câu chuyện về mắm bò hóc được “thết đãi” khách quý, chúng tôi được hiểu và biết thêm về nét truyền thống văn hóa ẩm thực của người dân Khmer. Có thể nói, thưởng thức món mắm bò hóc chính là thưởng thức trọn vẹn tình cảm, văn hóa ẩm thực độc đáo.

Khi ra về, món quà trên tay chính là hũ mắm bò hóc do chính gia chủ ủ kèm lời dặn với theo, “khi ăn mắm bò hóc là nhớ tới tui nghen”…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh