Gia đình- nơi khởi đầu gắn kết tình thương

Cập nhật, 09:26, Thứ Ba, 30/06/2020 (GMT+7)

Theo từ điển tiếng Việt: “Gia đình là tập hợp những người cùng sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ và con cái” (Từ điển Tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, 1994, tr.367).

Một triết gia phương Tây từng nói: “Dù tồi tàn đến đâu nhưng nơi nào trên thế giới có thể sánh được với gia đình”.

Văn hóa gia đình là hệ thống những giá trị, chuẩn mực khu biệt đặc thù điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ giữa gia đình với xã hội, phản ánh bản chất của các hình thái gia đình đặc trưng cho các cộng đồng, các tộc người, các dân tộc và các khu vực khác nhau được hình thành và phát triển qua lịch sử lâu dài của đời sống gia đình, gắn liền với những điều kiện phát triển kinh tế, môi trường tự nhiên và xã hội.

Để xây dựng và phát triển con người mới, nền văn hóa mới “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thì việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình là điều có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì “nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt; gia đình càng tốt thì xã hội mới tốt.” (Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, NXB Sự thật, tập 5, trang 251).

Một mái ấm toàn vẹn không thể thiếu hơi ấm của tình cha, nghĩa mẹ, không thể thiếu những ngọn nến luôn tỏa sáng như bài hát “Ba ngọn nến lung linh” của nhạc sĩ Ngọc Lễ:

Ba là cây nến vàng

Mẹ là cây nến xanh

Con là cây nến hồng,

Ba ngọn nến lung linh…

Thắp sáng một gia đình” 

Những ngọn nến cháy trong bài hát đã không còn là ngọn nến bình thường nữa khi nến mang bóng cha, mang dáng mẹ và thấp thoáng hình con. Những ngọn nến mang linh hồn, cứ cháy mãi, cháy mãi để “thắp sáng một gia đình”. Một không gian yên bình, một gia đình đầm ấm.

“Gia đình gia đình…”. Tiếng gọi yêu thương nằm sâu trong tâm khảm. “Gia đình gia đình…”. Như một vòng tròn hạnh phúc của ba, mẹ và con. Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, là chuyến tàu “đưa ta đi qua những ngày thơ ấu”. Gia đình cần lắm cái ánh ánh sáng “lung linh lung linh” của tình mẹ tình cha” để mãi mãi “lung linh lung linh hai tiếng gia đình”.  

“Nhà là nơi ta ra đời/Và là nơi dạy ta nên người…Chỉ cần một nơi về mãi nhớ,/Bước chân vào…cửa mở đón chào…!/Gia đình luôn chứa ngọt ngào,/ Mâm cơm nghi ngút …chứa bao ân tình”, đúng như trong bài hát “Nhà là nơi để về” (Nhạc của Hồ Hoài Anh và Yến Lê). Là nơi sinh ra và hình thành nhân cách, gia đình không chỉ là tổ ấm mà còn là “trường học” đầu tiên của mỗi người.

Hiểu được tầm quan trọng của ứng xử trong gia đình, năm 2020, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”  và ngày Gia đình Việt Nam (28/6) với chủ đề: “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”, nhằm tạo sức lan tỏa, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong xây dựng, gìn giữ hạnh phúc gia đình;  các cấp, các ngành, cơ quan tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam (28/6). 

Trong các cuộc sum họp gia đình, tổ chức liên hoan gặp mặt các thành viên trong gia đình để ôn lại truyền thống nề nếp gia phong là điều hết sức cần thiết và ý nghĩa, gắn chặt tình cảm các thành viên với nhau, từng bước đưa “ngày Gia đình” vào cuộc sống, trở thành ngày hội lớn, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, được lưu truyền tốt đẹp trong mỗi gia đình Việt Nam đồng thời tích cực vận động các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội cùng chung tay giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số tại những vùng khó khăn trong cả nước.

NGUYỄN VĂN THANH