Câu chuyện không... sạch!

Cập nhật, 05:58, Thứ Sáu, 27/11/2015 (GMT+7)

Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 200/TTg về xóa bỏ cầu tiêu trên sông, hồ ở ĐBSCL, hàng loạt “cầu tỏm” trên sông, hồ được dẹp bỏ. Nhưng rồi sau đó nó âm thầm tái xuất.

Một lần người viết đến nhà một nông dân sản xuất giỏi. Nhà cửa khang trang, tiện nghi nội thất thiết yếu đều có. Nước máy vào đến nhà, nhà tắm, nhà vệ sinh có đủ. Phía trước, sân kiểng khá đẹp, khuất phía sau nhà, cạnh liếp dừa trồng xen ca cao là cây “cầu tỏm” mà phía dưới là bầy cá vồ đã quá ký.

Hỏi gia chủ sao có “cầu tiêu máy” lại có thêm cầu tỏm? Gia chủ cười hiền, cầu tiêu máy chỉ để giải quyết cớ sự lúc đêm hôm, còn ban ngày ra ngoài ngồi vừa mát mẻ, thoải mái vừa tận dụng cho bầy cá vồ “truyền thống” làm mồi nhậu. Nói nhỏ, thỉnh thoảng mấy ông chính quyền còn xin vài con “cá vồ nuôi truyền thống” tiếp khách.

Thế mới biết, việc xóa cầu tỏm là khó, bởi không riêng gì lý do người nghèo không có điều kiện. Có nông dân còn vận dụng thành ngữ “nhất quận công, nhì ỉa đồng” để nói lên phần nào thực trạng đó.

Qua tuyên truyền giải thích, nhiều người đã “gớm” loại cá nuôi với hình thức cầu tỏm, nhưng vẫn còn người thích ăn “cá vồ nuôi truyền thống” hơn là “cá tra nuôi công nghiệp”. Thêm vào đó, lối làm theo phong trào, hình thức đã làm cuộc vận động thành chiến dịch xóa cầu cá đơn thuần. Khi mối quan hệ giữa xây và chống chưa được giải quyết triệt để thì sau đó cầu cá lại âm thầm mọc lên là đương nhiên.

Tháng 7/2013, Liên Hợp Quốc đã đồng ý chọn ngày 19/11 hàng năm làm “Ngày Toilet thế giới” sau khi tổ chức này thông qua nghị quyết “Sanitation for All” (Vệ sinh cho tất cả mọi người) của Singapore. Sáng kiến được sự ủng hộ của 120 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Kỷ niệm 2 năm “ngày toilet” xin kể “câu chuyện không... sạch!”

HOÀNG HÀ