Tà Cú-vùng rừng quanh năm hoa nở, có tổ ong rừng to như cái đấu

03:06, 03/06/2019

"Chú ơi, không phải tháng ba mới tới mùa ong mật đâu. Ở Bình Thuận mình, mật ong gần như có quanh năm bởi tháng nào trong rừng cũng có hoa?

"Chú ơi, không phải tháng ba mới tới mùa ong mật đâu. Ở Bình Thuận mình, mật ong gần như có quanh năm bởi tháng nào trong rừng cũng có hoa? Ví dụ, tháng giêng là mùa trâm chua; tháng hai, tháng ba mùa trâm bột; tháng tư mùa nhãn rừng, xương cá; tháng năm mùa sài hồ, tràm giấy...” Nguyễn Phục, một chàng trai ngoài hai mươi lăm tuổi, nói.

 Nguyễn Phúc với tổ ong ruồi trên tay.
Nguyễn Phúc với tổ ong ruồi trên tay.

 “Vậy sao người ta nói: “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật?”. Lần này, Phục cười, rồi nói: “Bài hát đó đề cập đến mùa hoa rừng Tây nguyên. Có lẽ vì tháng ba, rừng Tây nguyên có nhiều mùa hoa cùng lúc chăng?”.

Tôi đang trò chuyện với Nguyễn Phục, con trai của anh Năm Rừng ở thôn Văn Kê, xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam) về nghề “ăn ong”, bởi nhiều năm nay, Phục và em ruột của mình là Nguyễn Phúc... là hai bạn trẻ ăn ong nổi tiếng của Văn Kê. Tổng số  mật  hai anh em lấy từ rừng về khá nhiều.

Với giá 900.000 đồng/ lít, hai anh em giúp cha mẹ mình có thêm nguồn thu kha khá, khi mà nghề nông ở Tân Thành nói chung đa phần dựa vào rẫy, vườn và nghề biển gần bờ. Để tôi mục sở thị, Nguyễn Phục đồng ý “thiết kế” một ngày ăn ong ở khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, nơi theo Phục nói kiên trì cũng tìm được những tổ ong chất lượng không khác gì ong ở rừng núi Bể của huyện Hàm Tân.

  Một tổ ong trong rừng Tà Cú.
Một tổ ong trong rừng Tà Cú.

Chúng tôi lên đường từ sớm. Điểm đến là khu rừng sến, nằm cạnh đường liên xã, nối từ cây số 23 quốc lộ 1A, xã Hàm Minh vào  xã Thuận Quý. Đồ nghề mang theo là chiếc thùng nhựa, chiếc rựa, con dao bén, thức ăn, nước uống.

“Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú nằm bọc mấy xã liền của huyện Hàm Thuận Nam, trong đó rừng sến thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt thường xuyên có người của khu đi tuần tra. Chính vì vậy rừng còn khá dày, ong rất nhiều”, Phục nói khi chúng tôi tới bìa rừng...

Rồi theo sự hướng dẫn của Phục, chúng tôi vừa đi vừa quan sát. Lắm lúc gặp những lùm bụi, Phục và Phúc dừng lại quan sát khá lâu. Và khá bất ngờ, Phục chỉ tôi nhìn lên một  cành cây sến,  nơi có tổ ong đầy ong mật bao bên ngoài.

Phục giải thích: “Mùa này mưa chưa nhiều nên ong còn làm tổ trên cao. Tháng sáu trở đi, khi mưa nhiều và nhất là những tháng có gió bấc, ong làm tổ gần sát đất, trong các lùm bụi…”.  Sau câu nói đó, Phục nói Phúc chuẩn bị ăn ong.

Lúc này, Phúc dùng rựa phát đám cây bụi đầy lá xanh. Lá xanh rải ra thành lớp trên mặt đất. Chính giữa lớp lá xanh, Phúc và Phục đặt lá khô, cành khô… rồi  bó tròn như cuộn bánh tráng, cũng như lấy dây rừng buộc lại cho chắc chắn. Bó lá sau đó được xỏ qua thanh le tươi, dài, nhìn chẳng khác gì một cây chổi lông gà dùng quét trần nhà trong các ngày lễ tết.

Phúc nhờ tôi rạch  khe nhỏ của bó lá, đốt phần lá khô bên trong. Lá khô cháy, bị lá xanh bên ngoài ngăn lại, trở nên nhiều khói đen, dày và lan ra khá nhanh. Phục nhanh tay leo lên cây, mang theo  thùng nhựa và con dao bén; tìm một nhánh ba, làm chỗ đứng, mắt trông ra tổ ong, chờ đợi. 

Còn Phúc, đứng dưới đất, đưa cây có bó lá đang cháy đến gần tổ ong, quơ vòng vòng mấy lần để xua ong rời tổ. Ong gặp khói bay toán loạn, có lúc trông như một chiếc chiếu đen rộng trên đầu. Tôi nghe Phục hét lên trong tiếng ong bay vù vù: “Chú bình tĩnh đừng chạy”.

Rồi như một chú sóc, Phục áp sát tổ ong, dùng dao cắt một phần tổ, bỏ vào chiếc thùng nhựa... Phục nói khi chúng tôi rời tổ ong khoảng vài chục mét: “Phần này cũng được  5 - 6 lít mật”. “Sao không cắt hết mà chỉ cắt một phần tổ ?”. “Để ong xây tổ trở lại chú, nhờ đó mình  có mật  lấy lần sau.”

Tiện đó, Phục cũng kể với tôi người ăn ong có mấy điều lúc nào cũng tuân thủ. Đó là phòng cháy cho rừng nhất là trong những tháng nắng; bảo vệ đàn ong một cách tốt nhất nếu có thể; không pha nước vào lượng mật ong mình lấy được, coi như đó là cách làm ăn trung thực...

Có thể nói, trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, có không ít tổ ong mật. Bằng chứng, trên đường ra khỏi rừng, chúng tôi gặp vài nhóm đi lấy ong mật khác, cũng là người Tân Thành như Phục và Phúc. Tất cả đều có mật ong mang về

Theo Báo Bình Thuận

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh