Mại dâm "núp bóng" dịch vụ nhạy cảm

Cập nhật, 05:06, Thứ Tư, 03/04/2019 (GMT+7)

Lợi dụng việc kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm như: khách sạn, karaoke, massage,… nhiều chủ cơ sở “bật đèn xanh” để nhân viên hoạt động mại dâm hoặc ngó lơ để hoạt động phạm pháp này diễn ra nơi mình quản lý. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng này đã diễn ra rất phức tạp, tinh vi.

Cơ quan chức năng lập biên bản, lấy lời khai trường hợp mua bán dâm.
Cơ quan chức năng lập biên bản, lấy lời khai trường hợp mua bán dâm.

Mại dâm trá hình

Theo thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có hơn 1.300 cơ sở kinh doanh các dịch vụ lưu trú, karaoke, massage, vũ trường...

Số tiếp viên làm việc trong các cơ sở này là hơn 1.800 người, trong đó khoảng phân nửa là nữ và chỉ có khoảng hơn 430 nhân viên có hợp đồng lao động.

Năm qua, Đội kiểm tra liên ngành phòng chống tệ nạn mại dâm tổ chức kiểm tra tại 71 cơ sở, lập biên bản nhắc nhở 25 cơ sở và chuyển cơ quan chức năng có liên quan xử phạt hành chính 5 cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, phối hợp với lực lượng công an tổ chức kiểm tra và phát hiện 14 cơ sở có liên quan đến hoạt động mại dâm. Qua đó, đề nghị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 12 cơ sở và 8 cặp có hành vi mua bán dâm, đồng thời chuyển hồ sơ đề nghị khởi tố 1 cơ sở chứa mại dâm.

Qua điều tra cho thấy, hoạt động mại dâm ngày càng đa dạng, diễn biến phức tạp, phổ biến là lợi dụng danh nghĩa việc kinh doanh khách sạn, massage, gội đầu thư giãn… để mua bán dâm.

Người bán dâm chủ yếu đến từ các tỉnh khác và chọn địa điểm là các khu công nghiệp, địa bàn giáp ranh để hành nghề.

Đầu tháng 1/2019, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) bất ngờ kiểm tra một nhà trọ ở xã Tân Hội (TP Vĩnh Long), phát hiện 3 cặp thanh niên nam nữ đang thực hiện hành vi mua bán dâm.

Các cô gái khai nhận là tiếp viên của quán giải khát gần đó, khi có khách sẽ gợi ý việc “vui vẻ tới bến” với giá 250.000đ mỗi lượt, nếu đồng ý sẽ dẫn đến nhà trọ “hành sự”.

Riêng tại các cơ sở có hoạt động mại dâm trá hình, người chủ không tham gia trực tiếp mà “ủy quyền” lại cho các nhân viên lễ tân, đề phòng khi bị bắt quả tang thì không liên đới trách nhiệm. Khi khách có nhu cầu, các nhân viên này sẽ “điều đào” đến phục vụ “từ A đến Z”.

Gần đây tại nhiều địa phương, có tình trạng các “tú ông, tú bà” lợi dụng sự ham chơi, đua đòi của một số học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự giám sát của gia đình để lôi kéo vào việc hành nghề bán dâm.

Từ đó hình thành các đường dây gái gọi cao cấp, sẵn sàng cung cấp dịch vụ “tới bến” khi có khách “đặt hàng” qua mạng xã hội. Điều này theo các cơ quan chức năng đã trở nên phổ biến và khó kiểm soát.

Nhiều mô hình phòng chống mại dâm

Theo BCĐ Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, toàn tỉnh hiện có 95/109 xã- phường- thị trấn không có tệ nạn mại dâm.

Để góp phần ngăn chặn, phòng chống có hiệu quả với sự diễn biến phức tạp của tệ nạn này, các ngành, các cấp đã triển khai nhiều mô hình thiết thực, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị.

Trong đó, UBMTTQ tỉnh duy trì mô hình điểm phòng chống mại dâm tại xã Phú Quới (Long Hồ) với các CLB nhà trọ an toàn. Hội liên hiệp phụ nữ các cấp có khoảng 960 loại hình, mô hình CLB phòng chống tội phạm, có sự tham gia của hàng chục ngàn chị em hội viên.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, cũng đã hoàn thiện các nội dung cơ bản để xây dựng mô hình “Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm”.

Tuy nhiên, vấn đề kiểm tra xử lý tệ nạn mại dâm vẫn còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như, Đội kiểm tra liên ngành phòng chống tệ nạn mại dâm có quyền kiểm tra, lập biên bản các cơ sở, cá nhân hoạt động mại dâm nhưng lại không có quyền xử phạt.

Về thẩm quyền, thủ tục phải phụ thuộc vào chính quyền địa phương hoặc cơ quan có chức năng, việc xử lý chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở nên không mang tính răn đe.

Trong khi căn cứ pháp lý để xác định những người thuộc đối tượng nghi vấn hoạt động mại dâm chưa cụ thể, không sát thực tế và người bán dâm ngoài tỉnh lại khó quản lý hơn rất nhiều.

Xử lý chế tài hành vi mua bán dâm chưa đủ sức răn đe

Thống kê Công an TP Vĩnh Long, trên địa bàn hiện có hàng trăm nữ tiếp viên trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, quán karaoke, tiệm cắt tóc nữ, quán cà phê,… có biểu hiện hoạt động mại dâm, tập trung chủ yếu ở tuyến QL53 (đường Phó Cơ Điều), QL80 (đoạn các xã Tân Hòa, Tân Hội).

Hiện hoạt động mại dâm có xu hướng giảm về bề nổi, ít lộ liễu mà chuyển sang hoạt động trá hình rất tinh vi, dưới nhiều hình thức linh hoạt. Phương thức thủ đoạn của đối tượng bán dâm không có gì mới, vẫn là ngồi tại các quán cà phê, khi đối tượng mua dâm có nhu cầu đến thỏa thuận giá cả thì đến nơi khác thực hiện hành vi mua bán dâm. Tuy nhiên, xử lý chế tài các hành vi mua bán dâm hiện chưa phù hợp, chưa mang tính răn đe, giáo dục đối với người bán dâm, mua dâm, dẫn đến sau khi xử lý xong đối tượng vẫn trở lại hoạt động bình thường.

TP Vĩnh Long hiện có trên 760 cơ sở có nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội cao, trong đó có 28 khách sạn, 434 nhà cho thuê trọ, 8 nhà nghỉ; 83 vũ trường, karaoke; 216 nhà hàng, cà phê, cắt tóc, mát- xa và các loại hình kinh doanh khác.

NGUYỄN SƠN 

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG