Hồi ức "người mang án tử hình" của đồng chí Hồ Minh Mẫn

4.879 ngày đấu tranh trong ngục tù Mỹ- Ngụy (tt)

Cập nhật, 05:28, Thứ Ba, 04/02/2020 (GMT+7)

Năm 1967, phong trào đấu tranh các trại phát triển, đặc biệt là phong trào chống chào cờ. Chúng vẫn đàn áp khốc liệt, nhiều cuộc tuyệt thực, tự sát diễn ra phản đối chánh sách đàn áp dã man của chúng, lực lượng càng ngày càng đông. Chúng đem nhốt chúng tôi, có Bảy Thân, Sáu Thuần và Quang vào chuồng cọp 2. 

Ngày nóng, chúng phủ đệm trên nóc chuồng cọp, đêm lạnh chúng cho mặc một quần đùi, không nước tắm, ăn không rau, chỉ có khô đắng, mắm thúi. Tuy thế nhưng không có anh em nào “rớt” mà đội ngũ ngày càng đông. Anh em thề thà chết không cho “rớt”.

Sau Mậu Thân, chúng đưa từ đất liền ra đảo một số đông tù chính trị Chí Hòa. Sau phong trào để tang Bác Hồ ở Chí Hòa, chúng đưa anh Võ Môn công tác trí vận Sài Gòn bị bắt vào ở chuồng cọp 19 với tôi. Ngủ trong chuồng một đêm, sáng ra anh hỏi tôi nước súc miệng, tôi trả lời: “Nước không đủ uống có đâu mà súc miệng, ở đây súc miệng, rửa mặt, rửa đít khi đi tiêu đều bằng nước tiểu, anh phải tập cho quen”.

Có lúc nó siết nước uống, anh em phải lén nói với người mang cơm đem cơm nhão để có một ít nước. Nước đái dần cũng cạn và đắng.

Vài tháng sau, anh Võ Môn được đổi qua phòng khác.

Trước 2 ngày, anh Võ Môn đến, tôi còn ở phòng 30 một mình. Độ 5 giờ chiều, có 1 tên trật tự mang thẻ bài xanh đỏ (lính bị can tội chính trị) đi tới lui trên nóc chuồng cọp, không thấy ai, hắn bỏ xuống cho tôi một trái ớt hiểm xanh. Tôi thèm ớt quá nên ăn luôn cả cuống ớt, sợ bỏ cuống ra ngoài bị lộ.

Hắn nghiêng đầu xuống nói “Bót mất rồi”. Tôi suy nghĩ “Bót mất là do ta đánh, có ăn thua gì mà hắn nói”. Tôi ra dấu không hiểu gì cả. Hắn đi, rồi 10 phút sau trở lại với câu nói đó.

Tôi ra dấu cho y xuống kẽ cửa nói, y xuống đưa miệng vào kẽ cửa nói “Bác Hồ mất ngày 3/9 rồi”. Chí Hòa, tù để tang. Tôi bán tín bán nghi, té ra tên trật tự là người tỉnh Quảng Nam. Khi tôi gặp Võ Môn ở phòng 19 thì tin Bác Hồ mất mới được xác nhận chính xác và anh em làm lễ tang Bác trong phòng.

Khi anh Võ Môn đi, chúng đưa chú Xía vào ở chung phòng 19 với tôi. Xía là người Hoa ở Sài Gòn nhiều đời, tham gia biệt động của ta bị bắt khi mới 18 tuổi.

Vì từ Chí Hòa ra chuồng cọp, nếp sống chưa quen, nên ăn cơm không biết “tốc chiến tốc thắng” với nó. Hôm đó, bọn trật tự mang cơm đến trước cửa phòng. Cơm gạo đỏ, chan trên mặt một lớp mắm ruốc thối.

Ruồi bu không còn thấy cơm trong chén. Chúng mở cửa phòng đầu đưa cơm vào rồi đóng cửa, đến phòng chót (phòng 30) thì trở lại lấy chén ra.

Xía ăn không kịp nhai, vì sức trẻ đói nên múc một muỗng nữa bỏ vào miệng, tên trật tự đấm đá vào mặt, máu loang làm cơm văng tung tóe trong còng. Em Xía bỏ cơm mấy bữa vì hàm mặt bị đau.

Số chống chào cờ càng tăng. Một hôm chúng dồn chúng tôi sang trại 4 để trống chỗ đưa chị em phụ nữ từ Chí Hòa ra.

“Chuồng bò” là nhà tường lợp ngói. Kế bên và nối dài chúng cất 2 dãy tường lợp tôn bít bùng. Nắng nóng trên đồi cát cộng sức nóng của tôn làm tăng độ oi bức của phòng.

Trại chia 2 dãy phòng: phía trước và phía sau, mỗi phòng chúng “quyện” chân 10- 15 người. Ăn uống khắc nghiệt, không rau, hạn chế nước, không thuốc men, sức khỏe anh em cạn kiệt.

Đêm đó trời mưa rả rích. Bỗng một anh nhảy tránh “rắn”. Một con rắn bằng ngón tay cái từ trên mái nhà rớt xuống, chúng đang tìm đường thoát. Cởi áo ra, chụp bắt nó, tức thì con rắn bị túm cổ bóp chết.

Anh em lột da nó ra, ngắt thành 13 khúc cho 13 đứa để sáng ra nhét dưới cơm ấm ấm mà ăn. Bị siết hơn một tháng rồi. Anh em không đi tiêu được, bệnh sốt bộc phát.

Suốt ngày đêm, tiếng kêu cấp cứu liên hồi. Vào 10 giờ, sau nhiều lần kêu cấp cứu chúng không đến, một anh ở phòng 1 bị chết trong còng. Anh em thông báo cho các phòng giữ xác chết đấu tranh đòi Ban Quản đốc giải quyết.

Đến 9 giờ sáng ngày sau, chúng mới đến giải quyết chuyện toàn trại bị bệnh, anh em mới cho lấy xác đi chôn. 2 ngày sau, chúng đưa bác sĩ Triết (tù chính trị làm ở trạm xá) đem thuốc đến trị, nhưng thuốc bị bọn giám thị và trật tự lấy hết, chỉ còn chút ít thuốc viên thông thường.

Chúng lôi anh em trên đá sỏi cả trăm thước, trầy mình mẩy hết, đến một phòng treo sẵn mấy chai, loại chai đựng huyết thanh, đựng đầy nước giếng màu vàng (giếng bỏ đinh sét) chuyền nước vào hậu môn anh em.

Cái chính là làm sao cho anh em tiêu được là hạ sốt ngay. Một người chết, lấy xác đó đấu tranh với địch cứu được gần 300 anh em.

Từ đó, chúng đổi giám thị, đưa tên Đức làm trưởng trại. Cuộc sống được cải thiện một chút. Chúng tôi lần lượt lết qua phòng kế, lết ra sân, tổ chức học tập chính trị, học văn hóa, sinh hoạt văn nghệ.

Năm 1969, trong trại có Trần Đỗ Toán bị bệnh gan và chết. Anh em tôi giữ xác và xin Ban Quản đốc cho làm lễ truy điệu Toán và cho một số anh em đưa xác đến Hàng Dương.

Ban Quản đốc lúc đó do Trung tá Tiếp làm Quản đốc, Tỉnh trưởng Côn Sơn chấp thuận. Xác Toán được quàng trước sân, vây quanh là toàn bộ số tù trong trại cùng hàng chục trật tự, giám thị.

Anh em đọc tiểu sử tố cáo chế độ, rồi ra lệnh mặc niệm. Anh em ngồi nghiêm mặc niệm, tất cả trật tự, giám thị đều đứng nghiêm mặc niệm. Quan tài được đưa lên xe cùng 5 anh em ta ngồi xe đưa đến Nghĩa địa Hàng Dương.

Đây là đám tang tù long trọng nhất từ trước đến nay.

Năm 1970, một số sinh viên được ra tù về tố cáo chế độ tàn bạo của Mỹ- ngụy ở “chuồng cọp” Côn Đảo. Một số nghị sĩ Mỹ sang Việt Nam ra Côn Đảo tìm “chuồng cọp”.

Mặc dù tên Tỉnh trưởng Vệ che giấu nhưng số nghị sĩ này căn cứ vào sơ đồ mà số tù sinh viên vẽ, họ đã đến “chuồng cọp” 2 giữa lúc anh em đang bị còng trong “chuồng cọp”.

Anh em tố cáo chế độ dã man của Mỹ- ngụy đối với tù nhân Côn Đảo. Chúng tôi chỉ những thùng vôi để rắc vào “chuồng cọp” khủng bố tù nhân.

Sau chuyến đi, báo chí ngoại quốc đăng tải và làm rùm beng, dư luận trong ngoài nước xôn xao. Để đối phó, chúng cho cất ở sở Muối 2 trại lá, lót sạp tre, độ 4.000m2, rào 3 lớp dây kẽm gai, có cửa ra bãi biển.

Chúng chuyển số anh em bại xuội ở “chuồng cọp” 2 và “chuồng bò” về ở đây 128 anh em (78 ở “chuồng cọp” và 50 ở “chuồng bò”).

Tôi ở trong tốp bại xuội “chuồng bò” về đây cùng Bảy Thân, Sáu Thuần, Chín Tương ở chung với Mười Hải, Bảy Bê ở Sài Gòn. Chúng bố trí giám thị và trật tự gác vòng ngoài. Anh em đấu tranh lết ra bãi biển, chúng cũng nhượng bộ, chế độ ăn uống, thuốc men cũng đỡ hơn.

Vào khoảng tháng 9/1970, phong trào đấu tranh phát triển mạnh. Anh em bàn mở cuộc đấu tranh xuống đường để mở màn cho cuộc đồng khởi toàn đảo.

Lúc đầu định lết về dinh tỉnh trưởng, nhưng sợ sức khỏe yếu lỡ bỏ giữa đường hoặc địch khủng bố tan rã nên xếp hàng, căng biểu ngữ với 4 yêu sách kéo đến lộ trụ đó yêu cầu giải quyết. Bọn an ninh do tên Tốt cầm đầu, kéo vào hàng trăm trật tự, mỗi tên cầm một khúc cây vây quanh anh em.

Tên Keo- Phó Ban An ninh- xúc phạm anh em, nên anh Sực chụp cục đá ném vào mặt hắn. Hắn né khỏi và ra lệnh đàn áp. Anh em bại lết làm sao đánh lại chúng. Một tên nhảy vào giựt biểu ngữ bị chú Sở bóp hạ bộ, hắn thét lên một tiếng rồi chạy tuốt ra ngoài.

Suốt đêm, anh em ở ngoài trời, đến 9 giờ sáng, chúng mới giải quyết một nửa yêu sách. Ta đạt yêu cầu, làm tiếng vang cho các trại và chuẩn bị trận chiến đấu mới.

5 ngày sau, toàn đảo tù án đồng loạt nổ ra các cuộc đấu tranh, từ sở Củi, sở Lưới, sở Ruộng, nhà bếp đồng loạt nghỉ việc, chống chào cờ. Trên 4.000 tù chính trị chống chào cờ, chống nội quy. Chúng điều mấy tiểu đoàn cảnh sát dã chiến ra hỗ trợ.

Gần một tháng sau, chúng chuyển chúng tôi về “chuồng bò”. Và vào ngày 30/12/1970, chúng đưa 2 đợt về Chí Hòa nói là trị bệnh, sự thật là chúng phân tán. Đợt 1 chúng đưa 38 người, 1 tháng sau tôi đi đợt 2 gồm 40 người về ở biệt giam OG3 và OG4. Tôi ở OG4 gồm 40 người trong một phòng chật hẹp.

Vừa đến phòng, chúng tôi bầu chọn trưởng phó phòng, tôi được chọn làm trưởng phòng, Bảy Thân làm phó phòng. Công việc đầu tiên là xin được cử người đi thăm các phòng ở Chí Hòa. Sau nhiều lần yêu cầu, chúng cho số thường án cõng anh em đi, cài bọn này theo dõi ta nói gì với các phòng.

Qua ngày đầu ta không hỏi được gì, anh em ngồi trên lưng nó thúc vào hông để nó tức quăng xuống đất, ta dựa vào cớ ấy mà yêu cầu cho anh em tù chính trị cõng anh em đi thăm. Nhờ vậy mà ta trao đổi với các phòng đẩy phong trào đấu tranh ở Chí Hòa lên. Trước nhất là đòi thăm và cho đồ anh em ở đảo mới về, lấy cớ này để phá lỏng nội quy của nhà lao.

Một buổi sáng, chúng mở cửa sổ cho chúng tôi ra sân tắm nắng, chúng tôi ăn mặc rách rưới lết ra sân. Từ trên lầu, các anh tù chính trị quăng xuống sân thức ăn, quần áo, đồ tiêu dùng, cả phòng tuôn ra hành lang quăng túa xuống, 1 phòng, rồi 2, 3, 4 phòng tầng 2, tầng 3, tầng 4, anh em phá cả cửa ngăn các khu mà quăng đồ xuống mặc giám thị, trật tự la mắng, nắm kéo, cản lại.

- Có 2 giáo sư Pháp: Debri và Mendras treo cờ Mặt trận trước trụ sở Quốc hội ngụy, bị bắt giam ở Chí Hòa cũng nhịn bữa ăn sáng mang bánh mì tặng chúng tôi mặc dù chúng tôi từ chối.

Mấy người Mỹ phản chiến bị nhốt lầu 5 cũng xuống tặng mấy gói thuốc, thế là bọn chúng bắt nhốt khám chẹt 2 người Pháp và cuộc đấu tranh đòi thả 2 người Pháp dẫn đến Tòa đại sứ Pháp can thiệp, để sau này chúng trục xuất 2 anh về Pháp.

Còn mấy người Mỹ bị chúng lấy mùng phải ngủ trần, muỗi cắn không ngủ được, các anh ấy lấy cây kéo vào song sắt rổn rảng rồi la khẩu hiệu “Tra trao đe quoc My (Đả đảo Đế quốc Mỹ) và “Việt Nam cong hoa con c...” (Việt Nam Cộng hòa con c...)

Mấy ngày sau chúng tôi đòi gặp Ban Quản đốc, đòi tăng thức ăn, tăng khẩu phần thịt. Chúng hứa giải quyết và cho lò than vào để hâm thức ăn.

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)