Láng Sen giữa Đồng Tháp Mười

Cập nhật, 09:06, Chủ Nhật, 05/07/2020 (GMT+7)
Láng Sen có rất nhiều loài chim nước trú ngụ.
Láng Sen có rất nhiều loài chim nước trú ngụ.

Từ trung tâm huyện Tân Hưng, chạy theo đường kinh 79 chừng 8km, chúng tôi được nhân viên bơi xuồng đưa qua sông vào Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Tân Hưng, Long An).

Vùng đất ngập nước Láng Sen ví như cái “rốn” của Đồng Tháp Mười, là khu Ramsar (khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 7 của Việt Nam với hệ sinh thái phong phú, đa dạng.

Nơi cây cỏ mọc tự nhiên

Chúng tôi rất bất ngờ khi đứng trước cánh đồng sen rộng lớn hàng chục héc ta, hay nói đúng hơn là rừng sen rực rỡ giữa Đồng Tháp Mười.

Thấy khách cứ ồ, à phấn khích, anh Nguyễn Thanh Lâm- cán bộ Quản lý nguồn nước Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen- dừng vỏ lãi hướng dẫn chúng tôi lên bờ, vừa đi vừa bảo: “Sen mọc tự nhiên ở khu ngập nước này. Sen tự nhiên là loài gốc ở đây, làm nên tên gọi Láng Sen, nghĩa là vùng láng lung có nhiều sen mọc hoang dã”.

Đồng cỏ ngập nước theo mùa, nơi nhiều loài cỏ mọc tự nhiên.
Đồng cỏ ngập nước theo mùa, nơi nhiều loài cỏ mọc tự nhiên.

Theo anh Lâm, hiện Láng Sen có khu 60ha chủ yếu là sen mọc tập trung, còn các khu vực khác sen mọc xen các loại cây cỏ, rừng tràm… rất nhiều. Mùa sen nở hoa rất đẹp, “tính ra vài chục héc ta sen cho lượng gương, ngó rất lớn.

Nhưng ở đây sen ra gương bao nhiêu chim, chuột ăn hết bấy nhiêu”- anh Lâm nói vừa chỉ tay ra phía xa “con đen bay bay, nhỏ nhỏ là chèo bèo. Con đen nhảy nhảy là trích cồ, giang sen, chúng nhổ ngó sen, cỏ năn để ăn. Trích cồ, diệc lửa thấy nó bự chứ mỏng manh vì có cổ tròn khẳng khiu”.

Dọc bờ bao chúng tôi đi giẫm chân lên rất nhiều vỏ ốc, “do bìm bịp, cò ốc… bắt làm thức ăn, một con cò ốc trưởng thành có thể ăn hết 2kg ốc mỗi ngày”- anh Lâm bảo.

Hệ sinh thái Láng Sen đa dạng không chỉ tạo nguồn thức ăn phong phú cho các loài động vật, mà còn là nơi trú ngụ của chúng.

Còn kia là đồng cỏ ngập nước theo mùa, anh Lâm giải thích: “Trảng cỏ lên theo nước, tự nhiên, loài nào phát triển được thì vượt lên, con người không có sự can thiệp nào hết. Khu này cỏ mọc rất tự do. Cỏ ống, rau dừa, cỏ năn, mồm mỡ… Xanh xanh dài lá là lúa ma, tạo nguồn thức ăn cho các loài cá, chim”.

Anh Nguyễn Thanh Lâm cho biết, anh làm việc ở khu bảo tồn khoảng 10 năm, công việc chính là quản lý, điều tiết nguồn nước.

Qua hệ thống quan trắc nước để đưa ra cách xử lý, ví dụ độ phèn cao cá sẽ chết, nên “mình sẽ đưa ra phương án cải thiện như thế nào”. Cũng theo anh Lâm, những năm gần đây nguồn nước không ổn định, chất lượng tùy theo mùa, như mùa nước nổi năm 2019 nước về chậm hơn 1 tháng, còn năm trước nước ngập bờ vài tấc.

Còn năm trước nữa, anh Lâm cho biết khu bảo tồn bị khô hạn, cá mắc kẹt trong các hố rất nhiều, cán bộ, nhân viên phải dốc sức đưa cá ra kinh, đào rãnh, bơm dẫn nước từ các kinh chung quanh vào vùng lõi để cứu cá.

Những cánh đồng sen bạt ngàn, chen với đồng cỏ, rừng tràm.
Những cánh đồng sen bạt ngàn, chen với đồng cỏ, rừng tràm.

Vào tháng 4/2016, nhiều khu vực rạch trong Láng Sen, đặc biệt là khu vực cách ly đặc biệt 200ha, được mệnh danh là “tổ chim Đồng Tháp Mười”, nơi duy nhất ở Việt Nam có loại chim, cò quý hiếm đặc trưng vùng ngập làm tổ và sinh sản bị cạn trơ đáy.

Nỗ lực bảo tồn các loài cá quý hiếm

Nhớ lại đợt hạn năm 2015- 2016, ông Trương Thanh Sơn- Giám đốc Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen- cho rằng:

“Năm đó hạn tấn công khu bảo tồn nghiêm ngặt, chúng tôi phải tích cực bơm nước cứu cá. Rất nhiều khu vực bào khô, cá chết, đồng sen 60ha cũng khô chết. Đây được xem là vùng rốn, trũng nhất của Đồng Tháp Mười, đặc biệt khu cách ly 200ha vốn được bảo vệ nghiêm ngặt, không có dấu chân người và hoàn toàn để mực nước theo tự nhiên từ trước đến nay. Đó là lần đầu tôi chứng kiến khu vực cách ly này bị cạn trơ đáy, nên phải can thiệp nước vào để tránh ảnh hưởng đến sinh thái. Chúng tôi phải cứu nhiều con cá tra nặng hàng chục ký để bảo đảm an toàn cho loài “thủy quái” quý hiếm của vùng ĐBSCL này”.

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nằm trên diện tích các xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại và Vĩnh Châu A thuộc huyện Tân Hưng, có diện tích khoảng 5.000ha. Trong đó, khu sinh thái vùng lõi rừng tràm rộng 2.000ha, phần còn lại là rừng tràm kinh tế và vùng đệm để sản xuất nông nghiệp.

Đặc trưng hệ sinh thái vùng đất ngập nước Láng Sen bao gồm: rừng tràm, ruộng lúa, đồng cỏ ngập nước theo mùa, thảm thực vật thân gỗ, dây leo chịu ngập, bãi lầy ven sông… Các loài thực vật nhiều nhất là sen, súng, năn ngọt, lúa ma, cỏ ống, lục bình, rau dừa...

Khoảng 148 loài với hơn 20.000 cá thể chim nước trú ngụ, như: sếu đầu đỏ, chim già đẫy, diệc lửa, diệc xám, giang sen, cò trắng chân xanh… Đây là khu vực thuận lợi cho việc khôi phục các hệ sinh thái đồng cỏ, bãi ăn của nhiều loài chim nước và động vật có xương sống.

Riêng vùng lõi khu bảo tồn Láng Sen có 12 tiểu khu được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ Tây và tách biệt với khu dân cư. Dưới lòng kinh 79 của khu bảo tồn này là nơi sinh sống của hơn 78 loài thủy sản nước ngọt, trong đó có 27 loài đặc hữu sông Mekong: cá tra dầu, cá lóc bông, cá thát lát, cá linh…

Anh Nguyễn Thanh Lâm kiểm tra khu vực đồng sen, cỏ trong khu bảo tồn.
Anh Nguyễn Thanh Lâm kiểm tra khu vực đồng sen, cỏ trong khu bảo tồn.

Theo ông Trương Thanh Sơn, cái khó hiện nay là việc người dân vẫn xâm nhập vào để săn bắt cá, rắn, ong… dù có lực lượng chốt chặn bảo vệ xung quanh. Trong khi các loài chim bay ra ngoài thì bị bẫy, lưới, có lần con trăn hàng trăm ký ra ngoài khu bảo tồn kiếm ăn rồi ngủ luôn trong ruộng lúa, dân cắt lúa bắt được.

Chính vì thế, Ban quản lý Khu bảo tồn, các tổ chức, chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều dự án cộng đồng, vốn cho người dân nuôi cá, heo, trồng nấm, nuôi ếch… Qua đó, tạo sinh kế, nâng cao ý thức người dân cùng bảo vệ, phát hiện kẻ xâm hại, bắt được động vật quý… thì báo cho nhân viên.

Trong khi đó, ông Trương Thanh Sơn cũng cho biết khu bảo tồn đang thực hiện dự án phục hồi các loài cá quý hiếm như: cá hô, rô biển, rô hia, trê vàng… “Khu vực này còn có cá dày, giống giống cá lóc nhưng có vảy bông, mỏ nhọn, nó chỉ sống vùng có tràm nhưng hiện chưa được vào danh mục Sách đỏ. Việc đánh bắt loài cá này chưa xử lý được, vì cá dày còn quy vào nhóm cá lóc thông thường”- ông Sơn nói.

Với địa hình đa dạng rất đặc trưng sinh thái kiểu vùng đầm lầy ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn, Láng Sen đã được Tổ chức Công ước Ramsar công nhận là 1 trong 9 khu bảo tồn đất ngập nước Ramsar của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới. Nơi đây chính là một Đồng Tháp Mười thu nhỏ, hấp dẫn, ngày càng đông khách du lịch và các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đến thưởng ngoạn, tìm hiểu.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC