"Bớt chỉ đạo, tăng kiến tạo"

Cập nhật, 07:36, Thứ Năm, 28/02/2019 (GMT+7)

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mấy ngày qua, thương lái có xuất hiện đó đây trên đồng. Giá lúa có tăng nhẹ nhưng vẫn còn thấp trên dưới 1.000 đ/kg so với vụ Đông Xuân năm trước, thấp hơn 400- 500 đ/kg so thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Lý giải tình trạng trên, nhiều người cho rằng do thị trường xuất khẩu gạo gặp khó, thời điểm đầu năm chưa có nhiều đơn hàng xuất khẩu, trong khi nhiều nông dân muốn bán lúa để có tiền chi tiêu.

Song, cần nhìn nhận những yếu kém trong việc kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Những mô hình tốt như cánh đồng lớn, ứng dụng giống mới, cải tiến kỹ thuật, tổ chức sản xuất làm tăng năng suất lúa chỉ mới cho thấy giá trị gia tăng của công đoạn làm ra hạt lúa ngoài đồng.

Tại hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL được tổ chức tại Đồng Tháp ngày 26/2, nhiều lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL và giới doanh nghiệp rất đồng tình với ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan: “Thủ tướng Chính phủ vừa có những chỉ đạo các bộ, ngành liên quan gấp rút hành động để xử lý một tình huống “chẳng đặng đừng”, đó là giải cứu lúa gạo, giải cứu nông dân. Tuy nhiên, tôi đề nghị chúng ta thoát khỏi “tư duy mùa vụ và thương vụ” để kiến tạo một chiến lược dài hạn hơn cho một ngành hàng có thể không đóng góp nhiều cho giá trị xuất khẩu nhưng là sinh kế của hàng chục triệu nông dân đồng bằng!”

TS. Trần Hữu Hiệp vừa có bài viết trên báo xin trích đăng thay lời kết câu chuyện hôm nay: “... Vấn đề quan trọng hơn “giải cứu” lúa gạo là phải hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, thực chất… Tư duy làm chính sách và thực thi chính sách cho ngành lúa gạo trước yêu cầu mới cần được đổi mới mang tính chủ động, dựa vào thế mạnh, tiếp cận theo chuỗi giá trị sản phẩm hơn là việc đối phó tình thế. Hạt gạo từ “đồng vàng, ruộng nhà tôi” ra “chợ lớn” của thị trường, không chỉ dựa vào “nước, phân, cần, giống” mà đang chịu sự tác động mạnh mẽ của các quy luật kinh tế thị trường và cơ chế, chính sách nên đòi hỏi Nhà nước bớt chỉ đạo, tăng kiến tạo”.

HOÀNG HÀ