Truyện ký

Trên đoạn đường hoa

Cập nhật, 20:11, Chủ Nhật, 02/02/2020 (GMT+7)

Ánh mặt trời vừa khuất sau hàng cây bên kia cánh đồng, tốp lính dân vệ Giồng Ké rời khỏi đồn, chia thành hai tổ, mỗi tổ một bên lộ đi “nằm đường”. Dân vẫn gọi nôm na như thế.

Từ khi chính quyền Sài Gòn chính thức triển khai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, tiến hành xây dựng các ấp chiến lược, lính dân vệ được đổi tên là “nghĩa quân” và được công nhận là lực lượng vũ trang địa phương thuộc “Quân lực Việt Nam cộng hòa” đặc trách nhiệm vụ lãnh thổ.

Họ được tăng lương, tăng quân số, tăng cường trang bị, từ trước đây chỉ có súng trường nay được trang bị tiểu liên carbine vừa gọn, nhẹ mà uy lực chiến đấu được nâng cao và nhiệm vụ của họ được giao cũng nặng nề hơn. Họ phải đảm nhận nhiệm vụ “an ninh lãnh thổ” để thay thế dần cho sắc lính chủ lực.

Đêm đêm, họ phải đi nằm đường, cái từ trước đây binh lính của Tây hay gọi là “pa-trui”, sang thời kỳ này thì gọi bằng từ hoa mỹ là “tuần tiễu” để bảo vệ cho ấp chiến lược Phú Tiên chống Việt cộng xâm nhập vào ấp, ngăn Việt cộng qua lại hai bên con đường Liên tỉnh lộ 7, bảo đảm giao thông thông suốt trên con đường huyết mạch của hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh này.

Vừa qua khỏi cầu Giồng Ké hơn trăm mét, tốp lính phát hiện có một vùng nhựa trên lộ nổi màu đen sậm, vùng đen này chảy dọc vô đến lề cỏ. Khi đến gần quan sát kỹ, thì tốp lính không thấy gì khả nghi ngoài mấy miếng miển của vỏ tĩn nước mắm lăn lóc bên đường và mùi nước mắm bốc lên nồng nặc.

Tên chỉ huy săm soi một lúc, hắn nói với bọn lính “Không biết con mẹ nào đi chợ, hư quá làm rớt bể tĩn nước mắm, về nhà chồng nó chửi cho mà thấy”.

* * *

Trời se lạnh, những hạt sương đêm bắt đầu đọng lại trên đầu ngọn cỏ, hai bóng đen thận trọng dùng mũi dao xắn lớp nhựa đã dẻo ra thành một ịn hình tròn để lộ một ô đất đá của mặt lộ.

Bảy Quới cẩn thận trải tấm cao su rồi lật ịn nhựa sang một bên, anh dùng mũi dao cạy từng cục đá và đào sâu xuống mặt lộ, tạo thành một cái hố. Đất đá đào lên được đưa hết lên tấm cao su.

Út Trai dùng dao xắn tiếp một đường nhựa nhỏ ra đến tận mép lộ, khi hết đường nhựa thì tiếp tục vạch một đường cỏ xuống đến hết lề lộ rồi cẩn thận xắn một đường đất thành một cái rãnh nhỏ.

Trái mìn tự tạo của công trường huyện được đặt vào hố và được chèn đất đá thật chặt. Vừa làm Bảy Quới vừa trao đổi nhỏ cùng Út Trai.

Đây là bài thực hành đầu tiên nên Út Trai vừa thực hiện nhiệm vụ của mình, vừa quan sát, ghi nhớ từng thao tác của “thầy”.

Khi quả mìn và đường dây điện nằm đúng vị trí của nó, Bảy Quới cẩn thận úp miếng nhựa đường lên trên, lấy từ “bồng” ra một cái chai thủy tinh lớn lăn, ép cho mí cắt liền lại.

Bảy Quới nói nhỏ: “Cái chai này lợi hại lắm đó, nó là vũ khí chính để ông Mười Ngỗng đập đầu thằng Hòa trưởng đồn Đức Hòa, làm nên thắng lợi trận đánh chỉ bằng chĩa lươn, chai rượu trong Đồng Khởi đó.

Nay nó lại tiếp tục tham gia trận đánh này”. Mọi dấu vết trên mặt đường và lề lộ được xóa một cách khéo léo, đường dây diện cũng được ngụy trang cẩn thận.

Một tiếng chim cú vang lên trong đêm vắng, những bóng đen lần lượt rời khỏi vị trí cảnh giới, trở về vị trí tập kết. Đằng đông ánh trăng hạ tuần hắt ánh sáng lờ mờ lên nền trời, sương đêm càng đọng nhiều thêm trên ngọn cỏ.

* * *

Phan Văn Quới sinh ra và lớn lên ở làng Phú Nhuận, sau này trở thành một ấp của xã Trung Ngãi, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Cầu Vông diệt tên Chánh Tham biện Vĩnh Long và sau đó trên năm trăm người dân phần lớn ở Trung Ngãi này bị quân Pháp tàn sát.

Anh chứng kiến sự tàn ác giặc Pháp và tay sai ngay trên quê hương Vũng Liêm mình, trong các cuộc càn chúng giết người, cướp của, hãm hiếp phụ nữ hết sức dã man, như ở Mai Phốp, tên Lê Vĩnh Trình đội lốt cha sở, thành lập hai đại đội com-man-đô, chỉ mấy năm mà giết chết hơn bốn ngàn người yêu nước và người dân vô tội, đến độ Giám mục Ngô Đình Thục dọa rút “chén thông công” nếu hắn còn tàn sát dân thường.

Căm thù sự tàn ác của giặc ngoại xâm và tay sai, lòng yêu nước càng dâng cao, Phan Văn Quới tình nguyện vào du kích. Lúc đầu chỉ là công tác mật trong khu vực chợ Giồng Ké nên anh rất thông thạo địa hình, địa vật vùng này.

Sau phong trào Đồng Khởi, Tỉnh đội Trà Vinh mở lớp huấn luyện đặc công, Bảy Quới được chỉ định đi học và trở thành học viên xuất sắc, được giữ lại trường làm giáo viên huấn luyện các lớp tiếp sau.

Trong trận đánh vào hậu cứ Bến Đáy, Bảy Quới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dùng bộc phá đánh diệt lô cốt tạo điều kiện cho đồng đội tràn lên tiêu diệt hậu cứ địch, nhưng anh bị chấn thương nặng. Sau khi điều trị ở Quân y, Bảy Quới được cho phép về địa phương an dưỡng.

Vừa về đến gia đình, anh thấy vợ và hai con nhỏ quá nghèo khó. Mấy năm xa gia đình, thằng Dũng mới sáu tuổi, thằng Đức vừa lên bốn đã biết mò cua bắt ốc hoặc theo má ra đồng. 

Làm ruộng mà thiếu lao động thì lo được cái ăn đã là khó, huống chi phải nuôi hai đứa nhỏ. Bảy Quới dự định trong thời gian nghỉ dưỡng sẽ đỡ đần vợ con, sửa lại cái nhà để trời mưa không dột, đắp thêm nền nhà để mùa nước nổi má con không phải xắn quần bì bõm ngay trong nhà.

Nhưng nội thương còn nặng, chưa thể bắt tay vào lao động nặng nhọc được mà còn phải nhờ vợ hái thêm thuốc Nam nấu uống hàng ngày.

Hôm đến trình giấy tờ với chi bộ xã, đồng chí Sáu Hoàng (Nguyễn Văn Thời)-Bí thư chi bộ xã- nói:

- Đồng chí Quới à! Chúng mình là bạn học cùng nhau từ nhỏ, lại cùng lý tưởng, cùng có quyết tâm giải phóng quê hương, cùng có thời gian chiến đấu sống chết bên nhau khi đồng chí còn công tác tại địa phương.

Chi bộ trước đây cử đồng chí đi học là mong muốn sau này đem hiểu biết về phục vụ địa phương mình.

Nay đồng chí là người của tỉnh rồi, nhưng trong thời gian ở nhà dưỡng thương, chi bộ nhờ đồng chí huấn luyện cách đánh đặc công cho anh em du kích. Những chuyện lặt vặt ở gia đình, anh em đội du kích sẽ giúp đồng chí hoàn thành để vợ con yên tâm.

- Đồng chí Bí thư nói thế, tôi nhận lời và sẽ hết sức cố gắng. Nếu đồng chí không đặt vấn đề chính thức thì khi tôi khỏe, tôi cũng tìm vài du kích chỉ cho anh em vài miếng để anh em có thể đánh địch được. Bây giờ ta bàn sang chuyện chọn người, lo trang thiết bị, dụng cụ huấn luyện và chuẩn bị vũ khí tác chiến. Trước hết là con người để thành lập tổ đặc công.

- Đồng chí yên tâm, con người tôi đã chuẩn bị sẵn, thiết bị vũ khí thì có công trường xã, công trường huyện đang ở đây, chúng ta cùng đến đó trao đổi. Tôi tin chắc mọi việc sẽ thuận lợi. Cả xã Trung Ngãi này ai mà không quyết tâm đánh giặc chớ.

* * *

Sáng ngày thứ hai 23 tháng 11 năm Quý Mão, đầu giờ Thìn là giờ hoàng đạo, sau lễ chào cờ, thắp hương Miếu Tiên sư, từ hậu cứ, Tiểu đoàn 2 (thuộc Trung đoàn 14, Sư đoàn 9) của Quân lực Việt Nam Cộng hòa lần lượt leo lên mười ba chiếc xe GMC xuất phát hành quân càn quét vào lõm căn cứ du kích ở An Trường.

Lại nói thêm sư đoàn chủ lực mang phiên hiệu số 9 này của quân đội Sài Gòn được thành lập ở Quy Nhơn, được huấn luyện tác chiến địa hình rừng núi, binh lính hầu hết người quê gốc ở miền Trung, được điều về miền Tây. Đơn vị binh chủng cuối cùng của sư đoàn hành quân hết đến miền Tây vào tháng 10 năm 1963, tức là cách đây hơn hai tháng.

Trong hai tháng qua, họ lo củng cố, bổ sung quân số, lấy thêm lính quân dịch ở các tỉnh miền Tây; thay đổi trang bị từ súng garant, cacbine sang tiểu liên cực nhanh AR15 cho binh lính, hỏa lực đi cùng bộ binh được tăng cường rất mạnh, các loại trung liên, đại liên, M79, súng cối, phương tiện thông tin hiện đại.

Có thể nói binh lính được trang bị từ đầu đến chân do Hoa Kỳ mới viện trợ. Sư đoàn tổ chức huấn luyện cách đánh ở chiến trường đồng nước, tổ chức vài cuộc hành quân cấp tiểu đoàn để binh lính quen địa hình.

Ánh nắng ban mai trải dài trên đồng lúa xanh rì. Sương tan, con lộ hiện rõ từng ngọn cỏ. Bảy Quới nói nhỏ vào tai Út Trai:

- Khi đầu xe của địch chạm vào vật chuẩn số 1 thì châm điện, thời gian chờ mìn nổ thì bánh đầu xe ở ngay vị trí quả mìn. Khi mìn nổ sẽ hất xe lật.

Út Trai “dạ” khẽ, vẫn căng mắt nhìn lên lộ.

Bảy Quới nói thêm:

- Chú ý quan sát nhưng không quá căng thẳng. Phải quan sát địch từ xa. Bỏ qua xe cảnh giới mở đường. Đánh vào chiếc xe chở quân đầu. Cứ yên tâm, có anh đang ở bên và phía sau chúng ta anh em du kích sẵn sàng nổ súng yểm trợ khi xe cảnh giới của địch quay lại.

Nhưng lúa cao cỡ này, địa hình che khuất cỡ này, địch có xung phong đến được chỗ này thì anh em mình về đến đình Phú Nhuận rồi”.

- Em hồi hộp quá anh à”- Út Trai nói nhỏ.

- Bình tĩnh. Thả lỏng cơ thể, hít sâu vào.

Tiếng xe địch chạy rền hướng chợ Giồng Ké. Chiếc xe doge chở đội trinh sát cảnh giới vượt qua vật chuẩn.

Út Trai nghe ngực mình nặng như có tảng đá đè lên. Dù đã tham gia nhiều trận đánh, nhưng đây là lần đầu tiên đánh trái trên giao thông, đánh ban ngày, lại ở vị trí rất gần với địch nên không kém phần hồi hộp.

Các chú, các anh có kể rằng “căng thẳng nhất là lúc chờ nổ súng, có khi tè ướt quần mà không hay. Đó không phải sợ giặc mà là quá căng thẳng nên mất kiểm soát thôi”.

Nhớ chuyện này, Út Trai mỉm cười có phần “mắc cỡ” liền đưa tay sờ vào quần. May quá, quần vẫn còn khô.

Khi đầu chiếc xe GMC vừa đến vật chuẩn quy định, Bảy Quới ra lệnh khẽ nhưng đanh, gọn: “Châm”. Út Trai châm đầu dây vào hộp pin. Một quầng lửa trùm lên đầu xe địch. Một tiếng nổ vang rền. Khói đen, đất đá và chiếc xe địch bị hất lên cao, rơi xuống chổng gọng. Tất cả diễn ra trong tích tắc.

Hai người khẩn trương thu dây, rời khỏi vị trí rút về phía sau. Chiếc xe doge vừa chạy giật lùi vừa nổ súng bắn vãi trên đồng lúa.

Chỉ là bắn hoảng thôi chớ chúng có thấy mục tiêu nào đâu. Đoàn xe địch dừng lại, binh lính nhảy xuống triển khai đội hình chiến đấu. Bọn chỉ huy hò hét la ó vang trời. Khi chúng triển khai được đội hình thì Bảy Quới, Út Trai và tổ du kích yểm hộ đã rút xa lộ hơn ba trăm thước rồi.

Tin cơ sở báo về, xe địch bị lật ngửa, ba mươi bốn tên lính bị đè bẹp, được chuyển hết lên xe cứu thương. Chắc còn sống không được mấy tên. Cuộc hành quân càn quét của địch bị hủy bỏ.

* * *

Bài kiểm tra thực hành của tổ công binh Trung Ngãi hoàn thành xuất sắc, Huyện ủy, Huyện đội Vũng Liêm phát động quân dân Vũng Liêm đẩy mạnh cách đánh đặc công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực, phương tiện cơ giới của địch.

Địch cũng ngày càng cảnh giác, chúng tăng cường đồn bót, ụ gác bảo vệ, tổ chức tuần tra, mật phục liên tục ngày đêm trên lộ. Nhưng cứ có sơ hở là y như rằng xe địch bị đánh mìn.

Có trận du kích, dân công lên lộ đào phá, đắp mô, gài trái lựu đạn, đến trưa địch mới hành quân phá mô, tháo gỡ, lựu đạn khi nổ, khi không nhưng giao thông của địch bị gián đoạn, các cuộc hành quân bằng cơ giới của địch bị hủy bỏ. Các chỗ lộ bị đào phá khi công binh dùng đất đá lấp lại thì chính là nơi tổ đặc công đặt trái nổ và xe địch lại bị đánh lật.

Tháng 10 năm 1964, Bảy Quới trở lại đơn vị tỉnh, lúc này tổ đặc công Trung Ngãi đã lớn mạnh, có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu và đã có trên trăm trận. Đoạn đường từ ngã ba Vũng Liêm đến cầu Mây Tức được binh lính ngụy đặt tên là “đoạn đường máu và nước mắt”.

Những trận đánh của đặc công Trung Ngãi trực tiếp góp phần bảo vệ con đường giao thông liên lạc của Khu ủy và của tỉnh từ Cần Thơ, Sóc Trăng- sông Hậu qua Bến Tre, Mỹ Tho- sông Tiền về Trung ương Cục với huyệt điểm ở đoạn lộ Trâm Bầu.

* * *

Xuân về, các tuyến đường giao thông nông thôn ở Trung Ngãi được nhựa hóa đến tận xóm ấp, Đường tỉnh 907 chạy trên con đường đất của lộ Trâm Bầu xưa. Những căn nhà lá lụp xụp trước đây giờ trở thành nhà tường khang trang.

Những bông hoa vàng anh, mười giờ… đủ màu sắc dọc hai bên đường tranh nhau khoe sắc rực rỡ dưới nắng vàng. Đêm đêm ánh điện sáng theo đường thôn, ngõ xóm. Quốc lộ 53 được nâng cấp nhà cửa san sát, buôn bán sầm uất.

Hai Dũng, Ba Đức nay đã qua lục tuần nhưng vẫn nhiệt tình xông xáo vận động bà con, thực hiện xây dựng nông thôn mới. Hai Dũng- Bí thư chi bộ- tâm sự:

- Xưa cha mình chẳng quản hy sinh đánh giặc giành độc lập, nay trách nhiệm xây dựng là của thế hệ tụi mình. Mình làm, mình thụ hưởng; dân mình cùng làm, dân mình cùng thụ hưởng. Nhờ ý thức được như thế nên bà con Trung Ngãi mình tham gia xây dựng nông thôn mới nhiệt tình, tinh thần hăng hái như ngày xưa cha anh đánh giặc. Tỉnh đã xuống khảo sát và công nhận Trung Ngãi là xã nông thôn mới.

Khi được hỏi thăm về gia đình của Út Trai, Hai Dũng nói:

- Chú Út được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tên Nguyễn Chí Trai được chọn đặt tên Trường Trung học cơ sở xã Trung Nghĩa.

Hai người con của chú cũng rất tích cực trong công tác ở địa phương. Trung Nghĩa năm nay cũng đã đạt đủ các tiêu chí để được công nhận xã nông thôn mới rồi.

Một vùng nông thôn vươn mình khởi sắc. Nhân dân Trung Ngãi tự hào về truyền thống anh hùng thì càng tự hào hơn trong xây dựng phát triển đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

ĐẶNG VĂN