Nhà nông tìm hiểu

Chăm sóc thỏ nuôi mùa nắng nóng

Cập nhật, 17:37, Thứ Ba, 19/05/2020 (GMT+7)

Thỏ rất nhạy cảm với nhiệt độ và khi nắng nóng kéo dài, thỏ rất dễ bị bệnh chết. Nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn cách chăm sóc thỏ nuôi mùa nắng nóng?

Trần Văn Vinh (Tân Long- Mang Thít)

Anh Vinh mến! Những ngày trời nắng nóng, anh có thể phun nước lên mái để hạ nhiệt độ, không được để ánh nắng dọi trực tiếp vào lồng nuôi. Nền chuồng phải luôn khô ráo, được dọn dẹp sạch sẽ hàng ngày, định kỳ phun thuốc khử trùng chuồng nuôi.

Mùa nắng nóng cần cho thỏ ăn nhiều thức ăn thô xanh, những loại rau lá có hàm lượng nước lớn như bắp cải, khoai lang,… giúp thỏ chống nóng và đảm bảo tiêu hóa bình thường.

Thỏ thiếu nước còn nguy hiểm hơn thiếu thức ăn. Nước đặc biệt quan trọng đối với thỏ đẻ và tiết sữa, không cung cấp đầy đủ nước uống cho thỏ dẫn đến tình trạng thiếu sữa, thậm chí thỏ mẹ ăn thịt thỏ con.

Trong thời gian nuôi con nên cho thỏ mẹ uống thêm nước đường gluco, vitamin hoặc ăn mía để nhanh phục hồi cơ thể, tiết nhiều sữa và đàn con phát triển tốt. Sau khi thỏ đẻ, mỗi ngày chỉ nên đưa ổ đẻ vào lồng thỏ mẹ một lần để cho con bú và cần có chuồng thoáng mát để thỏ mẹ nghỉ ngơi.

Với thỏ nuôi thịt mùa nắng nóng cần giãn mật độ nuôi từ 5- 6 con/ô lồng chuồng. Khi trời nắng nóng, không nên vận chuyển vì thỏ rất dễ chết.

Anh cần vệ sinh phòng bệnh như định kỳ tẩy uế chuồng trại bằng cách phun thuốc sát trùng chuồng thỏ, tối thiểu 1 lần/tháng. Đồng thời dọn chuồng nuôi hàng ngày và vệ sinh máng ăn, dọn ổ đẻ cho thỏ sạch sẽ.

Anh có thể phòng bệnh chủ động cho thỏ bằng cách tiêm phòng vắc xin để phòng bệnh bại huyết cho thỏ con lúc 2 tháng tuổi.

Đối với thỏ sinh sản, tiêm định kỳ 6 tháng 1 lần. Nếu thỏ bị ghẻ dùng Ivermectin tiêm với lượng 0,7 ml/3kg thể trọng hoặc tiêm Vimectin với lượng 0,2- 0,3 ml/1 con để điều trị. Đối với bệnh cầu trùng, dùng thuốc Anticoc, HanE3 để tiêm với lượng 0,1- 0,2g/kg thể trọng.

BẠN NHÀ NÔNG