Thiên thu tuyệt diệu từ

Cập nhật, 06:53, Chủ Nhật, 06/12/2015 (GMT+7)

Đấy chính là “lời ngưỡng mộ” của GS Phong Lê- Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam đối với “Truyện Kiều”- tác phẩm vượt không gian và thời gian của Đại thi hào Nguyễn Du.

Thơ Nguyễn Du với 250 bài thơ chữ Hán và chữ Nôm đã ghi lại “những điều trông thấy”, chuyển tải hiện thực “trăm năm trong cõi người ta” đậm chất nhân văn với những suy nghĩ đi trước thời đại, vượt lên xã hội phong kiến. Đại thi hào Nguyễn Du- nhà tư tưởng lớn!

Đỉnh cao “Truyện Kiều” là viên ngọc lóng lánh, rực rỡ trong nền văn học Việt Nam. Không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc và tư duy nghệ thuật vượt tầm thời đại; theo GS Phong Lê, Truyện Kiều còn là sự kết nối và đưa lên đỉnh cao tuyệt vời vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt: “Một tiếng Việt đến từ các truyền thuyết giữ nước và dựng nước của cha ông, nhờ đó mà lưu giữ được cho muôn đời sau truyện con Rồng cháu Tiên, Thánh Gióng, Sơn Tinh- Thủy Tinh, các vua Hùng, nó là biểu trưng và kết tinh cho sự chống chọi với âm mưu xâm lược và đồng hóa của phương Bắc trong hàng nghìn năm”.

Một tiếng Việt rất bác học và rất dân gian, rất cổ điển và rất hiện đại trong 3.254 câu thơ Kiều, xứng danh là “thiên thu tuyệt diệu từ”, là khúc “Nam âm tuyệt xướng”.

Truyện Kiều đã theo hồn dân tộc qua những chặng đường lịch sử. Cách đây 50 năm, khi đất nước còn lửa đạn chiến tranh, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết bài thơ “Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ”: “Đất nước mình nghèo lắm, hỡi em yêu/ Cho đến giọt lệ cha ông cũng còn có ích với ta nhiều.../ Dẫu súng đạn nặng đường ra hỏa tuyến / Đi đường dài, em giữ Truyện Kiều theo”.

Và còn nhớ, hơn 10 năm trước, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã lẩy Kiều: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân” trước khi có những lời phát biểu trang trọng: “Những ký ức băng giá về quá khứ bắt đầu tan.

Những phác thảo của một tương lai ấm áp chung đã bắt đầu hình thành...”. Mới đây nhất, trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã lẩy 2 câu Kiều: “Trời còn có buổi hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” để nói về quan hệ Việt- Mỹ hiện nay.

Những câu Kiều đằm thấm đã đi vào mọi nẻo đời sống của nhân gian. Từ người già tới trẻ nhỏ đều yêu mến và thuộc lòng câu lục bát…

Xin nghiêng mình tưởng nhớ một đời thơ!

* Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du

PHƯƠNG NAM