Đột biến khiến nCoV dễ lây nhiễm gấp 8 lần

Cập nhật, 21:55, Chủ Nhật, 21/02/2021 (GMT+7)

 

Đột biến D614G bảo vệ protein hình gai của nCoV trước sự tấn công của các protein khác.Ảnh: Shutterstock
Đột biến D614G bảo vệ protein hình gai của nCoV trước sự tấn công của các protein khác.Ảnh: Shutterstock

Một đột biến đẩy nhanh tốc độ lây lan của COVID-19 có thể giải thích tại sao SARS-CoV-2 lại lan ra quá nhanh như vậy trên khắp Bắc Mỹ và Châu Âu, nơi mà phiên bản đột biến G614 chiếm ưu thế. Còn D614- phiên bản gốc của vi rút- chủ yếu thấy ở Trung Quốc và các vùng khác của Châu Á. Đột biến D614G giúp nCoV lây lan nhanh hơn và tồn tại ở một số biến chủng mạnh xuất hiện gần đây.

 

Một đột biến ở protein hình gai của nCoV, một trong vài đột biến di truyền ở những biến chủng đáng lo ngại xuất hiện tại Anh, Nam Phi và Brazil gần đây, khiến vi rút dễ lây nhiễm ở tế bào người gấp 8 lần so với bản gốc- theo nghiên cứu công bố hôm 11/2 trên Tạp chí eLife. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia đến từ ĐH New York (NYU), Trung tâm Hệ gien New York và Hệ thống Chăm sóc sức khỏe Mount Sinai phát hiện đột biến D614G cho phép SARS-CoV-2 lây lan dễ dàng hơn.

“Trong nhiều tháng từ khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu này, tầm quan trọng của đột biến D614G ngày càng gia tăng. Đột biến này đã đạt tới mức độ phổ biến rộng khắp và hiện diện ở mọi biến chủng đáng ngại hiện nay”- Neville Sanjana, trợ lý giáo sư sinh học ở NYU cho biết thêm: “Việc xác nhận đột biến D614G làm tăng tính lây nhiễm có thể góp phần lý giải tại sao nCoV lan nhanh như vậy trong năm qua”.

Đột biến D614G ở protein hình gai của nCoV, thường được biết tới như biến chủng G, nhiều khả năng xuất hiện vào đầu năm 2020 và hiện nay là dạng phổ biến nhất của nCoV trên khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia khác trên toàn cầu. Với nhiều biến chủng lưu hành, các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu tầm quan trọng về mặt chức năng của những đột biến và liệu chúng có làm thay đổi tính lây nhiễm hay độc lực của vi rút hay không.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đưa vi rút mang đột biến D614G vào tế bào phổi, gan và ruột người. Họ cũng đưa bản gốc của nCoV tồn tại khi đại dịch mới bùng phát vào cùng loại tế bào để so sánh. Các nhà nghiên cứu nhận thấy biến chủng chứa D614G gia tăng tính lây nhiễm gấp 8 lần so với vi rút gốc. Ngoài ra, đột biến ở protein hình gai khiến vi rút khó bị phân tách bởi các protein khác hơn. Điều này có thể tạo ra cơ chế đảm bảo lượng protein hình gai nguyên vẹn lớn hơn trên mỗi vi rút.

“Khi tiến hành dự án, chúng tôi thực sự không biết đột biến D614G có bất kỳ ảnh hưởng nào về mặt chức năng. Tuy nhiên, dữ liệu thí nghiệm của chúng tôi khá rõ ràng. Biến chủng D614G lây nhiễm sang tế bào người hiệu quả hơn nhiều phiên bản thông thường”- Zharko Daniloski- nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở phòng thí nghiệm Sanjana tại NYU cho biết.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh phát hiện có thể ảnh hưởng tới việc phát triển vắc xin COVID-19 để bao gồm các dạng phong phú của protein hình gai từ những biến chủng đang lưu hành. Nghiên cứu gần đây từ các nhóm khác cho thấy vắc xin chứa dạng D614 có thể bảo vệ con người trước dạng mới hơn là G614, dù giới chuyên gia cần tìm hiểu sâu hơn để hiểu rõ tương tác giữa nhiều đột biến với nhau và cách chúng tác động tới phản ứng miễn dịch.

Khi vi rút truyền sang người, chúng càng có nhiều khả năng nhân lên và càng có nhiều cơ hội đột biến. TS. Poland- chuyên gia của Hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ (IDSA)- cho biết: SARS-CoV-2 đột biến chậm hơn vi rút cúm nhưng đến nay, nó đã đi qua rất nhiều vật chủ và nhân lên rất nhiều lần, có hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí nhiều đột biến hơn nữa.

 

ĐÔNG PHƯƠNG (theo Phys.org)