Tản văn

Nhạt chất quê

Cập nhật, 12:13, Thứ Hai, 28/09/2020 (GMT+7)
Đôi khi họ nhắc nhớ vẻ đẹp của những cô gái quê với bản chất tốt đẹp được bộc lộ một cách tự nhiên, không màu mè.
Đôi khi họ nhắc nhớ vẻ đẹp của những cô gái quê với bản chất tốt đẹp được bộc lộ một cách tự nhiên, không màu mè.

Hoàng hôn những sợi nắng mỏng manh rơi rớt, cậu Bảy mở nắp vỏ bình trà bằng trái dừa khô, rót thêm nước trà vào mỗi tách của những ông bạn già ở xóm. Khói nhẹ nhàng bay, hương trà lan tỏa. Chẳng biết tự bao giờ, người dân quê đã sử dụng vỏ dừa khô giữ nhiệt đựng bình trà.

Bây giờ, người ta dùng bình thủy để giữ nhiệt nhưng cậu Bảy nhất quyết giữ nét sinh hoạt quen thuộc. Giờ người dân Nam Bộ vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, họ tạo ra những trái dừa khô bắt mắt với những tác phẩm điêu khắc độc đáo. Không ít người mua về đặt trên bàn để ngắm nghía, những tác phẩm gợi nhớ những ngày thiếu thốn.

Cơm chiều xong, ba bốn người đàn ông có tuổi trong xóm ngồi bên tách trà nóng nhắc những ngày cuộc sống chân phương ngày hai buổi rau cá. Những năm mặc tấm áo sờn, rổ cá chia ba.

Việc chia chác trở thành thói quen trong cuộc sống hàng ngày. Nhà có gì ngon người lớn hay bảo con nít bưng biếu, cho cũng tạo cho chúng quen với cách sống chia chác. Hôm bưng tô bí hầm, xách vài cái bánh lá dừa cho nhà hàng xóm, hôm nhận lại từ tay hàng xóm tô bánh canh thịt vịt xiêm, mấy chiếc bánh xèo gói trong tấm lá chuối.

Cuộc sống ở nơi yên bình đã níu giữ họ, họ không thể rời xa mảnh đất ấy. Như những hàng rào dâm bụt, giậu mồng tơi, lũy tre… mà họ đang trồng vậy.

Họ chỉ đứng ngây hàng rào ngó nhìn xa xăm thôi chứ chân họ không bao giờ muốn bước qua khỏi đấy. Họ nghĩ qua hàng rào dâm bụt, giậu mồng tơi, lũy tre… ấy con người họ sẽ đổi thay ít nhiều. Họ sống quen với không gian bó hẹp ấy và họ sợ ra khỏi cái hàng rào ấy họ sẽ thay đổi ít nhiều.

Tụi con nít từng bưng những miếng thơm thảo giờ trở thành cô gái, chàng trai lớn lên mang nét đẹp mộc mạc, chân phương bước chân ra khỏi làng. Cha mẹ lại sợ con mình mất đi chất quê, quên đi cuộc sống làng quê. Sợ cái tình người với người ở làng quê mất đi ít nhiều. Tâm hồn rạn nứt, làm tổn thương quê.

Bác Bảy nhấp ngụm trà kể, hôm qua thằng con tui điện về bảo thèm cua đồng nấu canh chua bông súng. Tôi đi soi cả đêm hôm có được mớ cua, bả đang nấu nồi canh bông súng chút chắc nó về tới.

Bác Bảy nghe con cháu mình thèm món quê vẻ mặt bác hiện rõ niềm vui. Vì bác quan niệm, còn thèm món ăn quê là còn chất quê. Tôi tự nghĩ, con bác mỗi khi bắt gặp những bông súng nở, những bông so đũa đu đưa trước gió man mác một nỗi nhớ chơi vơi. Chắc rằng những người yêu quê họ ít nhiều sẽ giữ mãi chất quê trong tâm hồn họ dù họ có xa nơi chốn ấy.

Bao giờ cũng vậy, phải có sự đổi thay. Vì cuộc sống là thế nên ta phải chấp nhận. Một sự thật là chất miền quê không còn đậm, bởi giờ quê có khác chi thành đâu. Người ở quê cũng nhận thấy nhạt chất quê huống chi những người xa quê về thăm lại chốn xưa. Họ mang nỗi sợ mất đi cái chất quê duyên dáng thương yêu ấy là lẽ đương nhiên.

Đó là tình yêu của họ dành trọn cho quê, người sợ quê phai nhạt chất nên lưu giữ được những gì thì giữ, lưu giữ những cái mộc mạc, chân sơ nhất. Người quyến luyến với thiên nhiên với những người giản mộc đậm đà tình nghĩa. Như cậu Bảy giữ mãi vỏ bình trà bằng trái dừa khô vậy.

Bài, ảnh: MAI KHA