Mở ra triển vọng cho cây lác

Cập nhật, 06:58, Thứ Ba, 28/05/2019 (GMT+7)

 

Chiếu lác ngày càng được ưa chuộng.
Chiếu lác ngày càng được ưa chuộng.

Tại Vũng Liêm, từ loại cây hoang dại, lác đã trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao nhờ được đầu tư và có tính thích nghi tốt. Nhờ cây lác, nhiều người đã ăn nên làm ra. Và từ nguồn nguyên liệu lác tại chỗ, nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã đã được hình thành, góp phần nâng giá trị kinh tế cho cây lác.

Từ trồng lác đến dệt chiếu

Theo nhiều người dân ở xã Trung Thành Đông (Vũng Liêm)- vùng trồng lác nhiều nhất huyện: lác là loại cây rất thích hợp với những vùng đất trồng lúa và hoa màu kém hiệu quả. Vì vậy, với một địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường và xâm nhập mặn như Vũng Liêm thì cây lác có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ngoài việc cải thiện thu nhập, nghề trồng lác ở Vũng Liêm cũng góp phần giải quyết số lượng lớn lao động nông nhàn. Bởi tuy lác dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nhưng đến khi thu hoạch lại đòi hỏi rất nhiều nhân công.

Có gần 4 công lác, anh Nguyễn Văn Nam (xã Trung Thành Đông) cho hay: Loại cây này không chỉ dễ trồng mà còn đem lại nguồn thu nhập khá cao. Trồng lác không tốn nhiều công chăm sóc, nhưng mỗi công tôi lời gần chục triệu đồng.

Vào mùa này giá lác tuy có giảm do mưa làm chất lượng giảm, không đẹp bằng những vụ khác nhưng giá vẫn cao, lác loại 1 từ 13.000- 15.000 đ/kg, lác loại 2 từ 9.000- 9.500 đ/kg, nông dân vẫn có lời khá. Hiện 1 công lác cho thu hoạch 800- 1.000kg lác”.

Giá lác ổn định, người trồng lác có lời khá.
Giá lác ổn định, người trồng lác có lời khá.

Đó là lý do tại sao nhiều năm nay cây lác luôn là loại cây chủ lực được xã chú trọng phát triển. Ông Châu Minh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành Đông- cho hay: Cây lác cho hiệu quả gấp 3- 4 lần so với cây lúa, tiềm năng phát triển mạnh. Do đó, xã xác định cây lác là cây chủ lực để phát triển kinh tế địa phương.

Để nâng cao giá trị, hướng đi mới dành cho cây lác được đặt ra là dệt chiếu và đã bước đầu đã đạt được nhiều kết quả. Mới đây, Hợp tác xã Chiếu lác Thành Đông (xã Trung Thành Đông) đã được Sở Công thương hỗ trợ 10 máy dệt, giúp HTX nâng cao được chất lượng, sản lượng.

Chị Nguyễn Thị Duy học nghề rồi hướng dẫn lại cho chị em quanh xóm dệt chiếu, cho hay: Để làm ra tấm chiếu, phải bỏ không ít công sức, mồ hôi, trải qua rất nhiều công đoạn. Trung bình, 1 chiếc chiếu bông cần khoảng 3,2kg lác, chiếu trắng thì ít hơn. Chiếu dệt bằng máy có chất lượng tốt nên cao hơn giá chiếu thủ công.

Do đó, các sản phẩm chiếu của HTX luôn được khách hàng ưa chuộng. Nghề dệt chiếu tương đối nhẹ nhàng nên thích hợp với chị em. Nếu dệt giỏi thì một người có thể dệt 10 chiếu bông/ngày, 15- 18 chiếu trắng/ngày.

Đang nhanh tay dệt, chị Nguyễn Thị Út (ấp Đại Nghĩa- xã Trung Thành Đông) một trong những lao động có tay nghề ở hợp tác xã cho hay: “Dệt chiếu vui lắm, tuy khó hơn xe lõi nhưng thấy thành phẩm của mình làm ra đẹp, được người mua thích là mình vui rồi. Dệt chiếu cũng cho thu nhập ổn định hơn, 120.000- 130.000 đ/ngày”.

Anh Tô Bé Năm- Phó Giám đốc HTX Chiếu lác Thành Đông- cho hay: Giữa vùng nguyên liệu dồi dào nên tôi nghĩ ra phải chế biến cọng lác thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn. Nhận thấy thời gian gần đây người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang dùng chiếu lác, nên tôi quyết định theo nghề dệt chiếu.

“HTX được thành lập từ cuối năm 2018, có 13 thành viên. Đến nay đã xuất bán được trên 200 tấn lác thô và hơn 300 chiếc chiếu. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong tỉnh và ở Đồng Tháp. Hiện HTX đã có nhiều đơn đặt hàng và cũng tiếp tục tìm đầu ra. Tôi mừng vì làm ra chiếu đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng”- anh Bé Năm phấn khởi chia sẻ.

Triển vọng cho cây lác

Từ hiệu quả kinh tế mà cây lác mang lại, những năm gần đây, lác trở thành cây trồng chủ lực của huyện Vũng Liêm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm- Phó Phòng Kinh tế Hạ tầng Vũng Liêm- cho biết: Hiệu quả cây lác mang lại cao. Những hộ chuyển sang trồng lác đã có kinh tế khá hơn. Không chỉ cho thu nhập cao gấp 2- 3 lần so trồng lúa, cây lác còn tạo công ăn việc làm cho lao động từ nghề dệt chiếu, xe lõi lác và đan hàng thủ công mỹ nghệ. Thu nhập nhân công nam từ 100.000 đ/ngày, nhân công nữ từ 80.000 đ/ngày.

“Cây lác sau khi thu hoạch sẽ chia thành 3 loại. Bên cạnh việc cung ứng cho nghề dệt chiếu tại địa phương, lác Vũng Liêm còn tỏa đi khắp tỉnh thành”- bà Ngọc Trâm cho biết thêm.

Ông Châu Minh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành Đông (Vũng Liêm)- cho hay: Trước đây, lác chỉ được bán sản phẩm thô, giá trị kinh tế chưa cao, hiện nay đã thành lập được HTX chiếu lác và được ngành chức năng hỗ trợ đầu tư trang thiết bị nên cây lác đã được nâng giá trị hơn, từ sản phẩm thô đã thành chiếc chiếu, giá trị kinh tế cao hơn. Hướng tới, xã sẽ tập trung tạo điều kiện để phát triển cây lác và các ngành nghề có liên quan.

Tuy nhiên, theo nhiều người dân, hiện nay đầu ra cho cây lác vẫn khá bấp bênh. Diện tích lác cũng giảm do thiếu lao động. Trong khi đó, các sản phẩm từ lác cũng còn ít. Do đó, để cây lác phát triển hơn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ các ngành chức năng và sự nỗ lực của HTX, doanh nghiệp trong đầu tư máy móc, thiết bị, kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm.

Dệt chiếu lác đã đem lại thu nhập ổn định cho nhiều người.
Dệt chiếu lác đã đem lại thu nhập ổn định cho nhiều người.

Anh Tô Bé Năm chia sẻ: Để duy trì và phát triển nghề dệt chiếu, thời gian tới, hợp tác xã sẽ cải tiến sản phẩm với nhiều mẫu mã, kích thước khác nhau, nhằm tạo ra sản phẩm mang giá trị thẩm mỹ cao đáp ứng nhu cầu thị trường, dần dần xây dựng và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm tỉnh nhà.

Vũng Liêm có trên 300ha lác, trong đó, xã Trung Thành Đông có trên 220ha và có 4 tổ hợp tác thu mua và chế biến cây lác. Hiện toàn huyện có 4 làng nghề sản xuất và chế biến lác. Trong đó, các xã Thanh Bình, Quới Thiện có 2 làng nghề về xe lõi lác và dệt chiếu, Trung Thành Đông cũng có 2 làng nghề.

Bài, ảnh: TRÀ MY