Văn hóa

Cập nhật, 06:37, Thứ Sáu, 22/02/2019 (GMT+7)

Hiện nay, chúng ta thường nghe từ “văn hóa” được đề cập nhiều. Nào là văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, văn hóa lao động, văn hóa ẩm thực, văn hóa cộng đồng, văn hóa gia đình,… Văn hóa luôn có mặt trong mọi lĩnh vực và hoạt động của xã hội.

Hội nhập thế giới là con đường để đất nước đi lên. Hội nhập đang đưa tới các cơ hội đồng thời cũng đặt chúng ta trước nhiều thách thức và đã, đang phát lộ nhiều diễn biến phức tạp cả về kinh tế, chính trị, văn hóa mà bản thân mỗi chúng ta nếu không biết “gạn đục khơi trong” thì sẽ dễ bị “xâm lấn” hay “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”.

Vì vậy, trên con đường hội nhập, chúng ta không thể thiếu sự chủ động đối phó với sự xâm lăng văn hóa; không thể thiếu chắt lọc trong tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; không thể thiếu nâng niu, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc vì nó có thể làm lạc hướng, làm hao tổn nội lực, làm phai nhạt và thậm chí đánh mất cả những gì đã có.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) nhấn mạnh: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; là mục tiêu, là động lực phát triển kinh tế- xã hội. Văn hóa có khả năng khơi dậy, nhân lên mọi tiềm năng, sức sáng tạo của con người, tạo ra nguồn lực nội sinh quyết định sự phát triển của đời sống xã hội.

Cho nên, từng người, từng gia đình, từng khu phố, từng xóm ấp làm thế nào để phát huy tối đa sức mạnh của văn hóa, làm cho các nhân tố, các giá trị văn hóa gắn kết chặt chẽ, thấm sâu vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Đó cũng là góp phần xây dựng con người Việt Nam toàn diện, hướng đến chân- thiện- mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học.

Văn hóa là một mặt trận. Việc xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài!

HOÀNG HÀ