Nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi

Cập nhật, 05:22, Thứ Ba, 04/12/2018 (GMT+7)

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT, thời gian qua, hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, phục vụ tốt yêu cầu tưới tiêu, chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh phục vụ tốt yêu cầu tưới tiêu, chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Trong ảnh: Tuyến kinh trữ ngọt phục vụ ứng phó hạn, mặn tại Vũng Liêm.
Hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh phục vụ tốt yêu cầu tưới tiêu, chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Trong ảnh: Tuyến kinh trữ ngọt phục vụ ứng phó hạn, mặn tại Vũng Liêm.

Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc duy tu, sửa chữa các công trình xuống cấp, hư hỏng còn nhiều khó khăn. Trong khi các vị trí xung yếu phải được đầu tư kiên cố với nguồn vốn tương đối lớn, nằm ngoài khả năng của tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 404 tuyến đê với tổng chiều dài trên 3.600km, trong đó gồm 22 tuyến đê cấp 4 và 382 tuyến đê cấp 5.

Theo ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT), dưới tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn, cộng thêm ảnh hưởng của việc khai thác nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mekong cũng đã ảnh hưởng sâu rộng đến ĐBSCL và tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm thay đổi dòng chảy trên hạ nguồn sông Mekong, gây hiện tượng thiếu nước, xâm nhập mặn vào mùa khô.

Các vị trí trọng điểm xung yếu cần xử lý cấp bách gồm các đoạn đê sạt lở, xuống cấp dọc sông Đông Thành dài 3.000m (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh), các đoạn đê sạt lở ở ấp Phú Mỹ 1 dài 1.500m (xã Đồng Phú- Long Hồ), các đoạn đê sạt lở, xuống cấp dọc kinh Rạch Vồn dài 3.000m (thuộc Khóm 4, Khóm 5, phường Thành Phước- TX Bình Minh). Bên cạnh, nâng cấp, sửa chữa các đê bao kinh Truyền Giồng- Nhà Thờ dài 5.000m (xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn), đê bao kinh Năm Trăm dài 5.990m (xã Thành Trung- Bình Tân), đê bao kinh Nhum Rã dài 4.510m (thuộc các xã Tân Lược, Tân Bình, Tân An Thạnh- Bình Tân).

Ngoài ra, việc xây dựng các đập ở thượng nguồn cũng làm hạn chế đáng kể hàm lượng phù sa đổ về gây thiệt hại lớn, lâu dài, trong đó có hiện tượng sạt lở chân đê, mái đê, bờ sông- đây cũng là vấn đề đáng báo động hiện nay.

Mặc dù tỉnh đã chủ động kịp thời thực hiện nhiều giải pháp công trình và phi công trình để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở gây ra nhưng trên địa bàn tỉnh những năm qua đã xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng trên các tuyến sông lớn.

Tuy không thiệt hại về người nhưng cũng để lại hậu quả về kinh tế- xã hội, đời sống người dân.

Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến tháng 11/2018, toàn tỉnh đã xảy ra 215 vị trí sạt lở, tổng chiều dài 9.108m, làm ảnh hưởng trực tiếp đến 80 hộ dân, tổng thiệt hại hơn 18 tỷ đồng.

Tình hình thủy văn thời gian gần đây cũng cho thấy, mực nước các sông trong tỉnh đạt mức cao nhất vào tháng 10/2018, vượt báo động 3 từ 0,25- 0,45m, vượt đỉnh lũ lớn năm 2011 từ 4- 8cm và đạt mức kỷ lục mới trong dãy quan trắc.

Mực nước lũ cao đã gây ngập úng, sạt lở bờ bao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ở nhiều nơi trong tỉnh, đặc biệt là như sạt lở bờ sông Tiền (ấp An Long, xã An Bình- Long Hồ) và tuyến sông Hậu (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh),… Ước tổng thiệt hại do lũ cao trong đợt triều cường đầu tháng 8 và tháng 9 âl hơn 14,6 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, đến nay các địa phương đã gia cố khắc phục được 198 vị trí sạt lở với tổng tiền trên 13 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hạn hẹp nên chỉ áp dụng giải pháp khắc phục tạm thời, thời gian sử dụng ngắn. Về lâu dài, các vị trí xung yếu phải được đầu tư kiên cố với nguồn vốn tương đối lớn nên rất cần được hỗ trợ để thực hiện.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã trình Bộ Nông nghiệp- PTNT báo cáo tổng hợp về phân loại, phân cấp các tuyến đê đủ điều kiện công nhận đạt cấp 3 để được bố trí nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa, đảm bảo các tuyến đê hoạt động an toàn, hiệu quả.

Mới đây, thông qua đánh giá thực trạng hệ thống đê điều, xác định các vị trí trọng điểm xung yếu, tỉnh Vĩnh Long đã đề xuất với Bộ Nông nghiệp- PTNT hỗ trợ khoản kinh phí 20 tỷ đồng để xử lý cấp bách các vị trí xung yếu trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp- PTNT vừa hội nghị triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương cụ thể hóa thực hiện Luật Thủy lợi.

Theo đó, Nghị định số 67 của Chính phủ quy định chi tiết về phân loại, phân cấp công trình thủy lợi; năng lực tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi; thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Nghị định số 96 của Chính phủ quy định chi tiết giá sản phẩm, dịch vụ, lộ trình thực hiện giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; mức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Cũng tại hội nghị này, Sở Nông nghiệp- PTNT đã triển khai Quyết định số 19 của UBND tỉnh quy định về phân cấp quản lý, vận hành và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Theo phân cấp, Sở Nông nghiệp- PTNT quản lý 56 tuyến kinh (tưới tiêu 206.171ha), 63 tuyến bờ bao (bảo vệ 90.781ha), 9 cống hở (phục vụ 4.880ha) và 7 tuyến kè trong toàn tỉnh.

Bài, ảnh: THÀNH LONG