Bác Hai trong trái tim tuổi trẻ Vĩnh Long

Cập nhật, 07:55, Thứ Năm, 11/06/2020 (GMT+7)

 

Đoàn viên thanh niên tỉnh Vĩnh Long đến thăm ngôi nhà làm việc của đồng chí Phạm Hùng tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh).
Đoàn viên thanh niên tỉnh Vĩnh Long đến thăm ngôi nhà làm việc của đồng chí Phạm Hùng tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh).

76 mùa xuân, 60 năm hoạt động cách mạng, 14 năm bị tù đày, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Phạm Hùng- người con của mảnh đất Long Hồ, một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh- đã suốt đời phấn đấu, hy sinh vì nước, vì dân.

Các thế hệ người Vĩnh Long hôm nay luôn tự hào vì quê hương có bác Hai, noi gương bác xây dựng quê hương mà bác đã dành thật nhiều tình cảm yêu thương.

Giao ước ý nghĩa của tuổi trẻ Long Hồ

Khu lưu niệm Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng được xây dựng để tưởng nhớ công lao của đồng chí Phạm Hùng đối với đất nước và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay.

Công trình được khởi công vào năm 2000 và khánh thành vào năm 2004 với tổng diện tích khoảng 3,2ha, tọa lạc tại ấp Long Thuận A (xã Long Phước- Long Hồ) là nơi ông được sinh ra và lớn lên. Tháng 6, về thăm khu lưu niệm, cây xanh rợp bóng mát, được cắt tỉa gọn gàng.

Thắp nén hương tưởng nhớ người con ưu tú của đất nước, mỗi người cảm nhận được sự thiêng liêng, cảm phục sự hy sinh to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương.

Chúng tôi tìm gặp cô Nguyễn Kim Mai- nguyên Phó Phòng Giáo dục huyện Long Hồ để tìm hiểu về ký kết giao ước đặc biệt giữa hơn 60 trường học trên địa bàn huyện với khu lưu niệm.

Cô Mai cho biết: “Trong một lần vào khu lưu niệm thắp nhang cho bác Hai, tôi thấy khuôn viên có nhiều tấm bảng ghi tên các tỉnh- thành từ Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… chợt thấy bồi hồi một chút vì những người ở xa tìm đến viếng bác mà chính những người con Long Hồ lại chưa làm được. Thế là tôi đề xuất ký kết giao ước viếng và chăm sóc khu lưu niệm”.

Từ năm 2014, hơn 60 trường từ cấp mầm non đến THPT ủng hộ nhiệt tình, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh các trường luân phiên đến tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của bác hoặc là nhặt rác, làm cỏ khuôn viên.

Cứ mỗi 2 năm, giao ước sẽ được ký kết lại. Năm nay, giao ước lần thứ 4 (2020- 2022) sẽ được thực hiện. Cô Mai rưng rưng xúc động: “Mừng lắm khi tôi về hưu nhưng các thế hệ kế cận vẫn giữ được giao ước này.

Đây là huyện đầu tiên trong tỉnh mà các trường đều đồng lòng ủng hộ nhiệt tình, những ngày lễ tết, mấy trăm học trò và thầy cô, phụ huynh về khu lưu niệm, ai cũng nói không khí ấm cúng lắm, thấy nao nao trong lòng và muốn duy trì thành một truyền thống thật đẹp. Quan trọng nhất là để các em hiểu được truyền thống, hiểu được hy sinh của thế hệ cha ông mà phấn đấu học hành”.

Chị Bùi Thanh Thủy- Trưởng Ban quản lý Khu lưu niệm Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng- cho biết: “Chúng tôi tự hào được sinh ra trên quê hương Long Hồ, cũng là nơi chôn nhau cắt rốn mà bác Hai dành rất nhiều tình cảm.

Chúng tôi luôn cố hết sức mình để di tích được giữ gìn khang trang và được giới thiệu rộng rãi đến mọi người. Các em học sinh Long Hồ gắn bó với khu lưu niệm là điều rất đáng quý.

Thời gian qua, các em còn tổ chức hội trại, thi nấu ăn, thi biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian. Cán bộ, giáo viên, học sinh thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ công ơn của bác Hai và được giao lưu, gắn kết nhau hơn”.

Noi theo gương bác Hai

Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi theo chân đoàn về nguồn của Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long. Tại tỉnh Tây Ninh, các đoàn viên thanh niên đến thăm Di tích lịch sử căn cứ Trung ương Cục Miền Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Biên).

Di tích còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau, trong đó có tên “Căn cứ Phạm Hùng” bởi đồng chí Phạm Hùng từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục trong một thời gian dài (1967- 1975).

Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam có giá trị đặc biệt. Trong 15 năm (1961- 1975), Trung ương Cục đã cụ thể hóa được nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn, từ đó cho ra đời nhiều chỉ thị, nghị quyết quyết định đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam và triển khai thành công trong phạm vi toàn chiến trường miền Nam.

Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam trở thành “thủ đô” của cách mạng miền Nam, là nơi lưu lại những chứng tích, những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng cùng cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Khu lưu niệm Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng là nơi tưởng nhớ công lao của bác Hai và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Khu lưu niệm Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng là nơi tưởng nhớ công lao của bác Hai và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Đi bộ vào rừng thăm ngôi nhà làm việc của đồng chí Phạm Hùng, chị Phạm Thanh Xuân- Chi đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh- chia sẻ: “Vừa mới ra trường đi làm, lần đầu tiên được tận mắt thấy nơi hoạt động cách mạng của các vị lãnh đạo, tôi thấy rất xúc động và biết ơn vì thế hệ cha anh đã hy sinh để chúng tôi được sống bình yên hôm nay. Đến ngôi nhà dựng bằng tre, mái lợp lá giản dị của bác Phạm Hùng, nghe cuộc đời hoạt động cách mạng của bác, thấy các kỷ vật, tôi tự hào là người con Vĩnh Long, và tự nhủ sẽ cố gắng làm việc, học tập thật tốt noi theo gương bác”.

76 mùa xuân, 60 năm hoạt động cách mạng, 14 năm bị tù đày, sống trong “địa ngục trần gian” Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng vẫn bất khuất trước kẻ thù. 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, 13 năm trong thời kỳ hòa bình thống nhất đất nước không một phút ngơi nghỉ, ra Bắc vào Nam đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu, đứng mũi chịu sào, bác Hai suốt đời phấn đấu, hy sinh vì nước, vì dân.

Cảm nhận sâu sắc hơn về những năm tháng chiến tranh ác liệt, hiểu hơn những đóng góp của những người yêu mảnh đất quê hương, thế hệ trẻ đang từng ngày phát huy và tiếp bước noi theo tấm gương cha anh, sống, cống hiến hết mình xứng đáng là con cháu trên mảnh đất Vĩnh Long anh hùng.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY