Cam sành ruộng- nâng cao chất lượng để cạnh tranh

Cập nhật, 13:25, Thứ Ba, 26/05/2020 (GMT+7)

Cam sành được trồng với mật độ dày trên đất lúa, thâm canh cao, sản lượng lớn nhưng chất lượng trái thấp đang chứa đựng nhiều rủi ro thị trường. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, cam sành ruộng khó cạnh tranh với cam sành vườn. Do vậy, để khắc phục nhược điểm này, cam sành ruộng cần được nâng cao chất lượng trái.

Cam sành được trồng với mật độ dày trên đất lúa, thâm canh cao, sản lượng lớn nhưng chất lượng trái thấp đang chứa đựng nhiều rủi ro thị trường.
Cam sành được trồng với mật độ dày trên đất lúa, thâm canh cao, sản lượng lớn nhưng chất lượng trái thấp đang chứa đựng nhiều rủi ro thị trường.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), năm 2019 Vĩnh Long có tổng diện tích trồng cam là 10.026ha. Trong đó, huyện Trà Ôn có diện tích lớn nhất tỉnh là 4.337ha, kế đến là Tam Bình: 3.505ha và Vũng Liêm: 1.174ha.

Các địa phương trên chiếm gần 90% diện tích cam toàn tỉnh với tổng sản lượng gần 105.000 tấn/năm. Cây cam sành được nhiều nhà nông chuyển đổi sang trồng trên đất lúa, thâm canh cao trồng với mật độ dày từ 4.000- 5.000 cây/ha, khai thác sản phẩm sớm, rải vụ quanh năm, năng suất cao từ 8- 15 tấn mỗi công.

Do ảnh hưởng của đợt rớt giá thấp vào năm 2017, diện tích cam trồng mới trên đất lúa năm 2019 là 511ha, không còn phát triển ồ ạt như những năm trước đây.

TS. Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), cho biết: Vĩnh Long có diện tích trồng cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP còn thấp, chỉ gần 50ha ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình. Điều này gây khó cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Việc liên kết tiêu thụ còn yếu, lượng cam tiêu thụ thông qua ký kết hợp đồng chỉ mới chiếm khoảng 15,24% tổng sản lượng. Toàn tỉnh hiện có 5 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh cam sành, năng lực tiêu thụ bình quân 16.000 tấn/năm, chủ yếu cung cấp thị trường nội địa.

Chất lượng thấp nên cam ruộng khó cạnh tranh với cam vườn.
Chất lượng thấp nên cam ruộng khó cạnh tranh với cam vườn.

Giá cam bình quân hàng năm tại vườn dao động từ 10.000- 35.000 đ/kg. Nhà vườn có lời bình quân từ 50- 100 triệu đồng mỗi công. Tuy nhiên, việc nhà vườn nhiều nơi ồ ạt mở rộng diện tích trồng cam trên đất lúa thời gian qua đang chứa đựng nhiều rủi ro.

Đánh giá khả năng chấp nhận của thị trường đối với cam sành ruộng, TS. Đoàn Hữu Tiến- Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (thuộc Viện Cây ăn quả Miền Nam)- cho rằng cam sành ruộng không được ưa chuộng bằng cam sành vườn vì chất lượng trái thấp hơn.

Thông thường đối với cam sành, năm thu hoạch đầu tiên và năm thứ 2 trái thường bị chua. Cam vào độ tuổi từ 4- 6 thì chất lượng trái thể hiện qua độ ngọt được cải thiện. Trong điều kiện canh tác cam sành ruộng như hiện nay ở Vĩnh Long là trồng dày, cho trái sớm, thu hoạch trong khoảng 3 vụ.

Cây cam sành ruộng cho năng suất cao nhất vào năm thu hoạch thứ 2 nên chất lượng trái chưa đạt, dễ bị chua. Kết quả khảo sát còn chỉ ra rằng, nhu cầu thị trường cam sành phải đạt trọng lượng và độ lớn trái.

Những trái trên 200g, hình dạng cân đối, màu sắc vỏ trái đẹp, tép cam vàng đậm và ngọt được ưa chuộng hơn. Đây là những vấn đề mà cam sành ruộng cần phải cải thiện.

Ở một phân khúc nhất định, trái cam sành ruộng vẫn được thị trường chấp nhận nhưng do chất lượng thấp nên chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Do đó, việc canh tác cam sành ruộng cần chú ý cải thiện chất lượng trái để thương hiệu trái cam sành Vĩnh Long được duy trì và vươn xa hơn.

Giá cam sành có sự khác biệt đáng kể khi bán tại các thị trường. Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), theo bảng giá hàng ngày của ban quản lý chợ trong tháng 7/2019, giá cam Vĩnh Long (chủ yếu là cam ruộng) loại 1 đạt bình quân 19.792 đ/kg, trong khi giá bán cam sành loại 1 từ Bến Tre (chủ yếu là cam sành vườn) đạt 29.667 đ/kg.

Theo đánh giá của các đối tượng kinh doanh cam sành, cam sành ruộng có tỷ lệ hao hụt là 3,4% trong khi cam sành vườn là 2,1%. Tỷ lệ hao hụt phụ thuộc vào thời gian tồn trữ, quãng đường vận chuyển và loại cam.

Thời gian bình quân từ khi cam sành về đến nơi tập kết tại các kho, nhà đóng gói đến lúc tới tay người bán là khoảng 32 giờ. Đối với các thị trường xa như Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thì tỷ lệ hao hụt có thể lên đến 5% sản lượng. Chưa kể, trường hợp khâu thu hái, đóng gói không đảm bảo, trái cam bị nhiễm bệnh thì tỷ lệ này còn cao hơn.

TS. Đoàn Hữu Tiến cho biết thêm, cam sành ruộng tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa, trong đó các tỉnh phía Bắc chiếm 17,8%, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên chiếm 18,7% và các tỉnh Nam Bộ chiếm đến 63,5%. Cam sành vườn có thị phần tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc có tỷ lệ cao hơn cam sành ruộng.

Trong thực tế nhu cầu cam sành có chất lượng cao, ngọt đã có từ lâu ở các tỉnh phía Bắc- nhất là thị trường Hà Nội, người tiêu dùng rất ưa chuộng những trái cam sành có màu vỏ da lươn, màu sắc tép cam vàng đậm. Về đặc điểm này thì cam sành ruộng khó đáp ứng so với cam sành vườn.

Bài, ảnh: THÀNH LONG