Mong vòng đời luật không còn ngắn

Cập nhật, 06:12, Thứ Ba, 06/04/2021 (GMT+7)

(VLO) Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV được đánh giá là thành công trên mọi phương diện, trong đó, hoạt động lập pháp- 1 trong 3 chức năng quan trọng của Quốc hội- đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng nhằm đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống.

Khi thực hiện quyền lập pháp, Quốc hội chú trọng việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng chức năng quan trọng này của Quốc hội thời gian qua dường như còn thụ động và có những hạn chế nhất định.

Trước tiên là chất lượng của công tác xây dựng pháp luật, đại biểu cho rằng, vẫn còn một số luật có vòng đời, hiệu lực rất ngắn, cụ thể trong nhiệm kỳ này, Quốc hội phải sửa rất nhiều luật của nhiệm kỳ trước.

Điều này chứng tỏ chất lượng của một số dự án luật chưa đạt yêu cầu trong quá trình xây dựng. Hạn chế này xuất phát từ nguyên nhân mà theo các đại biểu là cơ cấu, thành phần trong các tổ xây dựng đề án luật chưa thật sự đầy đủ và đảm bảo những chuyên gia, những nhà hoạt động thực tiễn trong quá trình xây dựng luật.

Một vấn đề nữa mà đại biểu quan tâm là vẫn còn những dự án luật khi được ban hành phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn.

Thực tế, có những đạo luật trình Quốc hội cho ý kiến còn giao cho các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; có những điều luật hướng dẫn còn chung chung, không xác định rõ giới hạn và phạm vi cụ thể, thậm chí có những nội dung còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa các dự luật và các văn bản dưới luật.

Theo đại biểu, trong năm 2000, Quốc hội thông qua một số luật, đặc biệt là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Đối tác công tư nhưng bây giờ vẫn chờ nghị định. Như vậy, vấn đề đặt ra, trong quá trình áp dụng pháp luật thì chúng ta sẽ áp dụng như thế nào?

Thực tế có nhiều vấn đề thì lại áp dụng là thông tư chứ không áp dụng luật, khi phát hiện thông tư đó có điểm chưa đúng, chưa sát với thực tế, chưa đạt được yêu cầu, chính bản thân đại biểu cũng đã yêu cầu các bộ, ngành phải nghiên cứu xem lại thông tư đó.

Từ thực tế trên, đại biểu kiến nghị, Quốc hội cần có giải pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng luật, cần xây dựng luật để khi ra đời là được áp dụng ngay khi có hiệu lực, chứ không cần phải chờ sự hướng dẫn, điều này làm cho luật chậm đi vào cuộc sống và gây khó khăn cho việc thực thi pháp luật.

AN NHIÊN