"Thà chết không được đầu hàng nghe con!"

Cập nhật, 05:01, Thứ Tư, 25/07/2018 (GMT+7)

Tháng 7, những con đường quê quanh co dẫn chúng tôi về với mẹ Việt Nam anh hùng. Được lắng nghe, được trải lòng mình với những chuyện lòng của mẹ.

“Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử”- xin mượn lời bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” của Tố Hữu để nói về những liệt sĩ đã hy sinh thân mình vì độc lập tự do cho dân tộc. Và những liệt sĩ ấy, mãi sống trong lòng mẹ Việt Nam anh hùng, bất tử với thời gian.

Nhân dịp 27/7 này, Báo Vĩnh Long tiếp tục kể câu chuyện của 3 Mẹ Việt Nam anh hùng, chan chứa biết bao yêu thương, lòng tự hào, kính trọng của thế hệ trẻ hôm nay dành cho sự nghiệp anh hùng của các mẹ.

Kỳ 1: Hầm chắc hơn nhà tốt

Má Sáu dặn con: “Thà chết chứ không được đầu hàng”.
Má Sáu dặn con: “Thà chết chứ không được đầu hàng”.


Má Sáu là cách gọi thân mật mà những người con ruột, con nuôi gọi Bà mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Phú (ấp Hiếu Liên, xã Hiếu Thành- Vũng Liêm).

Về với má Sáu, chúng tôi say sưa theo dòng ký ức sống động, “kể đến suốt đời cũng không sao hết chuyện” của má. Nơi mà sự sống và cái chết kề nhau gang tấc. Nơi mà “hầm chắc hơn nhà tốt”, tháng 2, tháng 3 ra ruộng, bom đạn xới đất lên như máy cày…

“Lúc đó không biết sợ là gì hết”

Má Sáu- Huỳnh Thị Phú năm nay 87 tuổi, có chồng và 3 người con tham gia cách mạng. Má cười: “Đây là vùng giải phóng mà, nhà nào cũng theo cách mạng. Con tui lớn lên… Thằng Hai, thằng Ba, thằng Năm đều theo cha làm cách mạng”.

Chồng má Sáu- liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng- từng là Trưởng Phòng Huấn luyện của Quân khu 9, “bộ đội đi tới đâu huấn luyện tới đó”.

Mối duyên gặp gỡ giữa má Sáu và ông cũng nhờ những ngày ông về Hiếu Liên luyện quân.

Má Sáu còn nhớ như in ngày chồng hy sinh: “Thằng tiểu đoàn phó làm gián điệp, máy bay bắn không chừa một ai, chồng tui bị bắn chết giữa ruộng. Lúc đó, tui ôm thằng út mới 2 tháng tuổi trốn dưới hầm, khóc không ra tiếng”- mắt má Sáu đỏ hoe- “Lính đóng quân lại, nên không dám đem xác ông vô nhà, tẩn và chôn ông liền ngay ngoài sân”.

Câu chuyện của má thêm phần xúc động khi người con thứ 5- chú Năm Rúp- bổ sung: “Cha tui bị đạn trúng tới 2 lỗ sau lưng. Má tui vừa khóc vừa lấy gòn nhét hoài vào vết thương, mà nhét hoài không đầy”.

Chồng mất, các con lớn lên cũng nối gót cha. Má Sáu đứt ruột tiễn con đi, đứa nào đi má cũng dặn: “Thà chết chứ không đầu hàng nghe con!”

Năm 1972, đảm nhiệm vai trò Tiểu đội trưởng du kích, trong trận đánh biệt kích ở Đìa Dứa (ấp Trung Hòa, xã Trung An- Vũng Liêm), con trai thứ hai của má Sáu hy sinh. Má Sáu nhìn ra sân, rưng rưng: “Thằng Hai bị lính bộ binh vây, bắn chết giữa ruộng. Nó cùng được đồng đội và tui tẩn liệm trước sân này, cái hàng ván tạp, không đám tiệc, không chiếu chăn chi hết”.

Mất mát, hy sinh nhiều đến nỗi có khi xóm nhỏ mà tới “7- 8 người hy sinh cùng lúc”, nhưng chú Ba- Nguyễn Văn Sua- và chú Năm Rúp vẫn kiên quyết theo cách mạng: “Lúc đó không biết sợ là gì hết”.

Túm gạo nghĩa tình

Khi chồng và các con đấu tranh từng phút giành lại độc lập cho đất nước, má Sáu luôn là hậu phương vững chắc góp sức cho cách mạng.

Có những khi trung đội gần 20 người về lúc 2- 3 giờ sáng, má Sáu vội vã đi nấu cơm, khi họ rời đi, má liền đi lượm, quét dọn sạch sẽ tàn thuốc lá, “khi anh em than không có gạo ăn, tui ôm nguyên hũ gạo ra, lấy khăn tắm túm cho mỗi người một túm”- má Sáu nhớ lại.

Cảm động bởi tính cách gần gũi, nhiệt tình, ai đến nhà má Sáu trú ngụ cũng gọi tiếng thân thương là “má”, có những người dưỡng thương ở đây lâu rồi nhận má làm má nuôi. Má kể: “Đứa nào tới nhà cũng kêu tui bằng má, nó nói “má ơi, cho con làm con của má để con đỡ nhớ nhà”.

Có những anh em bị thương, nằm nhà má Sáu mấy tháng trời, hòa bình bao nhiêu năm rồi mà “thằng Rỡ mần ăn ở Bình Dương, năm nào cũng nhớ ngày đám giỗ ông nhà mà chạy về”, “thằng Ba Đông ở Trà Vinh nói ngủ chuồng bò nhà má Sáu cũng thấy sướng”,...

Chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Phú
Chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Phú

“Ở xóm này, những năm 60, 70 như cái rừng toàn cây tạp. Con nít trong xóm lớn lên theo cách mạng, người ở nhà thì nuôi người đi”- má Sáu nói. “Hồi đó làm gì có đường đan như giờ, ra vô khỏi xóm này toàn bò thôi, cây tạp dây nhợ chằng chịt”- chú Năm nói thêm đó là thế trận của mình để đánh du kích.

Bà con trong xóm đoàn kết, thương yêu nhau hột muối cắn đôi, những hy sinh mất mát không biết sao mà đo lường cho được. Cứ vài ba hôm là có anh em chiến sĩ hy sinh, chở về đây, má Sáu chỉ tay ra sân “ngay gốc cây cóc đằng kia đã tẩn liệm không biết bao nhiêu anh em mình rồi. Mỗi lần nhà đám giỗ, tui lại dọn ra đó một mâm cơm”.

Chú Năm bồi hồi, bổ sung: “Anh em mới cùng ngồi ăn cơm đây mà đi ra là chết, không biết chết giờ nào. Thời đó quan tài giấu sẵn dưới bưng, anh em hy sinh thì đào lên, rửa sạch, chôn cất, độn rơm vô chứ có cái gì đem theo đâu”.

Rồi chú Năm kể về những ngày gian khó đi chợ mua pin, mua đồ y tế phục vụ cách mạng và đào hầm lớn giữa sân để giấu đồ. Chú cười, nhắc lại khẩu hiệu thuộc nằm lòng thời ấy: “Hầm chắc hơn nhà tốt!”

Những ngày tháng 4 lịch sử, khi mà mỗi ngày mình nghe tin đài, báo nơi nơi giặc buông súng đầu hàng, giải phóng Xuân Lộc tiến vào Sài Gòn thì ở đây vẫn còn ác liệt. Đêm 29/4, tiếp quản hậu cứ Nhà Đài, “có lệnh đầu hàng rồi mà quân địch còn bắn lại… 5h sáng 30/4/1975, chúng mới chịu buông súng đầu hàng”.

Cơn mưa tháng 7 rả rích rồi rời đi, trả lại bầu trời hửng nắng. Từng giọt mưa đọng lại, tưới mát cây cối, đất đai, dần xóa đi những nỗi buồn trong ký ức của mẹ. Trước sân nhà này, bao người con đã ra đi và mãi mãi không về. Bầu trời bình yên xanh ngắt này đây, được đổi lấy bằng mồ hôi, máu và nước mắt của bao thế hệ anh hùng.

Chiến tranh đã lùi xa 42 năm. Toàn tỉnh Vĩnh Long có 2.874 mẹ vinh dự được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 196 mẹ còn sống. Vì vậy, được thăm nom, được nghe, viết câu chuyện về mẹ, chúng tôi rất vinh dự và xúc động. Bởi lẽ, chỉ cần chậm trễ thời gian nữa, thì câu chuyện về mẹ sẽ trở thành dĩ vãng qua hồi tưởng của người thân. Và, đối với chúng tôi đó sẽ là một hối tiếc mênh mông.

Bài, ảnh: NHÓM PV VĂN HÓA

>> Kỳ 2: Dành nửa bồ lúa nuôi cách mạng