Mênh mang tình trò miệt triền sông

Cập nhật, 16:57, Thứ Ba, 19/11/2019 (GMT+7)

“Chuyến đò” của một năm học đã khởi động, những người làm nghề “gõ đầu trẻ” như chúng tôi vẫn thường dùng hai từ thân thương đó khi nói về những lớp, khóa học trò của mình hàng năm.

Âu yếm nhìn gương mặt ngây thơ của những “vị khách đò” mới, lòng người chấp bút lại rộn lên những cảm xúc tươi vui, rạng rỡ. Ừ, thấm thoắt vậy mà đã ngót hai mươi năm đồng hành cùng các con rồi sao?

Tác giả và những học trò của mình ở lớp 2/2, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực năm học 2019- 2020.
Tác giả và những học trò của mình ở lớp 2/2, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực năm học 2019- 2020.

Nhớ lại những ngày đầu ấy, dưới mái hiên trường mới nhiều lạ lẫm và không ít lo lắng luôn là tâm tư thầm kín trong tôi- một cô giáo từ miền Trung xa xôi chuyển về miệt triền sông này công tác. “Đặc sản” mà tôi mang theo là giọng miền Trung đặc sệt, âm sắc mà những cô bé cậu bé vùng ven đô thị nhỏ này ít hoặc chưa quen nghe.

Vài cậu bé tinh nghịch trong bộ đồng phục đã bị những trò chơi vận động làm cho lem luốc và hình như… bớt đi sự diêm dúa đã sớm nhận ra điệu lạ trong câu từ của tôi, hiếu kỳ bám lấy cô giáo bằng ánh mắt tò mò. “Cô giáo miền Trung nè bây!” Cảm giác ngộ nghĩnh, ấm áp dâng trào len vào cảm xúc “cô giáo nói trọ trẹ” ngay tắp lự.

Tôi quay lại cười dí dỏm, cố mềm giọng: “Cô chào các con!” Những gương mặt thơ ngây, long lanh hồn nhiên của đến hai ba mươi em nhỏ đầy thân thiện đáp lời tôi: “Chúng em chào cô ạ!” Rồi những tiếng cười vui, trong trẻo giòn tan vang cả lớp học rạng rỡ. Phải! Cô là “cô giáo miền Trung”! Một cảm giác thú vị, mới mẻ dâng trào ngập tràn yêu thương. Tiết học đầu tiên đã bắt đầu như thế!

Thấm thoắt thế mà đã ngót nghét hai mươi năm tiếp tục nghiệp trồng người nơi sông nước mà bây giờ đã không còn là sự lạ lẫm. Buồn vui, thăng trầm đã buộc chặt tâm hồn tôi với nơi đây- miệt vườn Vĩnh Long nằm bám dọc triền sông Cổ Chiên êm đềm. Chính tại nơi này- ngôi trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, bắt đầu từ những gương mặt con trẻ đã làm sợi dây gắn kết tôi với những con người miền sông nước đôn hậu, hiền lành.

Có biết bao nhiêu câu chuyện hồn hậu, thơ ngây của những cô cậu học trò mà tôi đã từng là “người lái đò” cần mẫn. Sau một lần va chạm do bất cẩn, tôi đã gánh một vết thương khá nghiêm trọng, phải khâu cả chục mũi vắt ngang bàn chân. Thế là đành nghỉ dài ngày “bất đắc dĩ”.

Thật tội nghiệp cho học trò của tôi, phải gần hai tháng các con như vắng bóng người mẹ thứ hai. Dù đã có các đồng nghiệp luôn tận tình giảng dạy nhưng mỗi ngày các con vẫn mong ngóng tôi lên lớp.

Rồi vết thương cũng tạm ổn, tôi đến trường. Vừa bước vào cửa lớp, các em đã ùa ra ôm chầm lấy tôi đến ngộp thở. Khỏi phải nói hết sự vui mừng của các em. “Chân cô bị sao thế?”, “Cô còn đau không?”,… Trông vẻ mặt lo lắng, điệu bộ âu yếm dõi theo từng bước chân khập khiễng của cô, rồi những bàn tay nhỏ xinh nhẹ nhàng ôm cô như động viên, các con cứ vấn vít lấy giáo viên chủ nhiệm của mình.

Một buổi chiều nắng ngọt, vừa đậu xe bước xuống thì cô học trò có cái tên thật ấn tượng là Diệp Gia Ngân đã chạy ào ra đón tôi. Ngân có dáng hình nhỏ nhắn, dễ thương được cả lớp gọi là “cô bé tí hon”.

Đôi mắt lay láy, biết cười đã tôn lên khuôn mặt em vẻ vui tươi, gần gũi. Em dúi vội vào tay tôi một phong thư và chỉ thỏ thẻ: “Cô ơi, em gửi cô để cô mua thuốc mà uống, chân cô mau khỏi nghe cô!” Tôi chưa kịp hiểu ra chuyện gì, cô bé đã thoăn thoắt chạy về lớp. Thật bất ngờ, bên trong phong thư con đưa là hai tờ tiền giá trị ba mươi nghìn đồng.

Xúc động đến nghẹn ngào khi đồng nghiệp dạy môn Mỹ thuật cho tôi hay: đó là số tiền thưởng mà Ngân vừa nhận được từ cuộc thi vẽ tranh về ước mơ của em. Tôi chỉ biết rưng rưng nhìn theo bóng dáng cô học trò bé bỏng, khuất nhanh sau cửa lớp. Chúng tôi đã yêu trẻ, yêu nghề không chỉ vì thiên lương của nghiệp truyền chữ mà chắc hẳn vì cả những điều giản dị nhưng không hề nhỏ bé như thế.

Tình cảm mến yêu hồn nhiên của con thơ đã luôn ngọt ngào trong nghề đứng lớp. Trong hành trang ấy có cả ước mơ làm bác sĩ của cậu bé học trò thế hệ trước Ngân. Cũng một buổi học như bao buổi học khác, nhưng buổi học đó, tôi đã đến lớp mà cái đầu nặng trịch, làm dịu cơn đau bằng nắm ngải cứu giã nhuyễn áp vào hai bên thái dương của mình.

Sự lo lắng hiện lên từng nét mặt học trò non nớt, yêu thương trên cử chỉ bàn tay xoa nhẹ lên vầng trán ấm của tôi. Cô giáo không khỏe, giờ học cũng như lặng yên hơn. Đến cả những cô cậu học trò lém lỉnh nhất cũng trầm xuống để dành tâm trạng hướng đến cô giáo của mình.

Cậu bé hàng ngày vẫn hay nhút nhát của tập thể tôi chủ nhiệm bỗng thốt lên giữa lớp học yên ắng: “Thưa cô, em ước mơ làm bác sĩ... để chữa bệnh cho cô!” Bất giác, cả lớp đã ồ lên hưởng ứng. Còn tôi, từ thẳm sâu hình như cơn đau đã dịu nhẹ hơn tự bao giờ, ngay sau điều ước mơ thiêng liêng đó của em.

Quả thật, hãy lắng suy tư để cảm nhận niềm hạnh phúc được yêu thương, cảm thông của con trẻ. Bé học trò biết dúi cho cô ít lệ phí mua thuốc vẫn còn nguyên cảm xúc khiến tôi liên tưởng lại hình ảnh cô học trò của nhiều năm về trước đã làm chị con trai thơ bé lên năm tuổi của tôi, khi tôi phải bất đắc dĩ mang theo con đến trường.

Con trai tôi khá hiếu động nên tôi chỉ xếp cho con một chỗ ngoài cửa lớp, rồi giảng bài mà lòng những băn khoăn, lo lắng. Như một sự thấu suốt cho cô giáo, cô bé lớp trưởng, trong tác phong nhanh nhẹn, kiên quyết chủ động nói với tôi: “Cô hãy đưa em vào đây ngồi với con đi, để bé ngồi ngoài tội bé cô à”.

Tôi đang do dự, ái ngại thì cô bé đã tiếp lời: “Không sao đâu cô, em sẽ học tốt mà”. Thế rồi cô bé lanh lẹ dẫn con tôi vào ngồi kế bên, đưa cho con tôi viên kẹo và dỗ dành: “Em ngồi học ngoan cùng chị nghe!” Những cử chỉ âu yếm của “cô chị mới tinh” làm cho con trai tôi ngoan ngoãn đến khó tin.

Những kỷ niệm ngọt ngào của biết bao học trò miền quê sông nước yêu thương sẽ không thể nào phai nhạt trong tôi. Dù bức tranh cuộc đời vẫn còn đó không ít điều phải suy tư nhưng trẻ thơ thì luôn như tờ giấy trắng vốn sẵn nhiều nhân ái. Niềm hạnh phúc đến ấm áp vì nó lớn lao, đôi khi lại thật khó để gọi thành tên.

NGUYỄN THỊ NGỌC DIỆP