Tùy bút

Đạp lúa ngày xưa

Cập nhật, 06:27, Chủ Nhật, 22/07/2018 (GMT+7)

Đã hơn bốn mươi năm rồi mà hình ảnh đạp lúa ngày xưa cứ đeo đẳng trong ký ức của tôi. Hồi đó, quê tôi- Bến Tre chỉ làm mỗi năm một vụ lúa mùa khi mưa dầm. Gieo mạ, sạ, cấy, giặm, gặt lúa đều dùng sức người với hình thức quen thuộc “vạn vần đổi công”.

Thu hoạch xong, lúa chất từng bó ngoài đồng cho khô, người nghèo thường căng manh bồ xung quanh trên mặt ruộng để đập lúa bằng tay. Người khá giả cộ lúa về nhà bằng trâu, bò, kể cả thuê người gánh lúa về bằng đòn xóc hai đầu.

Lũ trẻ chúng tôi thường lân la quanh các bãi trâu, bò đạp lúa để nghe chú nài tha hồ hò hét “... ví, thá...”. Từng đôi trâu hay bò bị “khớp” miệng bằng chiếc sọt tre để khỏi “tranh thủ” cúi xuống ăn lúa.

Có nơi hiếm hoi thì chỉ dùng một con trâu, bò để đạp lúa. Chúng to, khỏe, khá nặng ký để đạp, hạt lúa mau rời khỏi bó lúa được chất hình tròn, đạp từ ngoài vào trong. Khi nào thấy lúa không còn dính vào rơm thì người điều khiển cho dừng lại và thay vào những bó lúa mới. Lúc này trâu, bò được nghỉ “giải lao”.

Khi hết mẻ lúa, người ta dừng lại để hốt lúa vào bao, sau đó mang ra chỗ có gió mạnh để giê lấy lúa chắc. Rơm được chất thành cây cao nghệu, đẹp mắt, dẽ cứng.

Có khi phải dùng thang tre mới chất hết do lượng rơm khá nhiều. Còn sân để đạp lúa thường bằng đất “thịt” được chủ nhà cào bằng bóng láng và nện rất chắc. Thường thì người thuê đạp lúa trả công cho người có trâu bò bằng lúa theo sự thỏa thuận đôi bên.

Chúng tôi lúc nhỏ thường tụ tập xung quanh bãi đạp lúa để “mót” lúa lép về cho gà vịt ăn. Cạnh đó còn xúm xít chơi bắn cu li, nhảy lò cò, bông vụ, chơi banh chuyền đũa, đánh đáo, đánh “trỏng”...

Vui nhất là những đêm trăng sáng lúc “đông ken”, làng quê tôi đầy dẫy sân đạp lúa thâu đêm. Người lớn uống trà hay khề khà ly rượu đế kể chuyện đời xưa hoặc đờn ca tài tử. Phụ nữ thì nấu bánh tét, bánh ú, bánh ít, bánh canh phục vụ cánh đàn ông đang lao động mừng mùa lúa mới.

Thời đại @ rồi. Bây giờ gieo sạ, cấy, gặt, suốt lúa đều được cơ giới hóa và làm ngay trên đồng ruộng. Có cả máy gặt đập liên hợp “công suất” bằng cả trăm lao động sức người. Mừng. Nhưng cứ buồn buồn khi thoáng bất chợt bắt gặp hình ảnh đạp lúa xưa trên phim ảnh, trong sách vở, qua lời kể người xưa.

Nhớ lắm những chú trâu, bò to mộng, hiền lành lao động giúp người làm nên hạt lúa. Nhớ tiếng hô”... ví, thá...”, nhớ tiếng rống “hườm... hườm...” quen thuộc chơn chất hồn quê. Nhớ những đêm trăng huyền dịu êm ả chở đầy tuổi thơ trong trắng hồn nhiên mà biết tìm đâu trong cuộc sống hiện đại bây giờ...

SONG ANH