Thu nhập cao từ trồng dưa lưới trong nhà màng

Cập nhật, 10:36, Thứ Tư, 05/12/2018 (GMT+7)

Mô hình canh tác dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của anh Phạm Văn Hải, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm mang lại hiệu quả và mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho nông dân trên địa bàn huyện.

Mỗi vụ dưa lưới, anh Hải thu hoạch hơn 3 tấn trái/1 nhà màng. Ảnh: Minh Mừng
Mỗi vụ dưa lưới, anh Hải thu hoạch hơn 3 tấn trái/1 nhà màng. Ảnh: Minh Mừng

Sau 3 năm đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản trở về nước, tháng 6-2017, anh Phạm Văn Hải (31 tuổi), Ấp 3, xã Châu Bình tiến hành đầu tư trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao.

Anh Hải tìm hiểu thông tin trên sách báo, trên mạng và mời Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang khảo sát, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp anh thực hiện mô hình.

Anh Hải đầu tư xây dựng 830mnhà màng trồng dưa lưới. Hiện nay, anh đã xây dựng thêm một nhà màng tương tự, mỗi nhà màng anh Hải trồng 2.000 dây.

Anh Hải cho biết, ban đầu, vốn đầu tư cho nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hạt giống và nhân công tốn 350 triệu đồng, số tiền này anh tích góp sau khi đi xuất khẩu lao động trở về.

Theo anh Hải, với 60 - 70 ngày/vụ, mỗi trái nặng từ 1,6 - 1,7kg, canh tác được 4 - 5 vụ/năm. Sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt 3 tấn/vụ/nhà màng, giá bán từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi nhà màng cho lãi khoảng 50 triệu đồng/vụ.

Hệ thống nhà kính trồng dưa lưới của anh Hải có ưu điểm vượt trội giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng và do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên đảm bảo sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất.

Anh Hải dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel. Phân được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển.

Khi dưa có trái, mỗi gốc dưa, anh Hải chỉ để lại 1 trái để nuôi và thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi trái.

Anh Phạm Văn Hải cho biết: “Từ giai đoạn trồng cho đến khi lặt chèo, tỉa nhánh là khoảng 14 ngày. Đến khoảng ngày thứ 26 thì tiến hành thụ phấn cho dây dưa lưới”.

Mô hình canh tác dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của anh Phạm Văn Hải đang là hướng phát triển mới, bền vững của ngành nông nghiệp.

Việc nhân rộng mô hình là cần thiết, bởi không chỉ giúp đẩy mạnh sản xuất tiến tới nền nông nghiệp công nghệ cao, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Theo Báo Đồng Khởi