Kết nối phố

Đô thị vẫn cần sông nước?

Cập nhật, 13:57, Thứ Tư, 06/11/2019 (GMT+7)

Không phải ngẫu nhiên trong các quy hoạch đô thị (ĐT) mới nhất hiện nay thường xuất hiện các cụm từ như: giữ gìn- khôi phục- hồi sinh bản sắc sông nước. Bởi lẽ, chính lịch sử hình thành nương vào sông nước, với nhiều hoạt động diễn ra cùng con nước lớn- ròng, là văn hóa cội nguồn của các ĐT cho đến nay.

Thế nhưng, cùng với yêu cầu của sự phát triển giao thương và xu hướng bê tông hóa lan rộng, hàng chục năm qua, nhiều sông rạch đã bị san lấp để xây cất công trình nhà cửa, đường sá… Những năm gần đây, nhiều ĐT dần nhận ra sai lầm từ việc san lấp sông rạch nên cố gắng phục hồi, mở rộng.

Theo Viện Quy hoạch ĐT và nông thôn quốc gia, căn cứ vào các tiêu chí để nhận dạng “ĐT nước” thì các ĐT ĐBSCL đều gắn chặt với yếu tố “nước”… Mà để phát triển hệ thống ĐT bền vững, thích ứng BĐKH, nước biển dâng thì một trong những giải pháp quy hoạch ĐT là chủ động “dành chỗ cho nước”.

Các ĐT Vĩnh Long cũng mang đặc trưng sông nước. Việc giữ bản sắc sông nước đã được chú trọng khi các quy hoạch ĐT hiện đều chú trọng khai thác thế mạnh sông nước. Mới đây, thị trấn Trà Ôn (huyện Trà Ôn) vừa được UBND tỉnh phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung đến năm 2030.

Trong quy hoạch này, các không gian mở được khai thác triệt để như bờ sông Hậu, các sông rạch hiện trạng, các mặt nước… hướng tới phát triển du lịch sinh thái, phù hợp kiến trúc nhà vườn, biệt thự có “view” sông nước…

Chưa bàn tới tận dụng sông nước phục vụ giao thông thủy ở các ĐT, PGS. TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) cho rằng, để giảm hiệu ứng đảo nhiệt “thường rơi vào các ĐT” thì cần bảo tồn và phát triển các không gian xanh như diện tích cây xanh, mặt nước.

SÔNG HẬU