Hồi ức "người mang án tử hình" của đồng chí hồ minh mẫn

4.879 ngày đấu tranh trong ngục tù Mỹ- Ngụy (tt)

Cập nhật, 05:05, Thứ Ba, 21/01/2020 (GMT+7)

(Tiếp theo kỳ trước)

Anh em kể lại: Anh Nguyễn Văn Dẹo- Chi ủy ở Mỹ Tho- bị kết án tử hình ở phòng kế bên. Tên linh mục Tuyên Úy mời anh xuống cho một bộ đồ bà ba trắng và gói thuốc Ruby. Anh biết sáng mai nó đem chém anh. Suốt đêm anh không ngủ được.

Tên giám thị theo dõi sát anh. Độ 4 giờ khuya, lúc anh em còn ngủ, anh Dẹo đang uống trà thì cánh cửa phòng hé ra, tên giám thị ngoắt anh ra cửa.

Vừa khỏi cửa thì tốp giám thị đã phục kích sẵn áp vào ôm anh, còng lại, dắt đi. Anh la lên, toàn phòng thức dậy thông báo các phòng kế bên biết, nhưng cửa đã khóa chặt, chúng chở anh Dẹo về Mỹ Tho chém vào buổi sáng.

Một lần khác, chúng ra lệnh đổi phòng, chúng kêu tên từng người dắt đi, còn lại 2 người: anh Bảy ở Sóc Trăng và anh Tư Rượu ở Cần Thơ. 2 anh biết nó tách ra để dễ bắt đi chém.

Suốt đêm các anh nói chuyện nhưng mệt rồi cũng ngủ. Độ 4 giờ khuya, anh Tư Rượu đau bụng vào cầu tiêu. Bọn giám thị bám sát từng động thái của 2 anh. Khi thấy anh Tư vào cầu, chúng mở cửa ập vào còng anh Tư dẫn ra cửa.

Tên giám thị nhìn mặt anh Tư rồi nói: “Không phải tên này, tên kia kìa”. Chúng bỏ anh Tư ngồi đó rồi ập vào đè bắt anh Bảy lôi đi và chở về chém ở Sóc Trăng, còn anh Tư được đưa về phòng với anh em tử hình khác.

Trước đây, mỗi ngày chúng đều có đem chém anh em, nhưng đã 2 tháng rồi, không biết vì sao nó có lệnh dừng lại.

Mỗi ngày chúng cho anh em tử hình tắm nắng dưới sân, đi tắm nắng từng phòng. Chúng gác cẩn mật, đóng cửa các phòng mà anh em đi qua. Anh em trên phòng theo dõi các anh tắm nắng, nếu các anh ra dấu “bàn tay chặt đầu” rồi đưa một hay hai ngón tay là ta biết nó đem chém một hoặc hai anh hôm qua rồi.

Một hôm, anh em ra dấu chặt đầu hai người. Ngày sau và sau nữa cũng ra dấu chặt đầu một, rồi hai. Có lẽ sau 2 tháng ngưng thi hành án tử hình, thì nay chúng tiếp tục chém. Anh em trong phòng bàn tán nhiều, nhưng đều kết luận là nó tiếp tục khủng bố đồng bào bằng đem số tử hình về địa phương có phong trào đấu tranh mạnh “chặt đầu” răn đe.

Đang suy nghĩ thì bên ngoài một giám thị cầm giấy vào phòng đọc tên: “Hồ Văn Mẫn ra gặp gia đình thăm nuôi”. Tôi hơi ngạc nhiên, vì phòng tử hình do Tòa án Quân sự đặc biệt, không được thăm nuôi, sao tôi mới lên 3 tháng đã được thăm nuôi?

Hay nó gạt mình để đem chém, sao linh mục Tuyên Úy chưa kêu xưng tội, cho bộ đồ bà ba trắng và gói thuốc Ruby như một số anh em bị đem chém khác?!

Nhìn cửa phòng chỉ có một giám thị, chớ không phải nhiều tên vây bắt như các lần trước, tôi mạnh dạn theo tên giám thị đến phòng thăm nuôi. Quả thật, má, vợ, chị tôi đang ngồi chờ, gặp tôi òa lên khóc. Tôi trấn tĩnh: “Chỉ gặp 10 phút, đừng khóc để nói chuyện”.

Má tôi nói:

- Ông cha gặp má bảo, nếu con theo đạo Thiên chúa thì cha gỡ tội chết cho.

- Thôi má, đừng nghe lời người ta, chém thì cứ chém, con không theo nó đâu. Má tôi nghe và tin tôi. Tôi dặn dò vợ tôi, lo cho con nên người và làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc. Giám thị ra lệnh tôi về phòng, tôi bước đi rồi nhìn lại, má tôi khóc nức nở! Không ngờ gặp má tôi lần này là lần chót, để rồi năm 1969 má tôi mòn mỏi trông con và vĩnh viễn ra đi.

Bầu không khí chết chóc bao trùm khu tử hình Chí Hòa, lúc đó đã có hơn 100 anh em tử hình. Tuy vậy anh em vẫn tin vào ngày mai, dù mỗi người không biết mình bị chém vào ngày nào.

Anh em vẫn tổ chức học văn hóa, học chính trị, vẫn văn nghệ giải trí và tổ chức tập hợp để đấu tranh, giáo dục binh lính. Giám thị gác không dám làm gì để anh em phật lòng, chúng thường đổi giám thị, sợ để ở lâu, được ta tuyên truyền giáo dục, ủng hộ cách mạng.

Hôm đó, vào ngày 25/1/1961, lúc 5 giờ chiều, một tốp giám thị kéo lên đứng dọc hành lang với mấy mươi tên trật tự, chúng ra lệnh đổi phòng. Chúng kêu hết phòng tôi và một số phòng khác gồm 50 người đưa xuống biệt giam ở tầng trệt gọi là OB-OG. Mỗi phòng chúng cho ở 10 người. Trên đường đi, tôi hỏi bọn giám thị:

- Bữa nay mấy ông đem chém chúng tôi hả?

- Không, chỉ đổi phòng thôi.

- Thôi các ông đừng giấu nữa. Chúng tôi đã chuẩn bị tư thế lên máy chém rồi mà!

- Tôi không gạt các anh đâu, ngày mai các anh sẽ biết rõ sự thật.

Phòng cấm cố chật hẹp mà chúng nhốt 10 anh em, chúng tôi bàn bạc: Vì sao chúng đưa đến đây, gần khu vực máy chém? Có phải chúng đem chém?

Mà chém thì đâu có đông quá vậy! Hay là chúng đề phòng ta tổ chức lễ sinh nhật Bác Hồ. Bàn mãi, anh em mới có ý kiến, hay là ta xin nó cho vào phòng một thùng nước uống.

Nếu nó cho thì đúng là nó cho ở đây lâu dài, còn không cho là nó chỉ cho ở tạm rồi đem chém. Đòi mãi nó vẫn không cho, nên anh em kết luận là khuya nay nó sẽ đem chém, mà chém thì mỗi phòng chúng sẽ bắt đi một số, số khác còn lại, không thể chém hết một lúc.

Suốt đêm thức trắng tâm sự dặn dò, số nào được để lại về đời gặp tổ chức Đảng nói cái gì, với cha mẹ, vợ con nhắn cái gì. Bộ đồ bà ba đen còn mới trong túi được đem ra vuốt lại để mặc khi lên máy chém.

Nếu có bịt miệng không cho nói thì khi bước xuống xe ta nói trước, câu ngắn gọn là: “Hồ Chí Minh muôn năm”, “Đả đảo Đế quốc Mỹ và tay sai”. Nếu có điều kiện ta sẽ đọc 4 câu thơ.

Trời khuya dần, mọi người thấm mệt ngã xuống ngủ. Bỗng ngoài sân tiếng xe rồ máy, đổ xuống. Ở hành lang tiếng giày đinh rùm rụp pha lẫn tiếng rổn rảng của còng hướng vào phòng 1, ở cuối hành lang.

Chúng gọi tên Lục Sơn Nam ra, tôi hỏi chú Thành “ghẻ” ở chung với Nam trước đây:

- Nam y án chưa?

Thành trả lời:

- Nam chống án nhưng chúng đã bác đơn, nên y án rồi.

Tôi chắc chắn chúng đem chém, chúng kêu tên từng người và dắt đi. Chúng tôi đang chờ tới phiên mình. Tôi chụp bộ đồ bà ba để mặc trong tư thế chuẩn bị lên máy chém. Tất cả đều căng thẳng. Bọn giám thị dẫn anh em đi ra sân, sắp tới phòng tôi, bỗng cửa được mở, chúng hé cửa quăng vào 10 bộ đồ xanh của tù và bảo mỗi người mặc vào.

Ủa! Đem chém thì đâu có mặc đồ tù? Chỉ có đi đày chúng mới bắt mặc đồ xanh này. Bỗng cửa hé ra, một tên giám thị ló đầu vào nói khẽ: “Khỏe rồi, đày đi Côn Đảo”. Tôi nhìn kỹ là giám thị Pha mà tôi đã tranh thủ được nó ở khám Vĩnh Long. Đang căng, mọi người thở phì, thế là đến chiến trường mới rồi, thật hay không đây?

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)