Kết nối phố

Phải đảm bảo nuôi chó an toàn ở đô thị

Cập nhật, 13:32, Thứ Tư, 10/04/2019 (GMT+7)

Cảm thấy bất an từ những vụ chó dữ cắn chết người, càng thêm phần ái ngại khi người nuôi chó dữ lại để chó đi rông, coi thường sự an toàn của người khác- nhất là ở khu dân cư, đô thị.

Thả rông chó trong đô thị, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác chỉ bị phạt từ 100 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Theo lãnh đạo Cục Thú y, đã có văn bản pháp luật quy định về việc xử lý vi phạm nuôi chó thả rông, không rọ mõm, không đăng ký nhưng thực tế chưa ai bị xử lý.

Ngành thú y thường chỉ lo chức năng quản lý về dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Còn việc quản lý chó thả rông lại thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.

Thực tế, người nuôi có lo chích ngừa bệnh dại cho chó hay không, có đảm bảo an toàn cho người hay không là rất khó quản lý.

Cơ quan chức năng đã không đủ sự quan tâm và không thể kiểm soát được việc nuôi chó dữ trong khu dân cư. Do đó, việc này cần phải quản lý chặt chẽ hơn để đề phòng sự cố đáng tiếc. Đặc biệt đang vào mùa nóng, bệnh dại chó quả thật không thể xem thường.

Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh dại cho chó, theo các chuyên gia, bên cạnh tiêm vắc xin cho chó, chủ nuôi không được cho chó nhà tiếp xúc hoặc cắn nhau với chó thả rông, bởi có thể chó thả rông mắc bệnh dại.

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình, chủ nuôi không nên cho chó tiếp xúc với trẻ em, người già, người khuyết tật khi chó chưa được rọ mõm và xích cẩn thận, tránh trường hợp chó phản chủ, cắn người.

Ngay cả khi chó không mắc bệnh dại thì người nuôi cần hiểu đặc tính của chó, “chó cậy gần nhà” nên có thể dữ với khách đến chơi, chó nhà có thể giành ăn với các con chó khác, chó mẹ khi đẻ rất hung dữ... nên các biện pháp đảm bảo an toàn thì không bao giờ là thừa.

Hiện không có quy định nào cấm nuôi chó, cho nên để đảm bảo việc nuôi chó an toàn đặc biệt ở đô thị, trước tiên phải nói đến ý thức trách nhiệm của người đang nuôi chó.

THÀNH LONG