Tình xứ hòn

Cập nhật, 18:31, Chủ Nhật, 28/06/2020 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)

Chiều xứ hòn, mặt trời xuống chậm. Dưới ráng chiều, nước biển ánh lên một màu cam pha bạc. Sóng rì rầm đổ vào bờ từng đợt đều đều, ru êm.

Sau một hồi kinh, sư Năm rảo bước dọc theo bãi cát mịn, vắng người chỉ có những con dã tràng cần mẫn xe cát, rồi gần như ngồi bất động ở mỏm đá nhìn ra xa xăm.

Nơi ấy, vào mỗi buổi chiều, thấp thoáng những cánh buồm có lẽ đang hướng vào đất liền như những đứa con lưu lạc sắp được về bên gối mẹ. Và những lần như thế, sư Năm đều dõi mắt trông theo cho đến khi nó mờ dần, nhạt dần theo khói sóng.

Hơn hai mươi năm, sư Năm đã gắn bó với xứ hòn và ngôi chùa Hướng Thiện thật sự là một mái ấm. Sau hè chùa là mộ của sư Hai, sư Tư.

Sư Hai viên tịch đã lâu, sư Tư thì mới mất hồi cái năm bão dữ tràn qua hòn. Hôm ấy cũng vào một buổi chiều, những cơn sóng giận dữ, gầm rú ngoài khơi rồi đổ vào hòn.

Các sư cùng nhau cứu người dân bị nạn. Sư Tư cố cứu ba em bé sắp bị nước cuốn trôi, cả ba em được an toàn nhưng sư thì mãi mãi không về.

Một ngày... hai ngày... nhiều ngày trôi qua mà không thấy xác, dân xứ hòn cảm kích công ơn nên cùng nhau xây cho sư Tư ngôi mộ tháp mà bên trong chỉ toàn quần áo và vật dụng của sư lúc sinh thời.

Ngày rằm, dân đến viếng chùa, bái phật đều đốt cho sư Tư nén nhang thầm cầu mong cho sư an nhiên nơi miền cực lạc. Dân trên hòn xem sư Tư như một vị thánh nên thường lấy tình thương, đức độ của sư để giáo dục con cháu và thanh niên trong xóm.

Đến ngày lễ giỗ, họ đến chùa gói bánh tét, nấu cơm canh, bày hoa quả, nhang đèn và ra mộ nhắc nhau nghe những kỷ niệm về sư Tư, về đạo đức, nghĩa tình của các sư ở ngôi chùa Hướng Thiện bởi vì “Toàn thiện là luật của trời, hướng thiện là lối của người”.

Giờ đây, chùa còn lại sư Ba, sư Năm và sư Sáu. Chùa Hướng Thiện do sư Hai lập nên. Ở đấy, các sư không có pháp danh, không có trụ trì mà chỉ được gọi theo thứ tự Hai, Ba, Tư,... như anh em một nhà, người nhỏ gọi người lớn là huynh và ngược lại gọi là đệ.

Các sư ở nhiều xứ khác nhau: Sư Hai người gốc Nghệ An, sư Ba thì giọng nói Đà Nẵng, sư Tư có lẽ là dân Sài Gòn, sư Năm thì miền Tây Nam Bộ,...

Họ không quan tâm đến quê quán, quá khứ của nhau, chỉ chuyên tâm tu hành, đùm bọc nhau và làm việc nghĩa theo tâm nguyện của sư Hai lúc sinh thời: “Chùa Hướng Thiện”.

Đáng mừng hơn là từ ngày nhận thêm sư Năm thì ngoài việc dạy chữ cho trẻ con, các sư còn xem mạch và bốc thuốc từ thiện cho dân, bởi đó là nghề gia truyền của gia đình sư Năm.

***

Dân cư ngày một đông thêm, xứ hòn đã có nhiều thay đổi: Có trường học, trạm y tế, nhiều người từ đất liền ra hòn làm ăn, lập nghiệp. Nhưng chùa Hướng Thiện vẫn là nơi để bà con đến cúng vái, tín ngưỡng.

Buổi trưa, sư Năm đang ngồi chặt thuốc Nam bỗng nghe đám trẻ con chơi đùa ở cội bồ đề đồng loạt: “Dạ, chào cô!” Tiếng một cô gái đáp lại: “Chào các em! Cô đến để bái phật”.

Sư Năm ngẩng lên, một cô gái trẻ, mái tóc xõa ngang vai đang bước vào. Cô bước đến bên sư cúi chào rồi vào trong chánh điện. Ngoài kia, gió muối thổi vào bờ thân quen như hơi thở mặn, nồng của cư dân bốn bề là biển.

Cô giáo Loan tìm đến xứ hòn với nỗi khát vọng của tuổi trẻ, vì lý tưởng mà bấy lâu cô hằng ôm ấp là giúp trẻ em thoát dốt. Và dân nơi đây đã không phụ lòng, họ đón nhận cô bằng sự ngưỡng mộ, bằng tất cả tấm lòng. Có món gì ngon họ đều mang đến để biếu cô, từ con cá, con khô cho đến củ khoai.

Ngược lại, dù mới đến chẳng được bao lâu mà cô đã cảm thấy mến xứ hòn như chính quê hương mình đã được sinh ra. Cô được nghe kể về các sư, đặc biệt là sư Tư, về ngôi chùa Hướng Thiện. Vì vậy, cô thường đến chùa sau những giờ đến lớp.

Cô phụ các sư phơi thuốc, chặt thuốc Nam. Thỉnh thoảng, cô tổ chức, hướng dẫn học sinh đi hái thuốc quanh hòn. Cô vui, phụ huynh học sinh cũng thấy vui bởi con em mình đã được góp một phần công sức giúp ngôi chùa ngày càng hướng thiện.

Dần dần, các sư xem cô giáo trẻ như một thành viên của chùa, thân thuộc như đứa cháu, người con trong gia đình.

Song với sư Năm, cô giáo không đơn thuần là một thí chủ đến làm công quả. Sư ngại nhìn vào mắt cô, vì mỗi lần như thế không hiểu sao quá khứ lại quay về, cái quá khứ mà hơn hai mươi năm muốn quên không phải dễ dàng.

Nhưng rồi sự thật cũng được phơi bày. Một lần, cô giáo đến chùa chặt thuốc, cô hỏi thăm đủ chuyện, nhất là muốn được học cách xem mạch, bốc thuốc.

Sau nhiều lần đắn đo, sư Năm đã hỏi thăm về cô để giải tỏa bao nghi vấn mà bấy nay sư nửa muốn biết, nửa lại không:

- Cô giáo... quê quán ở đâu vậy?

- Dạ, quê con ở Vĩnh Long, một xứ cù lao nhiều cây trái.

Cô giáo không ngẩng lên nên đâu biết rằng sắc mặt sư bỗng thay đổi.

- Song thân cô giáo làm nghề gì? Còn khỏe chứ?

Nghe hỏi, mắt cô giáo dường như ươn ướt:

- Dạ! Mẹ con mất đã mấy năm, hồi cái dạo con học lớp mười hai. Còn ba... thì... con chưa một lần biết mặt. Có người nói ba con là kẻ giết người, ngoại thì nói ba của con đã chết, chết lúc con chưa được sinh ra. Còn mẹ, hễ mỗi lần hỏi đến thì chỉ khóc.

Mẹ nói mẹ là người có lỗi, hai người đàn ông trong đời mẹ... Mà thôi, đây là chuyện riêng của gia đình, sư là người đã xuất gia nên con không tiện....

Con dao trên tay sư Năm rơi ra tự lúc nào. Sư ngồi lặng yên như hóa đá. Đã đến lúc sư phải đối diện với sự thật, cái sự thật của quá khứ vui, buồn và tội lỗi.

... Bé Hiếu được sinh ra và lớn lên ở miệt cù lao tỉnh Vĩnh Long. Ngày ấy, cha Hiếu là một thầy lang bốc thuốc Nam, thuốc Bắc hay có tiếng trong vùng. Ông nội chỉ có một người con trai, đến cha Hiếu thì lại sinh một loạt sáu cô “công chúa”.

Vì thế, khi Út Hiếu chào đời quả là một niềm vui lớn của gia đình, dòng tộc vì từ đây đã có con nối dõi. Hiếu được mọi người nuông chiều. Người ta thường bảo: “Con cưng là con hư”. Nhưng Hiếu không thế, rất ngoan hiền, lễ phép và chăm học.

Năm mười sáu tuổi, Hiếu chính thức được cha truyền nghề bốc thuốc. Chẳng bao lâu, Hiếu phải lấy vợ sớm để cha mẹ có cháu nội ẵm bồng. Đó là tình trạng chung của đa số trai gái lúc bấy giờ, nên có người vừa giã từ tuổi thơ thì đã vội trở thành đàn ông, đàn bà.

Vợ, Hiếu chưa từng quen biết, chỉ nghe mẹ kể lại là đã chấm một cô gái trong dịp đi đám cưới ở nhà dì Tám. Mai mối, coi mắt, dạm hỏi coi như là xong. Ngày đám cưới Hiếu vừa tròn hai mươi tuổi, chưa từng có một mối tình hay trắc trở gì trong cuộc sống.

Hôm rước dâu, ghe luồn lách qua nhiều con rạch bần mọc bạt ngàn, bông trắng xóa, dập dềnh phủ kín mặt sông. Vợ Hiếu- cô Son- có đôi mắt đẹp, người xa lạ giờ trở thành thân quen hơn ruột thịt. Son là một nàng dâu giỏi giang.

Ở nhà thờ, mỗi năm gần chục lễ giỗ mà cô vẫn lo chu tất. Hiếu thương vợ, sợ cô buồn nên thường chở vợ về thăm gia đình. Thế nhưng đã gần năm năm trôi qua, trước sự chờ đợi mỏi mòn của bao người mà vợ Hiếu vẫn chưa sinh con.

Vợ chồng đã uống hàng trăm thang thuốc Bắc, nghe ai chỉ bài thuốc nào hay thì mẹ chồng cũng đều lặn lội đi tìm mang về nhưng vẫn không có kết quả.

Sau cùng, Hiếu tìm đến bác sĩ Hai ở Cần Thơ thì được biết chứng vô sinh là của mình. Anh hụt hẫng, buồn chán, ngại ngùng nên không dám cho mọi người biết. Lại nghe bà con xầm xì: “Cây độc không trái, gái độc không con”, Hiếu càng thương vợ mình hơn.

Son có thai. Gia đình, dòng họ ai cũng mừng, chỉ có Hiếu là cảm thấy không vui: Con của ai? Nghe bọn người mách lẻo: “Vợ mầy ngoại tình! Thằng Liêm, cái thằng sĩ quan ngụy trẻ tuổi, đẹp trai nhưng thâm độc, từng đẫm máu bà con và là nhân tình ngày trước của con Son.

Cha mẹ ép gả nhưng nó còn thương thằng đó lắm”. Có kẻ lại nhỏ to bàn tán: “Có vợ ngoại tình mà còn chung sống là tự đào huyệt chôn mình”.

Hiếu không tin, song bản thân anh hiểu rõ tin đồn bậy bạ kia là có cơ sở vì lòng đàn bà như một biển thẳm, đáy biển có thể dò được, nhưng lòng dạ đàn bà thì không thể nào.

Son xin phép về thăm cha mẹ từ buổi trưa nhưng tối đến có người lại rỉ tai Hiếu điều gì đó khiến anh như kẻ mất hồn. Hiếu lưỡng lự: Đi hay không đi? Anh nằm trằn trọc cho đến khuya.

Cây kim vì cứng mà gãy, nước vì mềm mà được hoàn toàn, dẫu biết thế nhưng cuối cùng lòng tự ái của người đàn ông đã lôi bật Hiếu khỏi giường, mang theo cây mác chạy ra đồng, băng qua bờ trâm bầu đến nhà tên thiếu úy Liêm... Hắn ngã gục, máu thấm vào tấm nệm trải giường, Son ngất lịm.

Tay chân Hiếu bủn rủn: Mình đã làm gì? Từ nhỏ mình đã được cha mẹ giáo dục nên người! Không kịp ngoái lại xem Son thế nào, Hiếu chạy về nhà. Mẹ cha đang ngon giấc. Anh chỉ kịp mang vội vài bộ đồ và tiền bạc mà chẳng biết phải về đâu.

Hiếu lẩn trốn nhiều nơi. Anh linh cảm đâu đâu cũng có lệnh truy nã đặc biệt. Rồi cuối cùng Hiếu đã đến xứ hòn, đến ngôi chùa Hướng Thiện. Mấy năm sau, miền Nam hoàn toàn giải phóng, là cơ hội để Hiếu về quê. Dù là trả thù cá nhân nhưng giết được một tên ác ôn thì chắc Hiếu sẽ nhẹ tội.

***

Oán không diệt được oán, tình thương mới diệt được nó. Son không còn. Dù không là ruột rà máu mủ nhưng sư Năm tự nhủ phải chăm sóc, lo lắng cho cô giáo Loan để chuộc lại phần nào lỗi lầm mà hơn hai mươi năm trước do một phút nông nổi sư đã gây ra.

Hai mươi mấy năm, sư sống trong sự giày vò, muốn về quê nhưng sư không đủ can đảm đối diện với sự thật. Với song thân, sư là đứa con bất hiếu, với cô giáo Loan sư là người có tội.

Chùa Hướng Thiện đã giúp sư giác ngộ: Là con người làm bất cứ chuyện gì cũng phải suy nghĩ trước thì không bị vấp váp, tính nết có định trước mới tránh được lỗi lầm.

Nhưng trái đất tròn, sự xuất hiện của cô giáo trẻ đã gợn lên trong sư ngàn cơn sóng dữ. Hùm chết để da, người ta chết để tiếng, sư Tư chết nhưng tiếng thơm còn lưu mãi.

Còn bản thân, liệu mình có xứng với chùa Hướng Thiện không? Nhiều lần sư đã tự hỏi lương tâm mình mà chưa một lần giải đáp được.

Chiều, sư Năm lại ngồi ở mỏm đá đốt cho Son nén hương trong tâm khảm. Sư là người xuất gia. Phật pháp dạy con người lòng vị tha nhưng sư không thể tha thứ được cho mình. Phật cũng dạy ta không nên nói dối. Còn sư, sư không thể nói thật.

Sống ở đời lắm khi đừng hiểu sự thật có lẽ sẽ tốt hơn. Mỗi lần nhìn cô giáo Loan, trước cặp mắt đượm buồn mà ngây thơ, trong sáng đến thánh thiện thì sư Năm không thể nào dám nói lên cái ẩn tình của mấy mươi năm về trước.

Lúc này, sư không chỉ nghĩ cho riêng mình rằng có được Loan tha thứ không mà sư đang ái ngại liệu con tim bé bỏng đầy nhiệt huyết với đời ấy sẽ như thế nào một khi sự thật được phơi bày.

Ngoài khơi xa, những đợt sóng liên tiếp tràn vào bờ, vỗ vào ghềnh đá dưới chân ầm ầm phá tan công trình xe cát cần mẫn của lũ dã tràng.

***

Chiều nay, sóng lặng lẽ hơn. Những con sóng cô độc chỉ đủ để vỗ về ghềnh đá. Đằng kia, cát vẫn mịn màng như đang tan dần trong hoàng hôn. Lòng sư Năm ngổn ngang.

Mấy tháng qua, sư coi Loan như đứa con gái của mình, nhưng cũng chính sự quan tâm tận tình ấy mà sư vô tình gieo ở Loan một tình cảm đặc biệt.

Tình cảm ấy bắt đầu bằng sự ngưỡng mộ, nể phục tuyệt đối rồi phát triển dần thành tình yêu trai gái. Đúng là bể tình dục lấp mãi mà không đầy, thành sầu khổ phá mãi mà không tan.

Sư không muốn làm tổn thương một cô gái đang ở vào độ tuổi mộng mơ, bồng bột thậm chí mù quáng trong chuyện tình cảm.

Bởi cô giáo Loan là con của Son, sư lại là người xuất gia, tình yêu trai gái với sư vốn không còn ý nghĩa. Vậy mà hôm nay Loan lại dành cho sư một mối tình đơn phương, bất chấp điều cấm kỵ của đạo pháp.

Lẽ tất nhiên là sư sẽ không bao giờ chấp nhận, song chối từ bằng cách nào? Có nên nói sự thật cho cô giáo biết không?

Cô giáo không đến chùa. Một tuần, đúng một tuần kể từ buổi chiều ngày hôm ấy. Chiều ấy, trong lúc sư Năm đang ngồi ở ghềnh đá thì cô giáo Loan xuất hiện.

Khác với mọi ngày, cô nhìn sư- một người đáng tuổi cha mình bằng ánh mắt thật đa tình. Cô thố lộ bằng lời lẽ mà chỉ có những người đang yêu mới thốt nên lời trước sự lúng túng, vụng về của một nhà sư đã xuất gia. Sư Năm là người, cũng như bao kẻ khác chứ đâu phải thánh nhân.

Sư sợ mình không cưỡng lại được nhục dục vốn có trong mỗi con người mà bấy nay tưởng chừng đã nguội lạnh... Sư đẩy cô giáo ra và kể rõ ngọn ngành như một lời tự thú...

Cô giáo ngỡ ngàng, bỏ chạy, để lại sau lưng những giọt nước mắt trong đôi mắt thẳm sâu của người vừa trút được một nỗi niềm thầm kín. Sư Năm nhìn theo, bóng cô gái khuất dần, khuất dần, chỉ còn in lại những dấu chân thon, nhỏ mờ nhạt dưới nền cát mịn.

***

“Lửa không dập tắt được lửa, oán không cởi được oán”. Chắc đã ngẫm ra chân lý ấy nên cô giáo xin chuyển công tác. Dân xứ hòn bịn rịn chia tay.

Cô không quá bi quan như sư Năm đã nghĩ. Đọc xong bức thư của cô, dù ngắn ngủi nhưng lòng sư Năm bỗng thấy nhẹ tênh. Xa xa, từ ghềnh đá nhìn lại, chùa Hướng Thiện vẫn trầm mặc, tĩnh lặng dưới cội bồ đề. Gió biển ngân nga như những tiếng chuông chùa vọng lại thân quen.

NGUYỄN LINH