Tháng 5, thăm Đền thờ Bác Hồ

Cập nhật, 08:57, Chủ Nhật, 26/05/2019 (GMT+7)

 

Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Bác Hồ là địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ
Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Bác Hồ là địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi có dịp được về huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) thăm và dâng hương tại Đền thờ Bác. Theo giới thiệu của thuyết minh viên, Đền thờ được khởi dựng sau ngày Bác đi xa và khánh thành đúng kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5/1970. 

Khởi thủy ngôi đền chỉ được lợp bằng tranh tre gỗ lá. Cho dù bị giặc quấy phá, càn quét, nhưng quân và dân địa phương đã đấu tranh chống giặc phá hoại, gìn giữ, hương khói thờ Bác không một ngày gián đoạn.

Câu chuyện cổ tích

Cù Lao Dung được ví như một dải lụa xanh mướt nằm giữa dòng sông Hậu chở nặng phù sa. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Cù Lao Dung đã kiên cường đấu tranh, hy sinh nhiều xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đến Cù Lao Dung không chỉ nghe người dân kể về vùng đất từng là căn cứ địa của Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Sóc Trăng mà còn được nghe kể những câu chuyện về Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Bác Hồ như một câu chuyện cổ tích.

Chị Trầm Thị Phi- thuyết minh viên- cho biết: Năm 1969, giữa lúc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang hồi ác liệt, khó khăn thì một tin buồn to tác ập tới: Bác Hồ- vị cha già của dân tộc đã lâm bệnh và đột ngột qua đời. Khi hay tin Bác Hồ mất, quân dân Cù Lao Dung đã tổ chức lễ truy điệu và để tang Bác.

Hàng ngàn người dân đã đến dự và nhất trí đồng kiến nghị với chính quyền nên lập ngay một ngôi đền trên đất Cù Lao Dung này để ngày đêm bà con có nơi tưởng nhớ và phụng thờ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Thể theo nguyện vọng vô cùng tha thiết và chính đáng đó, Đền thờ chính thức khởi công xây dựng từ ngày 3/2/1970 đến 19/5/1970 thì hoàn thành.

Bà con đồng lòng hợp sức quyên góp tiền bạc, vật liệu dựng lên ngôi đền nhỏ ở ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú (cũ), nay thuộc xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, để thờ cúng, thắp nhang Bác hàng ngày.

Trong quá trình xây dựng, nhiều lần địch tổ chức càn quét, bắn phá ác liệt nên các tay thợ phải tranh thủ làm vào buổi chiều và ban đêm. Tre, gỗ được anh em thanh niên đốn, đẽo, gọt sẵn chở đến, lá dừa nước cũng được chị em phụ nữ chằm sẵn ở nhà rồi chở lại.

Chị Trầm Thị Phi tự hào xen lẫn xúc động thuyết minh: Có những lần máy bay ném bom vừa đi qua, các chú, các anh từ dưới hầm trú ẩn lên, cứ để mình mẩy bùn sình mà làm. Công việc xây dựng thật khó khăn và nguy hiểm, vì địch có thể bất thình lình càn quét hoặc tầm đạn nhọn từ đồn Lòng Đầm, Rạch Chồn có thể bắn ra bất cứ lúc nào... Nhưng với tấm lòng kính yêu Bác vô hạn, cùng sự quyết tâm, tích cực của quân dân, đền thờ Bác cũng hoàn thành sớm hơn dự kiến.

Bất ngờ vì trong vùng cù lao sông nước này lại có đền thờ Bác Hồ, lính giặc nhiều lần tìm cách đốt phá nhưng đều bị nhân dân đấu tranh quyết liệt để bảo vệ. Bà con còn dùng đòn tâm lý, hù dọa bọn chúng “Ai mà đụng đến đền thờ, người ấy chết không toàn thây.”

Nhờ vậy, lính giặc bớt hung hăng. Không những thế, mỗi khi đi ngang qua đền, lính giặc thường ghé vào thắp nén nhang cho Bác, thường gọi Bác là Ông Hồ, Ông Cụ chứ không dám dùng lời lẽ thất kính. “Từ khi hoàn thành cho đến ngày toàn thắng, đền thờ Bác không lúc nào không ấm hương khói”- chị Phi cho hay.

Năm 2018, Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Bác Hồ đã đón trên 33.000 lượt khách đến viếng, tham quan.


Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống

Về Cù Lao Dung giữa những ngày tháng 5 rực rỡ cờ hoa, chúng tôi cảm nhận làng quê khang trang, giàu đẹp hơn xưa, bà con đã ổn định đời sống, từng bước làm giàu. Cù Lao Dung hôm nay đã đổi thay, nhưng câu chuyện kể về Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh thì bà con nơi đây vẫn cứ nối tiếp nhau truyền cho con cháu.

Theo thuyết minh viên, qua thời gian và chiến tranh, đền thờ dù được bảo quản tốt nhưng cũng hư hỏng nhiều. Do đó, chính quyền địa phương và nhân dân nhiều lần tu sửa, mở rộng. Cuối năm 2001, đền thờ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Từ năm 2010, đền được quy hoạch mở rộng và xây mới trên nền đất cũ để nhân dân các nơi có thể về viếng thăm, nghiên cứu lịch sử và tìm hiểu về tấm lòng người dân miền Nam đối với Bác Hồ. Ngày 19/5/2013, công trình Đền thờ Bác Hồ mới đã chính thức khánh thành.

Qua bao năm tháng tạo dựng và kiên trì, dũng cảm đấu tranh gìn giữ, giờ đây Đền thờ Bác đã trở thành niềm kiêu hãnh truyền đời của người dân xứ cù lao. Đến đây, khách tham quan sẽ cảm nhận được toàn cảnh đền thờ thật trang nghiêm nhưng không kém phần nên thơ, mộc mạc và luôn sống động. Nhìn từ xa, nhà tưởng niệm mang hình tượng hoa sen cách điệu hiện lên trên khuôn viên rộng hơn 2ha. Cùng với đó là nhiều hạng mục công trình như ao sen hai bên, đền thờ chính, nhà quản lý trưng bày các hiện vật lịch sử, sân lễ, đồi nhân tạo, công trình cây xanh, …

Đền thờ Bác Hồ là địa chỉ đỏ quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nơi hội tụ tấm lòng của bao thế hệ đồng bào, chiến sĩ miền Nam với Bác… Thầy Hiếu Trịnh Trung Hiếu- giáo viên Trường Tiểu học An Thạnh 2A (xã An Thạnh 2 ở Cù Lao Dung- cho biết: Năm nào, trường cũng tổ chức cho học sinh đến đây viếng Bác gắn với các hoạt động báo công dâng Bác, kết nạp đội viên, tuyên dương cháu ngoan Bác Hồ… “Mỗi lần đến đây được nghe kể về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Người, về nhân dân cù lao kiên cường trước mũi tên, bom đạn của giặc, quyết tâm xây dựng, gìn giữ Đền thờ Bác mà cảm động vô cùng”.

Đền thờ Bác ở Cù Lao Dung không chỉ tạo được ấn tượng đẹp từ những câu chuyện kể về lịch sử ngôi đền, về nét đẹp văn hóa tổ chức giỗ Bác Hồ hàng năm của người dân cù lao. Mà câu chuyện về Bác Hồ- một vĩ nhân “Chí khí tráng sơn hà anh hùng cứu nước duy hữu nhất- Minh tinh quang vũ trụ Á Âu hào kiệt thọ vô song” vẫn sẽ luôn ngự trị và sáng mãi trong tim người dân đất Việt.

“Đến đây như thấy Bác soi rọi tâm hồn mình và quyết lòng sống tốt, cùng xây dựng quê hương như nguyện ước lúc sinh thời của Bác. Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn”- chị Phan Anh Đào (Tam Bình) chia sẻ.

Còn có một câu chuyện rất xúc động hơn nữa đó là từ ngày có Đền thờ Bác đến nay, mỗi năm cứ đúng ngày mùng 3 tháng 9, người dân ở Cù Lao Dung đều tổ chức giỗ Bác. Các gia đình lại sắm sanh lễ phẩm, đơn sơ chỉ là những sản vật địa phương nhưng lại chứa đựng tất cả niềm kính yêu của người dân với Bác và mong Bác phù trì cho mỗi gia đình, cho quê hương, đất nước không ngừng hạnh phúc, ấm no, thịnh vượng...

Bài, ảnh: CẨM HUỆ