Chuyện về những người thầy tâm huyết với nghề

Kỳ cuối: Mẹ Hoàng của trẻ mầm non Xuân Hiệp

Cập nhật, 17:48, Thứ Sáu, 22/11/2019 (GMT+7)

Khi vào lớp, các con bám theo cô như đàn gà con bám theo mẹ vì cô Lê Thị Kim Hoàng- giáo viên Trường Mầm non Xuân Hiệp (Trà Ôn)- đã nghỉ phép 3 ngày nay. Một vài bé đòi “mẹ Hoàng ẵm”, rồi cô trò cùng chơi nhận biết trái cây. Những trái ổi, dưa leo, bầu, bí, mướp do cô giáo Hoàng tự tay làm. 37 tuổi thì 17 năm cô Hoàng gắn bó với nghề, trở thành người mẹ ở trường của các con.

Đồ chơi của bé do cô Hoàng tự làm.
Đồ chơi của bé do cô Hoàng tự làm.

Mẹ của các con ở trường

Hôm tôi xuống Trường Mầm non Xuân Hiệp trao đổi với cô Hoàng, mới hay cô vừa trở lại dạy sau 3 ngày phép vì mẹ cô qua đời. Cô Hoàng nói: “Để các chị em dạy thế mình cũng ngại và không yên tâm vì đa phần các bé nhà trẻ chưa biết nói, khó hiểu ý lắm”.

Yêu trẻ nhỏ, ngay từ khi tốt nghiệp lớp 12, cô Hoàng đã chọn dạy trẻ mầm non rồi vừa học vừa làm đến nay đã hoàn thành chương trình ĐH. Năm 2002- năm đầu tiên đi dạy, cô Hoàng là giáo viên mầm non Nhơn Bình (Trà Ôn) và đây là khoảng thời gian không thể nào quên được. Tháng lương đầu tiên là 310.000đ.

Nhà ở Xuân Hiệp nên ngày ngày cô Hoàng chạy xe qua Nhơn Bình dạy, cách nhà gần chục cây số. “Nói là chạy xe đạp cho oai chứ 2 học kỳ thì 1 học kỳ dắt xe rồi vì đường trơn trợt, sình bùn không thể nào chạy được”- cô Hoàng nói.

Mỗi sáng sớm, cứ 5 giờ là cô Hoàng đi đến trường để kịp 6 giờ 30 đón bé. Lớp học mầm non Nhơn Bình học tại trụ sở ấp Ba Chùa ngày đó là lớp học ghép: ghép 3 độ tuổi vào 1 lớp và ghép mầm non cùng tiểu học. “Các bé tiểu học ngồi bàn lớn hơn phía trước, mầm non ngồi ghế nhỏ phía sau…” cùng một lớp mà phải soạn giáo án cho 3 độ tuổi.

Đến năm thứ 2, cô Hoàng đi vận động từng nhà cho các cháu đủ tuổi vào lớp lá mới đủ xin một phòng riêng cho mầm non.

“Nhớ nhất là cặp chị em song sinh trong lớp, chân trần đi học và thường xuyên đi học bụng khi đói meo, mấy cô trò chia nhau ổ bánh mì, hôm nào tôi có tiền hơn thì mua 2 ổ”- cô Hoàng nói.

Có lần bé đại tiện trong quần nhưng lại không mang quần áo theo, phòng học tạm bợ nhà vệ sinh thì không có, càng không có điện thoại để liên lạc phụ huynh như bây giờ. Cô Hoàng đến nhà dân gần đó xin xà bông, nước vệ sinh cho bé xong phải mượn quần cho bé mặc. Từ đó, cô Hoàng về xóm, xin quần áo cũ và dự phòng vài cái trong lớp...

Về dạy ở trường gần nhà, cô Hoàng phụ trách nhiều khối lớp. 2 năm gần đây, cô Hoàng dạy lớp nhà trẻ, những bé từ 18 đến dưới 36 tháng, nhiều bé chưa biết nói. Khác với các trường mầm non ở TP Vĩnh Long, trường mầm non ở xã, huyện thường chỉ có 2 cô giáo và không có bảo mẫu. Do đó, cô giáo không chỉ dạy mà còn làm vệ sinh cho bé, chăm sóc bé như một người mẹ.

Hạnh phúc khi thấy các con khôn lớn

Niềm vui của cô là được trẻ yêu mến và phụ huynh tin tưởng. Thấy cô Hoàng vào lớp, bé Trần Tuấn Anh hơn 2 tuổi đã bám theo đòi “mẹ Hoàng ẵm”.

Cô cười tươi: “Tuấn Anh ở nhà không chịu uống thuốc đâu, nhưng vô lớp mẹ Hoàng đút là uống liền, ngoan lắm”. Cô Hoàng cười, những đôi mắt trong veo nhìn cô, cứ mẹ Hoàng đi đâu là các bé theo tới đó. Theo cô Hoàng, nhà trẻ là nơi hình thành kỹ năng cho trẻ và mỗi bé như một tờ giấy trắng vậy. Còn cô giáo là người mẹ thứ hai dạy bé cầm, nắm, nói,… hay tự múc thức ăn, tự đi vệ sinh,…

Tuấn Anh đang bị cảm thường nhõng nhẽo đòi “mẹ Hoàng ẵm”.
Tuấn Anh đang bị cảm thường nhõng nhẽo đòi “mẹ Hoàng ẵm”.

Cũng như những người mẹ bình thường, cô Hoàng quan tâm nhiều hơn đến những bé có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, sống với ông bà thiếu tình thương cha mẹ. Cô Hoàng và các cô chăm sóc bé bằng cả tình thương của người mẹ, chia sẻ cảm thông và phối hợp cùng phụ huynh chăm sóc bé. Cô cho rằng: “Mình phải chăm sóc dạy bảo bé vì bé có thời gian tiếp xúc với cô nhiều hơn cha mẹ nữa!”

Nhắc đến cô Hoàng thì không thể không nhắc đến những đồ dùng dạy học cô và chồng tự làm. Tất cả những phế phẩm nhựa, ngó bần, giấy bồi được cô giữ lại làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Làm đồ dùng, đồ chơi đối với cô Hoàng là cả một niềm đam mê, xuất phát từ nhu cầu dạy học cho trẻ mầm non, làm riết “ghiền”.

Những ngày lễ, tết đối với cô Hoàng là những ngày được làm đồ dùng, đồ chơi thỏa thích. Cô đi qua cù lao lựa những ngó bần thật lớn về đẽo, gọt rồi sơn thành hình trái bầu, trái mướp; những quả bí, quả mãng cầu, măng cụt được làm tỉ mẩn và sử dụng rất lâu… Trong căn nhà đơn sơ của cô Hoàng không có gì đặc biệt ngoài 2 tủ đựng toàn đồ dùng dạy học, đồ chơi cho bé. Cứ mỗi chủ đề là có đầy đủ các món đồ chơi cho bé.

Dạy cho bé kỹ năng sống, cô giáo mầm non là người mẹ ở trường của trẻ.
Dạy cho bé kỹ năng sống, cô giáo mầm non là người mẹ ở trường của trẻ.

Dạy học theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo, tự học ở trẻ và cô Hoàng tham gia thi “Giáo viên mầm non dạy giỏi cấp tỉnh” năm học 2017- 2018. Cô đạt thành tích xuất sắc, được Sở GD- ĐT tỉnh tặng giấy khen. Bên cạnh đó, được Phòng GD- ĐT huyện Trà Ôn chọn dạy hội giảng cấp huyện để chia sẻ kinh nghiệm cho các trường bạn trong huyện đạt kết quả tốt.

Cô Lê Thị Thương- Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Hiệp- cho rằng: Cô Hoàng là một giáo viên luôn tận tình với các bé nên được bé và phụ huynh yêu quý. Hòa nhã với đồng nghiệp, chuyên môn vững vàng, cô là giáo viên đầu tiên của trường đạt danh hiệu “Viên phấn vàng”.

Bằng tình yêu nghề, yêu thương học trò, các thầy cô đã trở thành người cha, người mẹ thứ 2 của trẻ. Những người lái đò vẫn vậy, âm thầm đưa đò bất kể nắng mưa, đêm ngày mang đến tri thức, kỹ năng, ươm hy vọng cho các em về một tương lai tươi đẹp.

Để trẻ thích thú tham gia các hoạt động thì bản thân phải tự nghiên cứu và làm nhiều đồ dùng dạy học phục vụ cho việc học tập và vui chơi của trẻ. Qua đó, cô Hoàng tham gia các hội thi và đạt nhiều giải thưởng. Năm 2016- 2017, bộ dụng cụ chăm sóc cây đạt giải C vòng huyện; năm 2017- 2018, bộ Bảng chun (thun) học toán đạt giải A, tranh ghép rau củ đạt giải A, đồng hồ học số, học chữ đạt giải B cấp huyện; năm 2017- 2018, bộ đồ dùng dạy học: Trái cây, rau, củ, quả đạt giải B hội thi đồ dùng dạy học tự làm cấp tỉnh.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN