Già trước khi giàu!

Cập nhật, 07:35, Thứ Năm, 03/12/2015 (GMT+7)

Sáng hôm qua, tại TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức đối thoại về chính sách y tế người cao tuổi.

Tại đây, các chuyên gia trong nước và các tổ chức quốc tế đều chỉ rõ, Việt Nam là 1 trong 10 nước có tỷ lệ già hóa nhanh nhất thế giới. Việt Nam sẽ là quốc gia siêu già vào năm 2050, với hơn 32 triệu người cao tuổi, chiếm 31% tổng dân số.

Tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam tăng nhanh và liên tục, nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn 6 năm so với dự báo (2017).

Tỷ lệ người già tăng rất nhanh nhưng khả năng đáp ứng của hệ thống y tế và hệ thống an sinh xã hội chưa theo kịp. Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, dân số Việt Nam “già trước khi giàu” vì chi phí y tế sẽ tăng ít nhất 3 lần trong năm 2030.

Già hóa dân số là vấn đề chung của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, dân số già hiện hầu hết chỉ xuất hiện ở các quốc gia phát triển, có thu nhập bình quân đầu người cao như Nhật Bản, các nước Tây, Bắc Âu… Còn Việt Nam chỉ là nước thu nhập trung bình thấp, và ngay cả ở “thời điểm già” thì chúng ta vẫn thuộc nhóm thu nhập trung bình.

Ví như một đời người, thời điểm dân số già là lúc phải xài tiền để dành trong thời gian còn trẻ. Một quốc gia cũng vậy, nếu chúng ta chưa tạo dựng được một nền kinh tế đủ mạnh thì gánh nặng an sinh xã hội cũng như nguy cơ tụt hậu là rất lớn.

Với những người có thẩm quyền, cần cân nhắc và trân trọng từng đồng tiền ngân sách cũng như nợ vay, vì khoản nợ ấy sẽ dồn lên vai một cộng đồng dân số đã già, chưa chắc nuôi nổi bản thân, huống hồ là trả nợ.

Một bộ phận thế hệ trẻ, tranh thủ từng phút, từng giờ để học hỏi, phấn đấu, làm việc để có “của để dành”. Nếu cứ lãng phí tuổi xuân, chúng ta, đất nước chúng ta sẽ già trước khi kịp giàu.

HOÀNG HÀ