Truyện ngắn

Bùa thiêng Bắc Đảo

Cập nhật, 12:03, Chủ Nhật, 11/11/2018 (GMT+7)

Cuối cùng phà cũng cập bến Thạnh Thới. Nỗi háo hức mong đợi từ lúc đặt chân lên phà cao tốc như vỡ òa trong tôi. Mau thật! Mới đó mà gần 20 năm rồi. Bây giờ cái gì cũng hiện đại.

Phà cao tốc từ Hà Tiên đi Phú Quốc chỉ hơn hai tiếng rưỡi. Chả bù cho trước đây muốn đi Phú Quốc phải đi tàu sắt ở Kiên Giang. Đi cả ngày mới tới cảng An Thới.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Tôi nhìn quanh. Cảnh vật không thay đổi mấy. Cũng rừng cũng biển. Kỷ niệm xưa bỗng ùa về. Chợt có tiếng kêu:

- An! An!

Tôi quay đầu tìm kiếm. Thằng Phong đưa tay ngoắt ngoắt. Thì ra nó đợi tôi nãy giờ. Tôi đội cái nón bảo hiểm rồi nhảy lên ngồi sau lưng nó. Cuộc hành trình tìm lại kỷ niệm xưa bắt đầu.

Tiếng thằng Phong hòa với tiếng gió lướt nhẹ bên tai tôi. “Mày còn nhớ cái bến tàu chỗ tụi mình vừa ra tới Bắc Đảo không? Bây giờ mở rộng thành bến phà Thạnh Thới đó…”

… Tôi nhìn dáo dác. Ký ức xưa hiện lên thật mơ hồ. Hình như con đường mòn nhỏ sát biển… Ghe, tàu ghé vào trao đổi, mua bán xăng dầu, cá mắm…

Một cậu bé độ chừng 14, 15 tuổi da sạm nắng, bắp tay cuồn cuộn ngồi trong góc ghi ghi chép chép. Chắc con bà chủ.

Chốc chốc cậu ta đứng lên bước xuống mấy chiếc tàu kiểm hàng. Bây giờ chắc cậu ta đã có vợ con và đang sống trong những căn nhà khang trang đâu đây.

Chiếc honda lao vun vút. Xe rẽ vào con đường đất đỏ. Tiếng thằng Phong vẫn đều đều: “Con đường này vào mùa mưa lầy lội khó đi lắm. Cũng may hổm rày nắng ráo. Mà mày nhớ con đường này không? Trước đây nó là con đường mòn. Hai bên cỏ mọc cao quá đầu người đó…”

*

* *

Trước mắt tôi hiện ra con đường mòn độc đạo dẫn vô làng chài xã Bãi Thơm. Xung quanh vắng vẻ. Cỏ hai bên ngút ngát quá đầu người. Thằng Tính quen đường gánh mấy túi đồ đi trước.

Thằng Phong và tôi đi sau. Lúc đó tôi thấy ba đứa tôi giống thầy trò Tam Tạng đi thỉnh kinh quá. Thằng Phong cùng suy nghĩ như tôi nên chốc chốc nó lại bắt tay làm loa gọi: “Sư phọ … Sư phọ …” rân trời. Lần đầu tiên tôi đến Bắc Đảo.

Vùng đất tận cùng của hòn đảo ngọc xinh đẹp này. Bắc Đảo nổi tiếng về vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí. Một bên là núi rừng xanh thẳm, còn một bên là biển cả mênh mông.

Đường đi Bắc Đảo lúc đó khó khăn nên đến được Bắc Đảo là cả một vấn đề. Những người sống ở Bắc Đảo mới biết đường chớ người thường khó mà tìm đến được. Đi khoảng ba bốn cây số mới tới được làng chài.

Làng chài chỉ vỏn vẹn khoảng trăm nóc gia mà đa số nhà ở đây cất theo kiểu nhà sàn tránh cát. Bãi biển thơ mộng với bờ cát trắng chạy dài làm tôi vô cùng hào hứng.

Chỉ có tôi là lần đầu đến Bắc Đảo, còn thằng Phong đã đi mấy lần. Thằng Tính thì khỏi nói, nó là giáo viên tình nguyện dạy học ở Bắc Đảo mấy năm rồi.

Tôi, thằng Phong, thằng Tính trước đây cùng ở chung một xóm, học chung một trường ở Phú Quốc. Ba đứa chơi thân từ nhỏ.

Rãnh là hú nhau lên đồi hái sim, đốt than, tắm biển hay ra dinh Cậu ngắm hoàng hôn. Cuối năm lớp 9, tôi và thằng Phong thi đậu vào lớp 10.

Thằng Tính không may rớt. Đầu năm học nhìn bạn bè tung tăng đến lớp, thằng Tính buồn lắm nên tình nguyện xin ra Bắc Đảo dạy học.

Dĩ nhiên nó không có trình độ cũng không có bằng cấp khó có chỗ nào nhận nó. Nhưng vì Bắc Đảo là địa bàn xa xôi không giáo viên nào chịu ra giảng dạy nên Phòng Giáo dục đồng ý cho nó đi.

Với lại dạy lớp 1 cũng không đòi hỏi chuyên môn cao nên xem như nó cũng thực hiện được ước muốn của mình.

Thằng Tính khăn gói quả mướp ra cái nơi mà lúc đó ai cũng nói là rừng thiêng nước độc, khỉ ho cò gáy… Gia đình nó dĩ nhiên không đồng ý nhưng vì nó hứa chỉ dạy khoảng hai ba năm rồi về nhà phụ gia đình.

Ba má nó sợ nó buồn vì thấy bạn bè ai cũng đến lớp, còn nó thì ở nhà nên đồng ý cho nó đi một vài năm. Vậy mà thoát cái đã 3 năm.

Tôi và thằng Phong tốt nghiệp lớp 12. Thằng Phong vào Vĩnh Long học ở Trường Xây dựng số 8, còn gia đình tôi thì chuyển hẳn vào Kiên Giang sinh sống.

Trước khi chia tay, tụi tui muốn lưu giữ chút kỷ niệm còn sót lại nên làm một chuyến đi Bắc Đảo. Mà theo lời úp mở của thằng Phong thì chuyến này nó đi với một nhiệm vụ quan trọng.

Nhiệm vụ mà gia đình thằng Tính tin tưởng giao cho nó là phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao thằng Tính bây giờ không chịu về phụ gia đình nữa. Nó nói sống chết gì cũng nhất quyết ở Bắc Đảo.

Nó sẽ gắn bó cuộc đời nó ở cái nơi xa xôi hẻo lánh này mặc cho ông bà cha mẹ khóc lên khóc xuống. Bắc Đảo có cái gì mà thu hút nó dữ vậy?! Không biết nó có phải lòng cô gái nào ở đây không. Chỉ nghe đồn “Bắc Đảo đi dễ khó về!”

… Bắc Đảo như bức tranh hoang sơ. Nhà thằng Tính nhỏ bé nằm sát bãi biển. Căn nhà chỉ độ 12m2 cất theo kiểu nhà sàn tránh cát. Vách bằng phên nứa lợp lưa thưa, sơ sài. Ban đêm có thể đếm sao trên trời.

Một tấm vách chia đôi căn nhà. Phần trước thì trống lổng trống lểu, phần sau kê một cái giường tre ọp ẹp. Trên giường có mấy quyển sách. Mấy cái nồi nằm lăn lóc ở gầm giường.

Thằng Tính vừa được nghỉ hè mới quay về thăm nhà thì bị thằng Phong lôi ngược trở ra Bắc Đảo với lý do làm hướng dẫn viên cho tụi tui. Có nó coi như có chỗ ăn ở.

Nó mua gạo với rau trong xóm. Cá thì đi xin. Ba thằng đực rựa bắt tay vào nấu nướng. Mâm cơm dọn ra cũng tươm tất. Nào canh chua, cá kho, cá chiên. Món nào cũng cá. Biển mà, đặc sản chỉ cá thôi. Ba thằng ăn ngon lành sau một ngày đường mệt mỏi!

Hoàng hôn xuống nhanh. Buổi chiều ở Bắc Đảo thật nhộn nhịp. Tất cả cư dân tập trung ra con suối để tắm giặt. Con suối nhỏ thật trong lành và mát dịu.

Con suối này là nơi cung cấp nước ngọt duy nhất cho xóm chài. Nấu ăn thì lên đầu nguồn, còn tắm giặt thì ở cuối nguồn.

Xóm có bao nhiêu người thì giờ này đã đủ mặt. Già có, trẻ có. Lớn có, nhỏ có thi nhau tạt nước cười đùa vang động núi rừng. Vậy đó mà chỉ vài giờ sau thì tất cả đã chìm vào tĩnh mịch. Màn đêm xuống dần, bầu trời đen đặc.

Nhìn ra xa. Mặt biển mênh mông. Rừng rậm cũng mênh mông. Mọi người đều rúc vào nhà nhường chỗ cho bóng tối. Khuất bên kia dãy nhà sàn có tiếng máy nổ xình xịch.

Thằng Tính rủ: “Đi uống cà phê đi!” Ở cái xứ heo hút này mà cũng có quán cà phê sao? Tụi tui ngạc nhiên. Để minh chứng, nó lặng lẽ mặc áo vào và dắt tụi tui đi.

Con đường nhỏ đầy cỏ lau tắt ngang đưa chúng tôi đến nơi phát ra tiếng máy. Đây là nơi duy nhất có ánh điện. Quán cà phê cũng khá đông.

Đặc biệt cái tivi chình ình giữa quán chiếu một bộ phim Hong Kong đang ăn khách. Thì ra cơn sốt phim Hong Kong cũng lan tới tận cái xứ Bắc Đảo xa xôi này.

Chúng tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê theo dõi bộ phim. Nhưng thật ra là theo dõi những người xung quanh. Biết tôi là người lạ nhưng đi với “thầy Tính” nên họ cũng vui vẻ gật đầu chào.

Trời về khuya gió đuổi bắt nhau, khua động hàng dừa nghe xào xạc. Ba đứa nằm trong nhà ngắm… sao trên trời.

Mà có một điều thật lạ đến giờ tôi vẫn không hiểu là bên ngoài gió thổi ào ạt vậy mà bên trong căn nhà nhỏ, vách lá mỏng manh không khí dường như ngưng đọng, không gió.

Cả đến tiếng muỗi cũng im ắng. Tụi tôi cứ phơi mình trần nằm trên ván nghe hơi nước từ phía biển đưa lên mát rười rượi. Giấc ngủ chập chờn nhưng không thằng nào ngủ được. Chợt thằng Tính lên tiếng:

- Ê! Thằng nào kể chuyện tiếu lâm nghe chơi”

Thằng Phong nhỏm dậy:

- Được đó. Lạ chỗ, tao khó ngủ quá! Để tao kể chuyện này cho tụi bây nghe. Có ông già dưới quê lên thành phố thăm con.

Đi ngang thấy một cái tiệm để hàng chữ bự chảng “Hùng- giặt là tẩy hấp”. Ổng đứng khựng lại rồi quay qua nói với thằng con: “Cái tiệm bự vầy mà viết trật lất. Giặt là giặt, tẩy hấp là tẩy hấp.

Tự nhiên cái giặt là tẩy hấp”. Thằng con ôm bụng cười quá trời. Sau đó nó mới giải thích ở miền Bắc không dùng từ “ủi quần áo” mà nói “là quần áo”.

Nên “Giặt là tẩy hấp” tức là “Giặt ủi tẩy hấp” đó. Nghe giải thích xong ông già gật gù ra vẻ am hiểu nhưng miệng vẫn lẩm bẩm: “Giặt là giặt, tẩy hấp là tẩy hấp. Sao giặt mà là tẩy hấp được!”

Thằng Tính tiếp theo:

- Cũng có ông già ở tuốt dưới quê lên thành phố. Ổng vào quán kêu nước uống. Cô chủ đem ra cái bảng giá. Ổng thấy chanh muối là món rẻ nhất nên ổng kêu ly chanh muối.

Cô chủ quán bưng ra. Ổng tò mò nhìn. Chanh tươi thì ổng biết còn chanh muối sao nào giờ ổng hổng biết. Ổng quậy quậy lên rồi vớt miếng chanh bỏ vào miệng.

Vừa chẹp chẹp được mấy cái, ổng phun ra cái phẹt. Miệng la om sòm: “Chủ quán đâu ra đây coi. Bộ khi dễ tui nhà quê tưởng hỏng biết gì rồi đem đồ thiu đồ thúi bán cho tui hả?”

Cô chủ quán hớt hãi chạy ra. Ổng chỉ vô ly nước nói: “Cái này mà là chanh muối gì, chanh thúi thì có. Ở quê tui nó rụng đầy vườn không ai ăn, tưởng tui già tui hổng biết gì rồi gạt tui hả?” Mọi người trong quán được một phen cười lộn ruột.

Chuyện tào lao vậy mà lại làm cho ba đứa thư giãn và đi vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới!

GAN THỊ PHƯƠNG ÁNH