Chuyện về những người thầy tâm huyết với nghề

Kỳ 2: Gắn bó với nghề bằng cả yêu thương

Cập nhật, 07:02, Thứ Năm, 21/11/2019 (GMT+7)

Thầy Nguyễn Anh Dũng ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên TP Vĩnh Long là giáo viên duy nhất trong trung tâm đạt danh hiệu “Viên phấn vàng”. Hơn thế nữa, thầy được xem là người “mát tay” khi dạy môn Địa lý vì điểm số của học sinh trong kỳ thi THPT quốc gia của trung tâm luôn ở mức cao.

Dạy học sinh theo từng đối tượng.
Dạy học sinh theo từng đối tượng.

Một thời “lửa thử vàng”

Còn nhớ những năm tháng đầu tiên đi dạy học (1983), thầy Dũng phải đi hơn 10km, từ xã Phú Lộc ra thị trấn Tam Bình. Xe đạp đối với thầy cô lúc đó là chuyện xa xỉ nên thầy ở nhà tập thể và cứ mỗi cuối tuần lại cuốc bộ về nhà.

Thầy Dũng cười: “Lương thì ba cọc ba đồng, vừa đóng tiền ăn xong đã muốn hết rồi nên hồi đó nhiều người bỏ nghề giáo lắm”. Nhưng thầy yêu cái nghề này, chịu được những ngày dạy quần quật 10 tiết vì cả trường có một giáo viên dạy Địa lý- và thầy nói thêm- “Học sinh thời đó rất đông mà em nào cũng rất ngoan”.

Thầy trò đều nghèo, đi dạy đi học toàn đi bộ, nhớ những tháng mưa tầm tã, những chiều cuối tuần cùng học trò băng đồng, lội ruộng qua những quãng đường đê đứt khúc để về nhà. “Có những khi đợi hoài không có ghe xuồng nào để có giang qua sông Cái Ngang, tôi đành lội sông về”- thầy Dũng cười.

Trường học thời ấy lợp lá, nền đất, phòng tập thể của giáo viên còn khổ hơn với vách làm bằng mê bồ. “Mình thầy giáo độc thân không sao, thương mấy cô, mấy gia đình giáo viên phải lấy giấy báo dán lên vách mê bồ chằng chịt”- thầy Dũng nói. Rồi những khi trời mưa gió thì lớp học, phòng ở tốc mái là chuyện thường tình.

Về với Trường Bổ túc văn hóa tỉnh Vĩnh Long nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên TP Vĩnh Long thì đối tượng dạy học đa dạng đủ mọi thành phần. Học viên có người lớn tuổi hơn thầy, đa số đều bỏ học lâu nên khó bắt nhịp. Nhưng thầy không thể nào quên những anh chị học trò siêng năng, cần mẫn. Cả trường bổ túc chỉ một mình thầy dạy Địa lý cho tất cả khối lớp, từ lớp 6- 12.

Với thầy Dũng: “Dạy học sinh yếu tuy vất vả nhưng đó là nhiệm vụ của người thầy. Khó khăn lớn nhất không phải là các em yếu mà là các em không chịu học, không chịu phối hợp với thầy và gia đình cũng không quan tâm”.

Động viên, khuyến khích và quan tâm

Ai cũng muốn được dạy những học trò ngoan, giỏi nhưng nếu như vậy thì những học sinh cá biệt vì hoàn cảnh khó khăn nên sa sút học hành, mất nền tảng kiến thức sẽ như thế nào? Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên là nơi chào đón các em. Hơn 36 năm đi dạy, thầy Dũng đã gắn bó với học trò giáo dục thường xuyên 21 năm.

Nếu như các lớp học THPT có 1- 2 em không ngoan đã làm thầy cô giáo đau đầu thì một lớp học ở trung tâm có khi hơn phân nửa lớp “cứng đầu”, cá biệt.

Thầy Dũng cười- nói nửa đùa nửa thật: “Thầy cô nào mà không kiên nhẫn, nóng tính có thể lên tăng xông”. Em Phạm Thị Trúc Ngọc (22 tuổi) đang học lớp 12 ở trung tâm chia sẻ: “Em và mấy bạn trong lớp thích học môn Địa lắm nên bận cỡ nào cũng cố gắng đi học đầy đủ. Thầy Dũng dạy dễ hiểu và rất tận tình, thầy không rầy la mà thường khuyến khích tụi em học, gỡ điểm, khuyến khích phát biểu. Nhờ vậy mà em mạnh dạn hơn”.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, trong gần 200 học viên lớp 12 của trung tâm, chỉ 3 em chọn tổ hợp khoa học tự nhiên cho kỳ thi, còn lại đều chọn tổ hợp khoa học xã hội. Niềm vui của thầy Dũng là kết quả điểm thi môn Địa lý luôn cao, có nhiều em đạt từ 8 điểm trở lên. Môn Địa lý cũng là môn “gỡ điểm” của nhiều học viên với tỷ lệ điểm thi trên trung bình năm 2019 là hơn 70%.

Thầy Dũng có hơn 20 năm gắn bó với học viên thường xuyên.
Thầy Dũng có hơn 20 năm gắn bó với học viên thường xuyên.

Để có được những học viên yêu thích và điểm cao môn Địa lý, thầy Dũng không ngừng nghiên cứu để dạy theo phương pháp mới, có yêu cầu, giao việc đưa ra câu hỏi phù hợp với từng đối tượng: học viên yếu kém, cá biệt thì dạy các kiến thức cơ bản; các em đã nắm vững cơ bản thì dạy ở mức độ vận dụng.

Ở môn thi trắc nghiệm Địa lý, kiến thức rải đều suốt chương trình và bài nào cũng liên quan đến Atlat. Để có điểm trung bình, học viên nắm vững những ước hiệu trang đầu để không tốn thời gian trong lúc thi. Học hiểu và vận dụng tốt lý thuyết thì sẽ có điểm cao. “Có học viên trúng tuyển ngành Sư phạm Ngữ văn- Trường ĐH Cần Thơ với điểm thi môn Địa lý đạt 9”- thầy Dũng khoe, mỗi học viên có thành tích với thầy là cả niềm tự hào.

Cũng có không ít học viên không chịu đi học, thái độ học tập không tốt, học không tập trung thì giáo viên phải động viên và quan tâm các em. Thầy Dũng chia sẻ: “Đặc biệt không rầy la học sinh mà phải động viên, khuyên và khuyến khích,…”.

Sổ điểm của thầy Dũng luôn được ghi bằng viết chì, vì thầy luôn cho học sinh cơ hội gỡ điểm. Những em từng dưới trung bình bài kiểm 15 phút, trả bài không thuộc có cơ hội gỡ điểm, cộng điểm khuyến khích,… Nhờ vậy, học viên rất thích học môn của thầy.

Điều thầy Dũng ái ngại hiện nay là nhiều em học sa sút vì hoàn cảnh gia đình mà bản thân thầy chỉ khuyên giải được phần nào, không thể giải quyết được.

Đó là những học viên sống cùng ông bà vì cha mẹ ly hôn, hoặc sống cùng cha kế, mẹ kế, gia đình không hạnh phúc, không quan tâm khiến các em không tha thiết việc học, thậm chí bỏ học. Thầy Dũng kể: “Có học viên bỏ học nhiều quá, nhà trường mời phụ huynh vào báo cáo tình hình thì em này còn thuê người làm phụ huynh luôn”.

Dạy học viên bằng cả kiến thức, kỹ năng và trái tim nhà giáo nên thầy Dũng không nản lòng trước những khó khăn. Còn 2 năm nữa thầy được hưởng chế độ hưu nhưng thầy vẫn không nguôi tìm hiểu những phương pháp dạy học mới, vẫn tận tình với từng học viên.

Ông Nguyễn Thế Vinh- Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên TP Vĩnh Long- cho biết: “Thầy Dũng là người có nhiều đóng góp cho trung tâm từ thời còn là trường bổ túc văn hóa. Thầy luôn giữ gìn đoàn kết nội bộ và có tác phong chuẩn mực, hòa đồng, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp mới. Thầy là một trong số ít những giáo viên của trung tâm đạt danh hiệu “Viên phấn vàng”.

>> Kỳ 3: Mẹ Hoàng của trẻ mầm non Xuân Hiệp

Bài, ảnh: CAO HUYỀN