Khẩu vị Việt

Cập nhật, 05:06, Thứ Tư, 09/12/2015 (GMT+7)

Chuyện áp lực ngành chăn nuôi sau khi nước ta thực hiện các hiệp định thương mại tự do được ký kết gần đây được đề cập rất nhiều.

Tựu trung đều có chung nhận định bức tranh chăn nuôi nước ta khá bi quan. Lý do chung nhất là sự gia tăng cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu đẩy ngành chăn nuôi vào cuộc chiến sống còn. Bởi khi thương mại tự do sẽ khiến các hàng rào thuế quan bị bãi bỏ hoặc giảm xuống, dẫn tới hiện tượng hàng Việt Nam xâm nhập thị trường nước ngoài thì khó khăn, trong khi hàng ngoại thì ồ ạt vào thị trường trong nước, bởi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ trong khi hàng rào phi thuế quan của chúng ta gần như chưa có.

Mặt khác, lợi thế nhờ quy mô trong chăn nuôi thì Việt Nam cũng không có, bởi đất đai manh mún, nguồn lực bị phân tán, năng suất lao động rất thấp. Do đó, chúng ta không thể cạnh tranh được với các nước có nền nông nghiệp phát triển hàng trăm năm, luôn bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Trước sức ép hội nhập, cần phải tính toán khoa học xem ngành chăn nuôi trong nước có lợi thế ở chỗ nào, yếu chỗ nào; chúng ta nên ưu tiên phát triển phân ngành nào, những ngành hàng nào chấp nhận nhường sân cho sản phẩm nước ngoài. Từ đó mới có đủ lực để phát huy tối đa mặt hàng chăn nuôi thế mạnh…

Ý kiến riêng của một chuyên gia ẩm thực rất đang suy nghĩ: Đó là hướng mạnh vào khẩu vị ẩm thực của người Việt Nam. Đa số người Việt Nam còn giữ thói quen sử dụng thịt tươi sống, đặc biệt là các loại thịt gia súc, gia cầm, giết mổ và sử dụng luôn thay vì các sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu.

Cùng với đó, người tiêu dùng trong nước ngày càng thích các sản phẩm đặc sản của các địa phương như gà thả vườn, gà đi bộ, gà đồi,… Họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để sử dụng các sản phẩm đặc sản thay vì các sản phẩm cùng loại thông thường. Muốn giành lợi thế, trước nhất chúng ta không để “thua trên sân nhà”!

HOÀNG HÀ