Để xây nông thôn mới đạt tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức lại sản xuất kinh tế tập thể (KTTT) và đã có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp đến hợp tác xã (HTX).
Để xây nông thôn mới đạt tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức lại sản xuất kinh tế tập thể (KTTT) và đã có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp đến hợp tác xã (HTX).
Tuy nhiên, KTTT trong nông nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém; một số địa phương vì mục tiêu phát triển số lượng để hoàn thành tiêu chí 13 mà chưa chú ý đến chất lượng hoạt động... đang là vấn đề đặt ra trong việc tổ chức sản xuất tại các địa phương.
Kỳ 1: “Bơi” trong muôn vàn khó khăn
Nhận thức chưa đúng về bản chất, vị trí, vai trò và nguyên tắc hoạt động của HTX; tổ chức bộ máy, năng lực quản lý điều hành hoạt động của hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban điều hành HTX còn mang tính hình thức, không theo quy định của Luật HTX năm 2012; quy mô sản xuất HTX nhỏ lẻ... là những khó khăn mà các HTX đang gặp phải.
Để vận động người dân tham gia vào hợp tác xã, cần phải đưa Luật Hợp tác xã năm 2012 đi vào đời sống nhân dân. |
Còn nhiều khó khăn
Ra đời khá lâu (từ năm 2003), HTX Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Phước Hậu (xã Phước Hậu- Long Hồ) vẫn còn gặp không ít khó khăn do người dân vẫn chưa thông tư tưởng về HTX kiểu cũ và HTX kiểu mới. Cơ sở sản xuất kinh doanh còn lạc hậu, chưa được cơ giới hóa, chủ yếu còn làm thủ công, làm tăng chi phí sản xuất, đội giá thành nên khó cạnh tranh.
Những ngày đầu thành lập, HTX có 18 thành viên tham gia, vốn góp chỉ 6,2 triệu đồng. Đến năm 2018, HTX có 36 thành viên tham gia với số vốn góp 82,2 triệu đồng. Song, “nguồn vốn này chưa đáp ứng yêu cầu kinh doanh, HTX cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi bằng hình thức tín chấp”- ông Trần Văn Hiền- Chủ tịch HĐQT HTX Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Phước Hậu cho biết.
Với “thâm niên” hơn chục năm, HTX Thủy sản Tấn Phát hiện đang hoạt động tại địa bàn các xã Tân Long Hội, Tân An Hội và Tân Long (Mang Thít) với ngành nghề chủ yếu là nuôi trồng thủy sản nội địa (nuôi cá tra), thường xuyên đối mặt với tình trạng dịch bệnh và đầu ra vẫn còn bị “eo sách”, nhất là đơn vị vận chuyển.
“Những năm 2012- 2013 là thời điểm khó khăn của ngành thủy sản. Nhiều doanh nghiệp còn nợ tiền mua cá của thành viên nhưng đến nay vẫn chưa trả, tình hình thu công nợ gặp nhiều khó khăn, từ đó cũng ảnh hưởng phần nào đến hoạt động của HTX”- ông Nguyễn Văn Hồng- Chủ tịch HĐQT HTX Thủy sản Tấn Phát chia sẻ.
HTX Nông nghiệp dịch vụ Thành Đông (xã Thành Đông, Bình Tân) có ngành nghề kinh doanh là: Mua bán khoai lang, vật tư nông nghiệp, cung cấp dây giống.
Qua gần chục năm hoạt động, HTX vẫn phải mượn đất thành viên làm nơi làm việc, giao dịch với đối tác và vẫn chưa có nhà kho để sơ chế, đóng gói. Điều đáng lo ngại là “HTX chưa có đủ năng lực để cạnh tranh, đối ngoại”- ông Ngô Văn Tua- Chủ tịch HĐQT HTX nhận định.
Đi vào hoạt động từ năm 2016, HTX Nông nghiệp Hậu Thành (xã Long An- Long Hồ) bước đầu gặp không ít khó khăn do chưa quen với việc sản xuất theo mô hình KTTT, thiếu kinh nghiệm tổ chức quản lý điều hành, khả năng tiếp cận thông tin và phân tích thị trường còn hạn chế. Bên cạnh, tất cả các thành viên HĐQT đều không biết sử dụng máy vi tính, trình độ còn hạn chế nên rất khó khăn trong tiếp nhận, xử lý thông tin và soạn thảo văn bản phục vụ cho việc lãnh đạo điều hành HTX.
HTX Nông nghiệp Hậu Thành có trên 70 thành viên tham gia, tuy khá đông nhưng đa số thành viên đều có diện tích nhỏ lẻ nên việc huy động, góp vốn còn khó khăn trong khi khả năng tài chính của HTX rất hạn chế dẫn đến việc mở rộng dịch vụ cũng gặp nhiều trở ngại.
“Điều đáng lo ngại nữa là tình trạng thu gom lúa, tác động “cò” bên ngoài làm cho các thành viên không an tâm giao lúa cho HTX bán. Về phía HTX cũng không chủ động được lịch thời vụ, thiếu kinh nghiệm tuyển chọn giống lúa phù hợp với yêu cầu thị trường”- bà Nguyễn Thị Minh Yến- Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Hậu Thành bày tỏ băn khoăn.
Vốn điều lệ các HTX năm 2018 đạt gần 67 tỷ đồng. Có 30% HTX sử dụng máy tính phục vụ công tác quản lý, tuy nhiên đa số chưa có kết nối internet để nắm bắt thông tin. Cán bộ HTX đa số là người lớn tuổi (bình quân 54 tuổi), năng lực quản lý HTX còn yếu. Đa số giám đốc HTX không có khả năng xây dựng kế hoạch kinh doanh, chưa phân tích được báo cáo tài chính... |
Chất lượng chưa được quan tâm
Để xây nông thôn mới đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất thì xã phải có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012; xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.
Để phát triển kinh tế tập thể cần sản xuất hàng hóa có quy mô lớn và có sức lan tỏa. |
Tuy nhiên, trên thực tế, KTTT trong nông nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, kinh tế hộ vẫn còn phổ biến, giá trị hàng hóa thông qua HTX còn thấp, số thành viên tự nguyện tham gia vẫn còn ít, việc huy động các nguồn lực còn hạn chế...
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, việc tổ chức các hoạt động trong HTX để hỗ trợ thành viên còn hạn chế, do các HTX không xây dựng được phương án hay kế hoạch sản xuất kinh doanh, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Về phía cán bộ được phân công quản lý, hỗ trợ HTX thì chưa theo kịp với tình hình thực tế, khả năng tư vấn độc lập, định hướng cho HTX hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu.
Qua các chuyến đi thực tế, chúng tôi cũng nhận thấy những bất cập nữa là, việc đầu tư cho các HTX nông nghiệp được chứng nhận GlobalGAP, VietGAP là rất lớn, nhưng có thời gian rất ngắn (chỉ 1 năm) nên HTX chưa kịp thu hồi vốn đầu tư và không có khả năng đầu tư tái chứng nhận, ảnh hưởng đến việc ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với tiêu thụ theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Đến nay, tỉnh Vĩnh Long chưa xây dựng được mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới quy mô lớn, liên kết gắn với tiêu thụ chuỗi giá trị thông qua hợp đồng kinh tế. |
Ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, Phó trưởng Ban Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh- nhận định: Vẫn còn tình trạng một số địa phương vì mục tiêu phát triển số lượng để hoàn thành tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn mới mà không chú ý đến chất lượng hoạt động; chưa gắn trách nhiệm của cá nhân, đơn vị với nhiệm vụ được giao dẫn đến buông lỏng quản lý, chỉ đạo.
Bên cạnh, nhiều đơn vị cấp huyện lại phân luồng quản lý KTTT theo hệ thống (HTX giao cho Phòng Tài chính- Kế hoạch, tổ hợp tác thì giao cho Phòng Nông nghiệp- PTNT) không giao quản lý theo ngành và lĩnh vực chuyên môn, dẫn đến các đơn vị chuyên môn không gắn được các chương trình, dự án của ngành mình để hỗ trợ HTX.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, các ban ngành đoàn thể địa phương trong chỉ đạo phát triển KTTT còn hạn chế; việc đề xuất, tham mưu xây dựng các văn bản pháp lý hỗ trợ KTTT còn thiếu sự quan tâm.
Một số chương trình, dự án hỗ trợ cho HTX vẫn còn nhiều bất cập, do đơn vị, cá nhân thực hiện hỗ trợ chưa nắm vững cách thức tổ chức, quản lý điều hành HTX theo quy định của Luật HTX năm 2012. Nguồn vốn phân bổ của Nhà nước để triển khai các chương trình dự án hỗ trợ cho HTX chậm và không ngay từ đầu năm nên chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh. |
>> Kỳ 2: Sản xuất cần gắn với tiêu thụ
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin