Nếu một mai mình... trăm tuổi

Cập nhật, 06:19, Thứ Ba, 06/04/2021 (GMT+7)

(VLO) Trốn thoát từ viện dưỡng lão, các cụ ông bắt đầu kể về câu chuyện bi hài của cuộc đời mình. Các cụ đặt ra câu hỏi để mỗi chúng ta trả lời, nếu một mai mình… trăm tuổi thì mình sẽ để lại gì cho cuộc đời?

Quyển sách nổi tiếng của văn học Thụy Điển “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất”.
Quyển sách nổi tiếng của văn học Thụy Điển “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất”.

Khóc cười ngày xa quê trong phim “Dạ cổ hoài lang”

Vở kịch “Dạ cổ hoài lang” do Thanh Hoàng chấp bút ra đời từ năm 1994. Trải qua gần 30 năm với hàng ngàn suất diễn, hàng chục thế hệ diễn viên thay phiên nhau sắm vai, vở kịch dần trở thành tượng đài quý giá của kho tàng kịch sân khấu Việt Nam.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã đưa kịch sân khấu lên màn ảnh rộng với bộ phim cùng tên do Hoài Linh và Chí Tài đảm nhận vai chính.

Ông Tư Lành (Hoài Linh) bán ruộng đất, nhà cửa để sang Mỹ sống cùng con cháu. Giữa thành phố hiện đại, ông cùng Năm Triều (Chí Tài)- người bạn từ thuở niên thiếu- tìm về khung cảnh làng quê qua những dòng hồi tưởng. Lòng ông vẫn chôn chặt mối tình dành cho người vợ quá cố.

Trong khi đó, cô cháu Tammy (Trish Le) sống ở Mỹ từ nhỏ có những màn đấu khẩu cười ra nước mắt với ông nội bởi cách biệt về văn hóa và xa lạ với ông về lối sống, tâm tính.

Cao trào của bộ phim và khiến khán giả “thổn thức” nhiều nhất chính là phân đoạn khi ông Tư Lành trốn viện dưỡng lão về thăm nhà trong ngày giỗ của vợ, cứ ngỡ con trai và đứa cháu nội duy nhất đang chuẩn bị mâm cơm cúng giỗ, thế nhưng, ông không ngờ cô cháu gái lại chuẩn bị tiệc sinh nhật cho bạn trai, còn con trai thì bận đi làm không về được.

Còn ông Năm Triều- người cũng bị con cháu đưa vào viện dưỡng lão cho khỏi phiền phức- đã có mặt cúng giỗ cho người con gái mà Tư Lành và Năm Triều từng yêu.

Trong 2 năm tiến hành, đoàn làm phim đã có nhiều chuyến đi khắp Việt Nam, Canada, từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ để thử vai và đi tìm, chờ đợi tuyết rơi cho các cảnh quay.

Từ những lát cắt của hiện tại, những khác biệt văn hóa Đông Tây giữa các thế hệ người Việt trong và ngoài nước, bộ phim đưa câu chuyện của 2 người bạn già về với những ký ức của thời trẻ nít rong chơi, của những buổi hát đình và câu chuyện tình thanh xuân cảm động.

Khán giả xem phim, dù người trẻ hay đã lớn tuổi đều rưng rưng nước mắt bởi họ đã tìm được cảm xúc một thời với nỗi nhớ quê hương và tâm tư của những người con xa quê phải chịu cảnh đơn độc đến thế nào.

Danh hài Hoài Linh với nụ cười thường trực giờ đây xuất hiện trong dáng ngồi “bó tay và bó cả chân”, không một giọt nước mắt nhưng ánh mắt buồn khôn tả, chiếc ghế băng trống trải hun hút tạo cảm giác chông chênh, đơn độc. Xem bộ phim cũng là một lần để thương nhớ danh hài Chí Tài, người về cõi trăm năm nhưng tiếng cười luôn để lại cho đời.

Sống trọn vẹn cùng “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất”

Đúng vào sinh nhật lần thứ 100 của mình, cụ ông Allan Karlsson đột nhiên trèo qua cửa sổ ngôi nhà dưỡng lão rồi biến mất. Ở cái tuổi 100 “xưa nay hiếm” thì cụ có thể đi đâu được? Những người có trách nhiệm chăm nom cụ cũng như chính quyền sở tại truy tìm trên khắp nước Thụy Điển.

Cùng với cuộc truy tìm nhân đạo ấy, một cuộc đuổi bắt khác gay cấn hơn, xảy đến từ một tên tội phạm, kẻ đã ngớ ngẩn trao vali 50 triệu crown vào tay cụ già này. Nhưng một người đã sống qua một thế kỷ thì không dễ gì tóm cụ được.

Mỗi chương sách lần lượt kể lại câu chuyện không thể tin được từ cuộc đời phiêu lưu của Allan Karlsson. Ông đã đi khắp thế giới từ những năm trước Đại chiến thế giới thứ nhất đến cuộc Thế chiến thứ hai, từ nước Nga Xô Viết tới nước Mỹ siêu cường và nước Trung Quốc con rồng đang lên ở Viễn Đông.

Ông tự cho nổ ngôi nhà của mình lần thứ 1, bị tống vào viện tâm thần,… cho đến việc ông cứu Churchill khỏi cái chết ở Israel, ngồi ăn tối với Stalin, kết bạn với 3 đời Tổng thống Mỹ,…

Cuốn tiểu thuyết với giọng điệu hóm hỉnh trào lộng khiến ta cười sảng khoái, cuốn sách dẫn dắt người đọc chu du cùng ông cụ qua những tình huống giả tưởng làm bật lên cái nhìn về những xung đột văn hóa, ý thức hệ và những nét khác thường của các vùng đất xa xôi.

Một chuỗi các sự kiện bất ngờ thú vị trong cuộc đời của ông cụ 100 tuổi hụp lặn trong tấn bi kịch cuộc đời mất mát đau thương nhưng với niềm tin vào cuộc sống, với tinh thần lạc quan ông đã vượt qua mọi bi kịch.

Câu chuyện của ông cũng gửi gắm thông điệp đời người là cả một hành trình khám phá vô tận đầy thú vị, cớ sao phải sống trong khuôn khổ và chết trong sự nhàm chán.

Quyển “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất” của Jonas Jonasson được xuất bản lần đầu năm 2010 tại Thụy Điển và trở thành “hiện tượng văn học”. Đến nay quyển sách được dịch ra hơn 35 thứ tiếng và đã bán hơn 8 triệu bản trên khắp thế giới.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY