Phòng cháy hơn chữa cháy

Cập nhật, 05:46, Thứ Sáu, 09/04/2021 (GMT+7)

(VLO) Từ đầu năm đến nay, liên tiếp những vụ cháy thương tâm xảy ra trong khu vực dân cư, đặt ra thách thức về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại khu dân cư, hẻm nhỏ, nhất là trong mùa nắng nóng.

Qua phân tích cho thấy, các vụ cháy thường xảy ra vào đêm, lúc mọi người không chú ý nên khi hỏa hoạn thì không biết hoặc cháy lớn mới biết. Lúc đó, người trong nhà không bình tĩnh, hoảng loạn. Thêm nữa, các gia đình thường chỉ có 1 cửa ra vào, đêm thì lại khóa nhiều lớp cửa.

Theo thống kê, năm 2020, số vụ cháy ở khu vực nhà dân chiếm 40% tổng số vụ cháy trong năm. Nhiều vụ cháy gây thiệt hại về người đều do người dân bị mắc kẹt mà không thể thoát nạn.

Xảy ra trong những con hẻm, ngõ nhỏ. Mà nguyên nhân là do thiếu lối thoát hiểm trong những ngôi nhà ống, lực lượng cứu hỏa, cứu hộ lại rất khó tiếp cận, đặc biệt là những công trình trong ngõ hẻm.

Chính vì thế, tại các đô thị, vấn đề thoát hiểm trong nhà ống rất cần được quan tâm từ góc độ kiến trúc, là làm sao có thể dễ dàng thoát hiểm khi sự cố xảy ra.

Trong khi đó, điều quan trọng nhất là ý thức cảnh giác hỏa hoạn, cẩn trọng trong các hoạt động sinh hoạt liên quan đến lửa như nấu nướng, thắp nhang, đốt vàng mã, hút thuốc… Tại các khu dân cư, hẻm nhỏ nên chăng cần xây dựng một kịch bản thoát hiểm để đảm bảo tính mạng con người?

Nghị định 136 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy đã có nhiều điều chỉnh nhằm tăng cường công tác PCCC, đặc biệt là nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở cấp xã- phường.

Theo đó, người đứng đầu cấp xã- phường có trách nhiệm phụ trách việc PCCC và sẽ được toàn quyền huy động mọi lực lượng, hệ thống để tham gia vào việc PCCC.

Thường xuyên đến từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền để người người, nhà nhà cùng ý thức phòng cháy và ứng phó chữa cháy linh hoạt, kịp thời cũng là việc rất cần làm.

AN HƯƠNG