Nuôi dưỡng tình yêu với sách

Cập nhật, 06:03, Thứ Bảy, 10/11/2018 (GMT+7)

Hội thi “Thiếu nhi kể chuyện theo sách” vừa qua đã làm sống lại những câu chuyện trong sách được thể hiện trên sân khấu bằng ngôn ngữ kể chuyện, diễn kịch, tranh ảnh minh họa, hát múa.

Đó là cách để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, cho các em sân chơi thú vị, dạy các em sự tự tin trước đám đông,… và hơn hết là nuôi dưỡng tình yêu với sách.

Hoạt cảnh câu chuyện “Võ Thị Sáu”.
Hoạt cảnh câu chuyện “Võ Thị Sáu”.

Nuôi dưỡng thói quen đọc sách

Hình ảnh minh họa, mô hình, hoạt cảnh… ngộ nghĩnh, sinh động. Lối kể chuyện trong sáng, hồn nhiên, ông Bụt, bà Tiên, người nông dân chất phác,… như đáng yêu hơn khi bước ra từ những câu chuyện kể của các bé.

Các em mạnh dạn, tự tin, hòa mình vào những câu chuyện kể truyền tải thông điệp giàu tính giáo dục và giá trị nhân văn sâu sắc.

Tình yêu quê hương, đất nước, niềm kính yêu Bác Hồ, lòng biết ơn ông bà, cha mẹ, thầy cô, đạo lý làm người,… nhẹ nhàng được gửi gắm qua từng câu chuyện, từng chi tiết nhỏ. “Bác Hồ giữa trái tim trẻ thơ”, “Sự tích cây vú sữa”, “Cô bé bán diêm”… được các bé kể hồn nhiên mà cảm xúc.

Vui vẻ vì được chọn là đại diện của huyện Tam Bình, lại là người “mở màn” phần thi nhưng bé Nguyễn Thị Kim Ngân (lớp 5/1, Trường Tiểu học Mỹ Lộc) “hổng thấy run”.

Kim Ngân giải thích: “Vì con rất thích câu chuyện “Sự tích cây vú sữa”, con đọc đi đọc lại nhiều lắm rồi”. Kim Ngân nói: “Nhà con ở vùng sâu, con rất thích đọc sách nhưng hổng có điều kiện đi mua sách. Mỗi lần được anh chị mua cho truyện tranh là con vui cả ngày luôn”.

Cô Nguyễn Thị Dung- giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Lộc- cho biết, ở thư viện trường, các bé sẽ được đọc sách theo từng kênh màu.

Thầy cô giáo sẽ phân loại sách phù hợp với từng độ tuổi tương ứng với một màu sắc nào đó và các em chỉ việc chọn màu được đánh dấu ở sách để đọc thôi.

“Từ những lợi ích của việc đọc sách như: phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, hình thành và bồi dưỡng nhân cách,… chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận tiện nhất để khuyến khích các bé tiếp xúc sách từ bé và hình thành thói quen đọc sách”- cô nói.

Ngồi nhìn con gái tham gia hội thi, chị Nguyễn Thị Hồng Ánh (xã Mỹ Phước- Mang Thít) cho biết: “Thấy con ham đọc sách từ khi mới bập bõm biết chữ, nên tôi cũng khuyến khích bé. Giờ bé rất thích đọc sách, nhờ vậy mà viết văn hay hơn và không sai chính tả”.

Vừa mới xong tiết mục của mình, bé Nguyễn Ngọc Bảo Trâm đã chạy về bên mẹ Hồng Ánh. Trâm khoe: “Mỗi tuần con đọc từ 2- 3 cuốn truyện”.

Rèn luyện “chồi non”

Những câu chuyện trở nên sinh động hơn vì không chỉ diễn kịch mà còn có những bài hát, múa minh họa. Nhiều em đã khiến khán giả vỡ òa bởi cách trình diễn và giọng hát như ca sĩ.

Kết thúc câu chuyện “Sự tích cây vú sữa” với giọng hát cao vút và truyền cảm, bé Phạm Anh Đức (lớp 4, Trường Tiểu học thị trấn Cái Nhum) khiến cả hội trường im ắng để cùng em “Gặp mẹ trong mơ”.

Đức không chỉ hát hay mà cặp mắt còn rưng rưng theo lời hát “Mẹ giờ này ở chốn nao, con đang mong nhớ về mẹ…” . Vì sao “ca sĩ” nhí này lại có thể vừa hát hay vừa diễn đạt như vậy?

Đức xuống sân khấu, nở nụ cười thật tươi khoe má lúm đồng tiền. Lên sân khấu, Đức không run, không rụt rè vì mới 5 tuổi đã được trình diễn trên sân khấu.

Đưa tay dụi mắt, Đức nói: “Con có 4 năm kinh nghiệm đi hát rồi”. Sau vài câu trao đổi, mắt Anh Đức lại rưng rưng: “Con lớn lên cùng ba và bà nội, từ 1 tuổi mẹ đã bỏ con đi, con cũng không biết mẹ con như thế nào”.

Cô bé xinh xắn Dương Kim Hoàng Oanh, mới học lớp 2 (xã Hòa Tịnh- Mang Thít) đã làm mọi người ngạc nhiên về trí thông minh cũng như sự tự tin trên sân khấu.

Hoàng Oanh cười hi hi: “Con học thuộc truyện sau 2 buổi học”. Hoàng Oanh được các cô hướng dẫn cách kể chuyện rồi cùng tham gia cuộc thi. Bé Oanh lúng liếng cười: “Con đọc sách từ lớp 1 tới giờ”.

Thiết nghĩ, đây là một sân chơi thú vị cần được nhân rộng hoặc lồng ghép khéo léo trong từng tiết lên lớp, để trẻ yêu hơn những câu chuyện kể, hình thành thói quen đọc sách ngay từ nhỏ và rèn luyện những kỹ năng mềm. Những câu chuyện lịch sử, đạo đức lối sống trở nên gần gũi hơn.

Hơn thế nữa, lựa chọn những câu chuyện, những trang sách phù hợp, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, ý thức trách nhiệm và tình yêu quê hương trong các em dần được nhen nhóm, lan tỏa và giữ gìn.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với Sở GD- ĐT tổ chức hội thi “Thiếu nhi kể chuyện theo sách” tỉnh Vĩnh Long năm 2018. Với chủ đề “Bé và những trang sách”, các em thiếu nhi khối tiểu học đến từ 8 huyện- thị- thành trong tỉnh sân khấu hóa cho câu chuyện mình kể và thể hiện 1 trong các tiết mục hát, múa, đàn, tiểu phẩm,… cho phần thi năng khiếu. Kết quả, giải nhất thuộc về đơn vị TX Bình Minh, huyện Mang Thít đạt giải nhì, huyện Trà Ôn và huyện Long Hồ đồng giải ba.

Bài, ảnh: HUYỀN THÚY