Một nhiệm kỳ thành công của Quốc hội

Cập nhật, 06:02, Thứ Ba, 30/03/2021 (GMT+7)

Thời điểm này, Quốc hội khóa XIV đang tổ chức kỳ họp thứ 11 và cũng là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ 2016- 2021.

Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã thành công với những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước.

Ghi nhận những thành công của Quốc hội nhiệm kỳ này, nhiều đại biểu cho rằng, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã có những đổi mới khi quan tâm, lắng nghe và luôn bám sát nguyện vọng của cử tri; chú trọng nghiên cứu tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua đó chắt lọc, trao đổi, truyền tải đầy đủ tại nghị trường.

Bên cạnh đó, Quốc hội thể hiện sự dân chủ trong hoạt động, nó được thể hiện rõ nét qua hoạt động điều hành của Quốc hội, sự thảo luận thẳng thắn, khách quan của các đại biểu tại nghị trường.

Cụ thể, mỗi một vấn đề quan trọng đều được đưa ra xin ý kiến hoặc biểu quyết những nội dung chính của các dự án luật, sau đó mới tiến hành biểu quyết tổng thể. Cách làm việc như vậy giúp Quốc hội lắng nghe được nhiều ý kiến, kể cả ý kiến nhiều chiều, từ đó đưa ra các quyết định chính xác, hiệu quả.

Song song đó, Quốc hội đã khẳng định vai trò của mình khi quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước có tác động lớn đến đời sống kinh tế- xã hội: Nghị quyết phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030; Nghị quyết về chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xây dựng cao tốc trên tuyến Bắc- Nam....

Từ cách làm trên giúp cho hoạt động lập pháp, nhiệm kỳ khóa XIV được hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Với 72 luật và nhiều pháp lệnh, nghị quyết được thông qua đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc tạo tiền đề cho việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhà nước, cũng như phát triển kinh tế- xã hội.

Trong lĩnh vực giám sát, Quốc hội đã lựa chọn những vấn đề bức xúc nhất trong đời sống xã hội để chọn chuyên đề giám sát tối cao. Các chuyên đề giám sát đều phản ánh những bức xúc của đời sống xã hội, được nhân dân quan tâm, đánh giá cao.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu mong muốn trong nhiệm kỳ tiếp theo, Quốc hội cần quan tâm thêm vấn đề “hậu” để tương xứng với vai trò, ý nghĩa của hoạt động này.

Bởi lẽ, hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát không được cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát thực hiện triệt để, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chỉ thực hiện mang tính hình thức dẫn đến các vấn đề nổi lên về kinh tế- xã hội chậm được khắc phục. Thực tế này đã và đang làm giảm hiệu quả của hoạt động giám sát, gây lãng phí nguồn lực.

AN NHIÊN