Cờ mặt trận giữa đêm giao thừa

Cập nhật, 06:08, Thứ Hai, 03/02/2020 (GMT+7)

1-Thường thì qua ngày đưa ông Táo chừng vài hôm, là ông Sáu Ưng mình ên trên chiếc xuồng ba lá, dặm dài từ Đìa Thùng theo con nước lớn xuôi dòng bơi đến nhà tôi khi trời sắp chạng vạng. Thấy ông tới là tôi rầu thúi ruột. 

Tranh minh họa: Họa sĩ Trịnh Hữu Hòa
Tranh minh họa: Họa sĩ Trịnh Hữu Hòa

Là vì, thế nào ông Sáu với ba tôi cũng bày tiệc nhậu, từ lúc mặt trời vừa lặn cho đến gà gáy sáng mới tàn cuộc. Nói tiệc nhậu vậy chớ có thứ gì đâu, vài con cá lóc cầu cửng mà ông Sáu bắt cá cạn ngoài đồng đem nướng trui, với vài trái bần chua ông bơi xuồng dọc bờ sông hái mấy trái de xuống nước.

Nhậu thì nhậu, chỉ có điều đến khi hết rượu, là tôi phải đi mua thêm cách đó một đoạn đường dài tối om, trời gần tết làm gì có trăng. Giữa trời khuya vắng tênh, không bóng người, chỉ có gió lao xao, tiếng lá cây khua xào xạc như tiếng ai rên rỉ đến rợn người. Sợ ma đến quýu bước chân.

Có điều tôi rất thích nghe ông Sáu Ưng kể chuyện. Nào là những cây cột mốc trên sông Bạch Đằng đến nay vẫn còn, một kỳ tích chiến thắng giặc ngoại xâm của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, đến Quang Trung Nguyễn Huệ đánh quân Thanh tơi bời…

Rồi ông Sáu với ba tôi nói chuyện gì không biết, nói tới nói lui, quên luôn chuyện uống rượu. Tôi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn lo sợ, liệu có bị sai đi mua rượu giữa đêm khuya nữa hay không.

Trời sáng chưa tỏ mặt, ngoài sân sương trắng giăng mịt mờ, gió sớm mai lạnh ngắt. Ba kêu tôi thức dậy sửa soạn đi học và mang cây đèn “măng sông” (lampe à manchon) xuống xuồng cho ông Sáu mượn mang về đốt sáng đêm văn nghệ mừng giao thừa.

Loại đèn này độc đáo lắm, đổ dầu lửa vô bình, rồi bơm kiểu hơi nén, dầu phun lên đốt cháy cái măng sông sáng rực, hết hơi thì bơm tiếp.

Ông Sáu Ưng vỗ đầu tôi trìu mến: “Ông xin ba con rồi, ba mươi tết con vô nhà ông cho biết đón giao thừa trong vùng giải phóng, vui lắm. Ông còn nói thêm: Ba ngày tết đình chiến, hổng sao đâu”.

Tôi đứng trên bờ sông nhìn theo cái dáng còm cõi ngồi bơi xuồng của ông, sao thấy thương ông quá chừng. Nghe ba má tôi nói chuyện với nhau, ông Sáu là cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

2-Sáng ba mươi tết, má tôi dậy thật sớm, bà lấy bộ quần áo tết mà bà đã mua cách đây mới có vài hôm, âu yếm đưa cho tôi mặc tết. Tôi vừa mừng rỡ vừa nghẹn ngào, má đã chắt chiu dành dụm bằng cả mùa cắt lúa mướn mới mua được chiếc áo này.

Chưa kịp mặc đồ tết thì dưới bến sông, chú Mách, chú Lắc đã chèo tam bản từ Đìa Thùng ra rước tôi về vùng giải phóng đón giao thừa. Hai chú Mách- Lắc là anh em sinh đôi, giống nhau như hai giọt nước, là cháu kêu ông Sáu Ưng bằng cậu ruột.

Sau khi chào hỏi, chúc tết ba má tôi xong, chú Mách giục đi liền cho kịp con nước xuôi, nước nhữn ròng rồi. Dân vùng sông nước vậy đó, bà con đi đâu đều chọn thời khắc phù hợp với con nước ròng nước lớn, để xuôi dòng vừa nhanh vừa nhẹ tay chèo.

Chú Lắc trấn an ba má tôi: “Khát nước thì có sẵn quày dừa nạo để dưới tam bản rồi, còn đói bụng cũng đã thủ mấy đòn bánh tét, sáng mùng một tụi em đưa nó về.” Nhờ đi nước xuôi, nắng vừa lên ngang đầu ngọn cau, chú cháu chúng tôi đã về đến Đìa Thùng.

Lần đầu tiên về vùng giải phóng ăn tết, tôi thấy lòng mình náo nức thật vui. Tôi bồi hồi được chú Lắc dẫn đi dạo quanh xóm. Ôi thương quá, ruộng vườn tiêu điều, đầy dãy hố bom cày phá tan hoang, cây cối ngã đổ ngổn ngang vì bom đạn.

Chú Lắc nói: Nơi đây là vùng oanh kích tự do, hết máy bay bỏ bom đến “u bích” thụt bất cứ lúc nào. Bởi vậy, phải đào giao thông hào khắp nơi để ẩn núp máy bay với u bích. Tuy gian nguy là vậy, nhưng bà con nơi đây vẫn bám đất, giữ làng một bước cũng không rời.

Tôi để ý thấy nhà cửa tuy có xơ rơ xập xệ do không sửa sang, vì suốt ngày phải lo đối phó bom đạn, nhưng trên bàn thờ nhà nào cũng tươm tất, ấm cúng, hoa quả, nhang đèn nghi ngút. Tết đã bước vào nhà rồi. Có lẽ không khí sinh hoạt chuẩn bị văn nghệ đón giao thừa là nhộn nhịp vui vẻ nhất.

Trước một bãi đất trống, mọi người đang quây quần lót sân khấu bằng mấy tấm ván ngựa mượn của bà con chung quanh. Chú Mách là người chỉ huy nhóm anh chị em thanh niên trong xóm đến làm. Tôi cũng hứng thú xin chú Mách cho tôi được tham gia.

Trời sụp tối, đàn muỗi vo ve tấn công khắp nơi. Bầy côn trùng- những nghệ sĩ ruộng đồng- bắt đầu hòa tấu khúc nhạc đồng quê muôn thuở, cũng nhặt khoan rộn rã một góc trời.

Sân khấu được trang trí khá công phu và đẹp mắt. Phía trước hai góc là hai cây tre treo hai đèn măng sông sáng rực. Kế đó là hai cánh gà làm bằng tàu lá dừa đan với nhau rất khéo tay.

Chính giữa tấm vải phông sân khấu là lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, với nửa xanh nửa đỏ, chính giữa nổi bật ngôi sao vàng và ảnh Bác Hồ trang nghiêm mà nhân từ.

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cờ Mặt trận Giải phóng ngay trong đêm giao thừa, mà từ nào giờ tôi chỉ nghe nói. Chợt nghe lòng nôn nao một cảm giác khó quên.

Bà con xóm trên xóm dưới nô nức kéo đến nói cười vui vẻ. Còn dưới sông, nào là xuồng, tam bản chèo chống tới đậu đầy dưới bến sông ngồi chờ tới giờ xem văn nghệ. Những tiết mục văn nghệ tuy là cây nhà lá vườn, nhưng cũng hấp dẫn được tán thưởng bằng những tràng pháo tay thật xôm tụ.

Giữa không khí vui tươi của bà con vùng giải phóng chờ đợi thời khắc thiêng liêng của dân tộc: Giao thừa thì bất ngờ trong giây phút ấy, ba tiếng nổ liên tục vang xa từ hướng huyện Tam Bình. Mọi người nháo nhào: “U bích… u bich”.

Ông Sáu Ưng- người chủ trì buổi văn nghệ đêm nay- vội ôm tôi lăn xuống bờ sông. Liền sau đó, ba tiếng nổ rền trời xé màn đêm, cây cối ngã đổ ầm áo, hai cái đèn măng sông bể kiếng văng xa tắt phụp, sân khấu tối thui, người ta kinh hoàng la hét vang cả màn đêm.

Không còn nghe tiếng pháo nữa, mọi người đứng dậy đốt đuốc đi xem coi hậu quả xảy ra như thế nào. Tiếng gọi tên nhau xem ai còn ai mất, may quá mọi người vẫn bình yên.

Chợt bà Tám- má của hai chú Mách- Lắc- hốt hoảng kêu lên: “Ủa, còn thằng Lắc đâu… Lắc ơi, Lắc ơi…” Bà liền chạy vội ra bờ sông, nơi chú Lắc được phân công làm cảnh giới. Bà Tám gào lên thảm thiết: “Trời ơi… Lắc con ơi”. Rồi bà Tám ngã quỵ bên chú Lắc nằm chết bên bờ sông vì trúng miễn u bích.

3- Sau giây phút đau khổ tột cùng, bà Tám trở nên tỉnh táo lạ lùng. Bà trải chiếc chiếu trên tam bản, rồi nhờ mấy người quen khiêng xác chú Lắc xuống nằm trên chiếc chiếu. Bất kể nước ngược, bà chèo tam bản ngay trong đêm hướng về huyện Tam Bình.

Trời mờ sáng, bà Tám đã đến ngay dưới bến Dinh quận, kế bên là bến chợ. Buổi chợ tết mùng một tuy không đông như ngày ba mươi, nhưng cũng còn khá nhiều mấy chiếc ghe thương hồ còn nán lại vì chưa bán hết hàng hóa.

Chợt mọi người chưng hửng nhìn về phía có tiếng kêu thảm thiết đến xé lòng: “Quân độc ác, giết hại dân lành. Tại sao bây nói là ba ngày đình chiến mà ngay đêm giao thừa, bây thụt u bích giết hại dân lành. Bà con ơi lợi đây mà xem, quân độc ác nó giết con tui”.

Giọng bà Tám ráo hoảnh không một giọt nước mắt. Rồi bà cầm cây dầm xăm xăm bước lên ngay cửa dinh Quận, bà hét lớn: “Mạng đền mạng, bây có giỏi bắn tao đi”.

Tên lính gác hoảng hồn đóng cổng lại. Bà Tám chẳng chút sợ hãi, vác cây dầm đập cửa ầm ầm. Vừa đập vừa chửi đến khan cả tiếng. Bọn lính mang súng rầm rập chạy ra.

Tên Quận trưởng lấp ló phía sau bức tường như sợ bà Tám thấy mặt. Hắn khoác tay, bọn lính rút lui, tất cả im lặng không ai lên tiếng. Bà Tám đập cửa đến gãy cây dầm mấy khúc.

Mệt quá, bà ngồi bệt xuống đất, đòi tên Quận trưởng đền mạng con bà. Nắng đã lên cao, bà Tám chừng như kiệt sức, bà không còn la hét được nữa, chỉ ngồi ôm mặt khóc nức nở. Bà con đi chợ ai nấy cũng mủi lòng, mọi người quyên góp chút ít tiền cho bà Tám về lo chuyện hậu sự con trai.

Sợ vạ lây nên không ai dám đến gần bà Tám, chỉ khi người đại diện mang tiền đến cho bà mới nói nhỏ những lời thán phục: “Chỉ có những bà mẹ can trường mới dám tỏ thái độ kiên quyết với chúng nó như vậy. Chúng nó đã rút đầu rồi.

Thôi trời đã trưa, bà cất số tiền này về lo cho cậu ấy”. Bà Tám thất thểu xuống tam bản về Đìa Thùng, mếu máo cảm ơn mọi người.

Ngay sau khi nghe u bích nổ, ba tôi bất chấp hiểm nguy bơi xuồng vô Đìa Thùng rước tôi về. Nhìn bà Tám ủ rũ chèo tam bản chở chú Lắc về ngang.

Bà Tám lơi mái chèo, tôi vẫy tay vĩnh biệt chú Lắc mà nước mắt ràn rụa. Cũng chiếc tam bản này, hồi sáng nay chú Lắc chèo ra rước tôi. Giờ cũng trên chiếc tam bản này, chú vĩnh viễn ra đi.

Nguyễn Tường Lộc