"Thà chết không được đầu hàng nghe con!"

Kỳ 2: Dành nửa bồ lúa nuôi cách mạng

Cập nhật, 09:26, Thứ Năm, 26/07/2018 (GMT+7)

Dọc theo con đường nhựa vào UBND xã Song Phú (Tam Bình), trường trạm khang trang, những ngôi nhà tường kiểu mới mọc lên tôn thêm vẻ đẹp cho con đường xanh mát. Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Nhung ngồi móm mém nhai trầu trước hiên nhà. Nhà mẹ Nhung cũng nằm cặp con đường láng nhựa với những hàng cây xanh xanh, khoảng sân rộng rãi trước nhà.

Nơi đây, đã từng có hàng chục chiến sĩ cách mạng nương náu, mẹ Nhung không nhớ rõ bao nhiêu người chỉ biết “ba nồi cơm bự độn khoai, cho anh em ấm lòng đánh giặc”.

Mẹ hạnh phúc vì gia đình được góp chút công sức cho độc lập.
Mẹ hạnh phúc vì gia đình được góp chút công sức cho độc lập.

“Không lấy xác thằng Hai nữa”

Mẹ Nhung 96 tuổi nhưng những câu chuyện ngày xưa vẫn còn như in trong lòng mẹ. Chú Nguyễn Văn Út- con trai út mẹ Nhung- khoe với chúng tôi: “Hồi chiến tranh, ăn cơm độn, cày cấy cực khổ như đàn ông nhưng giờ mẹ còn minh mẫn lắm. Con cứ nói chuyện với mẹ đi, mẹ nhớ hết”.

“Thằng Hai tui hồi đó nó mần chức gì tui không biết, mãi tới khi nó có giấy báo tử tui mới biết nó làm tình báo trên tỉnh, là thị ủy viên”- mẹ Nhung mở đầu câu chuyện. Mẹ Nhung biết con làm cách mạng nhưng mỗi lần về quê thì lại ăn mặc chỉn chu, tới nhà mới thay đồ khác, lúc đó mẹ cũng hơi buồn và hỏi “sao con không mặc đồ mẹ may”.

15 tuổi, con trai thứ hai của mẹ Nhung là Nguyễn Văn Gấm tham gia cách mạng và hy sinh năm 1965. Mẹ Nhung mắt đỏ hoe khi kể về tháng 8/1965. Khi nước tràn đồng, chú Hai từ thị xã về quê.

Đến đoạn qua cầu Di Cư thì xuống xe định vô đồng thì bị lộ do có kẻ chỉ điểm. Chú Hai bị địch chặn bắn, chú chống trả quyết liệt và hy sinh. Bọn chúng kéo xác chú Hai về đồn treo lên một ngày thì được người dân thương tình dỡ xuống chôn cất nhưng bọn lính lại buộc chôn cạnh đồn.

Thương con, mẹ Nhung giả đò đi giặm lúa thuê để tìm mộ con. Khi hỏi thăm biết con nằm ở đâu, mẹ cùng đồng đội của con tổ chức đi lấy xác mấy đêm liền nhưng đều không thành.

Mẹ vừa kể vừa xăn ống quần: “Đó, hồi đó tui xăn ống quần lên vầy nè để chạy với mấy chú đi lấy xác con. Tụi nó bắt chôn gần đồn để dụ tụi tui ra nên 3- 4 lần ra đều dém chết”. Mẹ Nhung không lo cho thân mình, nhưng nghĩ đến anh em nên chủ động đề nghị “không lấy xác thằng Hai nữa, đợi hòa bình tui lấy cốt con về”. Mẹ Nhung tin là con trai cũng ủng hộ quyết định đó.

Người con trai thứ năm tên Nguyễn Văn Đen của mẹ Nhung cũng liệt sĩ. 17 tuổi, chú Năm đã tham gia cách mạng. Tháng 4/1969, chú hy sinh, lúc đó là Bí thư Chi bộ xã Song Phú này.

Mẹ Nhung còn nhớ như in cái chòi lá giữa đồng và cái đêm con trai, con dâu bị biệt kích bắn “lúc đó, 2 đứa mới làm lễ tuyên bố được 1 tháng 10 ngày”. Hình ảnh người con trai còn đang nằm gối đầu trên thùng đạn “bị bắn nát đầu” và người con dâu cạnh bên “bị bắn tan lồng ngực”- mẹ Nhung không quên được.

Nước mắt mẹ cứ vậy trôi ngược vào lòng để rồi mẹ cùng chồng, cùng các con tiếp tục làm địa phương cho cách mạng. Chú Út góp chuyện: “Má khóc lén không hà, vì ở vùng kiềm, nửa nạc nửa mỡ vầy đâu dám tin ai”.

Mẹ nói: “Thằng Tám Thành lớn lên, tui cho nó theo cách mạng. May mắn hơn 2 anh, nó chỉ bị thương ở tay. Đi mần Nhà nước sau giải phóng, giờ cũng hưu rồi”.

Trong gia đình, mẹ Nhung còn có một người chị em dâu là bà Trần Thị Nhàng, ngụ cùng xã được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

“Đánh giặc miệng”

“Ấp Phú Hữu Yên, hồi chiến tranh chỉ có đường nhảy dù, bà con chủ yếu đi xuồng và cả cây số mới có một nóc nhà”- mẹ Nhung móm mém. Ấy vậy mà trước ngôi nhà lá của mẹ Nhung, có khi có đến mấy chục chiếc xuồng.

Mẹ Nhung và chồng là ông Nguyễn Văn Thường (đã mất 20 năm trước) có 8 người con. Ngoài 2 người con là liệt sĩ Nguyễn Văn Gấm và liệt sĩ Nguyễn Văn Đen, mẹ còn một người con tên Nguyễn Văn Thành là thương binh 3/4.

Bản thân mẹ và chồng là người có công nuôi chứa cách mạng. Mẹ Nhung cười: “Mấy đứa nhỏ sau ngày giải phóng cũng làm Nhà nước hết, con rể tui cũng tham gia cách mạng mới chịu”.

Chú Út bổ sung: “Ba tui cũng làm nhiều việc như giao liên, hoạt động hợp pháp nên bị bắt tù đày”. Mẹ Nhung bùi ngùi: “Ông nhà tui không chết trong chiến tranh nhưng bị vết thương lúc ở tù hành hạ”.

Ông Thường từng bị địch bắt tù đày 6 tháng tại khám lớn Vĩnh Long. Mẹ nói: “Thằng Tám Thành lớn lên, tui cho nó theo cách mạng. Rồi thằng Út mới 11 tuổi cũng đã đòi theo cách mạng. Mấy anh em phải giao việc gác đường cho nó thì nó mới chịu”.

Trong căn nhà lá ấy- nơi ẩn nấp của nhiều anh hùng, chú Út khoe: “Anh hùng Lưu Văn Liệt cũng từng ở đây rất nhiều ngày”. Còn mẹ Nhung thì không quên những lần mém chết vì nhà đang nuôi chứa gần chục chiến sĩ cách mạng mà lính gần 30 tên đi ngang.

Bình tĩnh để “đánh giặc miệng” với bọn chúng, mẹ vờ ra hỏi thăm có ai thấy thằng Hai tui đâu không, nó theo mấy chú mà lâu quá chưa thấy về. Miệng nói, mắt tìm, tay bắt mặt mừng lính, mẹ còn không quên mời “mấy chú ở lại tui nấu cơm cho ăn”.

Cũng trong ngôi nhà lá đơn sơ ấy, có đến 6 chiếc lu lớn (mỗi lu trú được 4 người) được âm xuống đất để làm hầm bí mật. Nhà đơn sơ vách lá, nhưng lu xi măng làm hầm thì lại chắc chắn và được che chắn kỹ càng.

Chồng con tham gia kháng chiến, ruộng vườn con cái một tay mẹ chăm lo. Mẹ nói: “Hồi đó tập ăn trầu cũng vì đi cấy, cày khuya khoắc. Làm 20 công ruộng, ba chồng tui kêu đem theo ăn cho ấm bụng. Làm lúa về dí vô bồ chung, nửa bồ lúa nuôi con, nửa bồ lúa nuôi cách mạng. Nhớ những khi không đủ gạo ăn phải ăn cơm độn khoai”- rồi mẹ chỉ về phía mé sông vui vẻ- “Được cái hồi đó cá nhiều lắm, mỗi lần nấu bánh canh xay 10 lít gạo, nấu 3 nồi bánh canh tổ chảng cho anh em bộ đội ăn ngon lành”.

Đại diện đơn vị phụng dưỡng quây quần bên mẹ Đặng Thị Nhung.
Đại diện đơn vị phụng dưỡng quây quần bên mẹ Đặng Thị Nhung.

Chiến tranh đã đi qua, con “đường nhảy dù” trước cửa nhà giờ đã thành đường xe hơi bon bon chạy. Căn nhà lá nền đất ngày nào đã thay bằng nhà tường nền gạch cao ráo, khang trang. Mẹ Nhung móm mém: “Tui tin Đảng, tin Bác Hồ và tin có ngày hòa bình hạnh phúc này. Buồn có, nhưng hãnh diện vì gia đình được góp chút sức cho độc lập”.

“Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và những người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều”.

>> Kỳ cuối: Giọt nước mắt ngày hòa bình

Bài, ảnh: NHÓM PV VĂN HÓA